Dấu ấn chế biến xuất khẩu thủy sản
1. Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu (XK) của tỉnh đã có từ lâu. Dấu ấn rõ nét nhất là sự hình thành và phát triển của Công ty Thủy sản Tiền Giang trước đây (đã giải thể vào năm 2005). Tiếp đó là sự ra đời của Công ty TNHH Thương mại Sông Tiền (nay là Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền) hay Công ty cổ phần Ngọc Xuân. Đây là một trong những đơn vị chế biến thủy sản XK chủ lực của tỉnh trong một thời gian dài, tập trung vào nhiều loại thủy, hải sản như: Nghêu, sò, mực, cá...
Thế nhưng, công bằng mà nói, ngành chế biến thủy sản XK của tỉnh chỉ phát triển mạnh khi chủ trương phát triển các khu, cụm công nghiệp được bắt đầu. Thời điểm khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến thủy sản là vào năm 2003, với sự ra đời của nhiều DN có quy mô lớn như: Hùng Vương, Gò Đàng, Việt Phú, Vinh Quang... Tiếp đó là một số DN ngoài khu, cụm công nghiệp với quy mô tương đối lớn cũng được ra đời như: Công ty TNHH Chế biến thủy sản Ngọc Hà, Công ty TNHH Đại Thành, Công ty TNHH Thiên Hà, Công ty TNHH Minh Thắng, Công ty TNHH Minh Quý...
Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương, đến nay toàn tỉnh hiện có gần 50 DN hoạt động trong ngành chế biến thủy sản. Điều đáng chú ý là gần 20 DN chế biến thủy sản XK có quy mô tương đối lớn, tập trung ở Khu công nghiệp Mỹ Tho và vùng lân cận; trong đó nhiều DN có giá trị XK đứng nhất, nhì của cả nước. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhìn chung những DN lớn của ngành chế biến thủy sản XK có công nghệ tương đối hiện đại, đạt trình độ công nghệ cũng như chất lượng để xuất khẩu sang cả các thị trường tiêu thụ khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm rất cao như Mỹ và châu Âu. Một trong những lợi thế của các DN chế biến thủy sản XK là chủ yếu chế biến XK mặt hàng cá tra. Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay con cá tra chỉ có ở Việt Nam và là loại thực phẩm có chất lượng ngon, giá thành phù hợp, thị trường tiêu thụ rộng, với hơn 100 quốc gia, hàng năm thu về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời tạo việc làm cho rất nhiều lao động làm công nhân ở nhà máy chế biến hay ở các vùng nuôi cá...
Trong thành tựu của ngành Thủy sản XK trong những năm gần đây của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, con cá tra được xem là đã mang lại nhiều kỳ tích, bởi tốc độ tăng trưởng về sản lượng nuôi và giá trị XK một cách nhanh chóng. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, 10 tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang) trong năm 2015 dự kiến tổng diện tích nuôi cá tra trên 5.400 ha mặt nước; phấn đấu đạt sản lượng 1,2 triệu tấn, nhằm phục vụ chế biến XK 770.000 tấn, góp phần đưa kim ngạch XK cá tra của vùng năm 2015 đạt 1,8 tỷ USD. Trên địa bàn tỉnh, nếu như vào năm 2005, ngành Thủy sản chỉ mang về 50 triệu USD, thì đến năm 2014 XK thủy sản mang về 323 triệu USD và có gần 80% là nhờ vào mặt hàng cá tra.
2. Điều đáng nói là các DN chế biến XK có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã và đang chuyển hướng đầu tư theo hướng chuyên sâu hơn, bắt đầu từ con giống, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chế biến thức ăn và chế biến sản phẩm XK, nhằm tạo ra quy trình sản xuất khép kín. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (Khu công nghiệp Mỹ Tho), một trong những DN có quy mô XK cá tra đứng thứ nhì của cả nước cho biết, nhờ dự đoán được tình hình XK thủy sản sẽ thiếu nguyên liệu, nên từ năm 2010 công ty đã chuyển nguồn vốn sang đầu tư cho vùng nuôi trồng. Hiện tại, công ty sở hữu hơn 250 ha diện tích mặt nước, cùng với khoảng 100 ha diện tích nuôi trồng của các hộ dân mà công ty đã có quan hệ hợp tác. Nhờ vậy, Hùng Vương đã có ưu thế hơn nhờ chủ động được đến 70% nguồn nguyên liệu chế biến.
Trong chiến lược phát triển của mình, Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) cũng đang tìm hướng đầu tư theo chiều sâu. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cho rằng, một thời gian dài ngành chế biến thủy sản nói chung và của GODACO nói riêng chỉ tăng trưởng chủ yếu dựa vào quy mô và XK sản phẩm thô. Tăng trưởng về quy mô chỉ mang tính nhất thời, có giới hạn, chỉ có tăng về chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng (GTGT) mới mang tính bền vững. Tuy nhiên, muốn đầu tư vào sản phẩm GTGT ít nhất phải lành mạnh về tài chính, tập trung đầu tư vào nguồn lực lao động có tay nghề cao, nghiên cứu tìm thị trường và làm ra các sản phẩm có tính khác biệt. Mục tiêu của GODACO trong vòng 3 năm nữa sẽ tạo ra sản phẩm có GTGT chiếm từ 30 - 40% trong tổng giá trị sản phẩm XK. Muốn làm được điều này, Công ty chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến GTGT với vốn đầu tư dự kiến khoảng 20 triệu USD.
Thế nhưng, công bằng mà nói, ngành chế biến thủy sản XK nói chung và của các DN trên địa bàn tỉnh nói riêng không chỉ có thuận lợi. Áp lực đổi mới công nghệ, cạnh tranh giá cả, chất lượng sản phẩm đang được đặt ra như một bài toán khó giải. Theo lãnh đạo Sở Công thương, mặc dù có những khó khăn nhưng nhìn chung ngành Thủy sản của tỉnh có bước tiến so với các tỉnh, thành trong khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế sự thay đổi về công nghệ phù hợp với yêu cầu đối với các DN trong nước diễn ra còn chậm. Cụ thể như các DN XK thủy sản, thương hiệu không mạnh, đầu vào không ổn định, giá cả bấp bênh, lại XK sản phẩm thô là chủ yếu, chưa có sản phẩm có GTGT cao. Trong năm 2014, giá trị XK thủy sản của các DN trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn so với hàng may mặc. Đối với nhóm ngành này tới đây lại đang đối mặt với hàng rào kỹ thuật do các nước đặt ra ngày càng cao. Nếu không nắm được các tiêu chuẩn kỹ thuật, không liên kết sản xuất thì năm 2015 ngành Thủy sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ