Mô hình kinh tế Dầu Tiếng (Bình Dương) Nhiều Tiềm Năng Trong Chăn Nuôi Bò Sữa

Dầu Tiếng (Bình Dương) Nhiều Tiềm Năng Trong Chăn Nuôi Bò Sữa

Ngày đăng 12/02/2015

Dầu Tiếng (Bình Dương) Nhiều Tiềm Năng Trong Chăn Nuôi Bò Sữa

Nhu cầu chăn nuôi bò sữa tại các xã của huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) ngày càng tăng do hiệu quả kinh tế của mô hình này mang lại. Tuy nhiên, thời gian qua các mô hình chăn nuôi bò sữa trong huyện và một số địa phương lân cận chưa phát huy hết hiệu quả do còn hạn chế trong khâu liên kết.

Nhiều tiềm năng

Xã Long Tân là địa phương có truyền thống nuôi bò sữa của huyện Dầu Tiếng. Trước đây, những mô hình nuôi bò sữa tại đây có quy mô nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết, vì vậy nguồn thu nhập của người nuôi bò sữa không ổn định. Tháng 8-2013, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Long Tân (HTX Long Tân) được thành lập gồm 16 hội viên, vốn điều lệ hơn 9,3 tỷ đồng.

Đến nay, HTX đã có 20 hội viên, ước quy mô chăn nuôi khoảng 500 con bò sữa. Việc thành lập HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi bò sữa trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ nhiệm HTX Long Tân cho biết, từ khi HTX thành lập, hướng phát triển mới trong nuôi bò sữa đã hình thành. HTX đã phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo nông dân tham gia. HTX Long Tân làm ăn hiệu quả, nhiều gia đình ở các xã Thanh Tuyền, Thanh An, An Lập, Long Hòa (Dầu Tiếng), Long Nguyên (Bàu Bàng) đã đến tìm hiểu để xây dựng mô hình. Đến nay, một số địa phương này đã hình thành các mô hình nuôi bò sữa.

Để tạo điều kiện cho các hộ nuôi bò sữa đạt kết quả tốt, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với Tổ chức trao đổi và hợp tác Thú y Đông - Tây (CEVEO) đã mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức, hướng dẫn thực hành chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị các loại bệnh trên bò sữa cho người chăn nuôi bò sữa ở huyện Dầu Tiếng. Lớp tập huấn đã giải quyết được các vấn đề còn hạn chế, bức xúc của các hộ chăn nuôi bò sữa trong tỉnh về vệ sinh thú y, lựa chọn con giống, cân bằng khẩu phần thức ăn, bệnh sản khoa, chất lượng sữa…

Cần sự liên kết chặt chẽ hơn

Tiến sĩ Jacques Thibault, chuyên gia của CEVEO, người trực tiếp hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi tại lớp tập huấn nhận xét, khu vực Dầu Tiếng và các xã lân cận rất có tiềm năng cho việc hình thành những mô hình nuôi bò sữa do đáp ứng yêu cầu về nguồn thức ăn, khí hậu.

Trình độ chăn nuôi của hộ chăn nuôi tại đây cũng không quá cách biệt so với các gia đình tại một số nước có nghề chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi bò sữa ở đây còn hạn chế trong việc tính toán sự cân bằng liều lượng thức ăn, môi trường chăn nuôi, ghi chép và ghi nhận quá trình chăn nuôi…

Thời gian qua, các mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Long Tân (địa phương điển hình trong chăn nuôi bò sữa của huyện Dầu Tiếng) cũng như một số địa phương chưa phát huy hết hiệu quả do còn hạn chế trong khâu liên kết giữa các hộ chăn nuôi bò sữa với cơ quan thú y và các công ty sữa.

Tiến sĩ Jacques Thibauilt cho biết, ở các nước có nghề nuôi bò sữa phát triển, sự liên kết này được thể hiện rất rõ ràng, hỗ trợ rất tốt cho các vùng nuôi bò sữa. Với khu vực Dầu Tiếng, mỗi hộ gia đình nuôi từ 20 - 30 con là phù hợp. Với nhu cầu nuôi bò sữa đang tăng lên, rất cần có sự liên kết này trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho rằng, mô hình chăn nuôi bò sữa là hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. “Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng quan tâm tốt hơn nữa việc hỗ trợ vốn, phương thức chăn nuôi, hình thành tổ hợp tác, HTX để mô hình nuôi bò sữa tại Long Tân phát triển, qua đó góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo tại địa phương”, ông Thạnh nói.


Năm Ất Mùi Kể Chuyện Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Dê Năm Ất Mùi Kể Chuyện Làm Giàu Từ… Gà Đồi Mậu Lâm (Thanh Hóa) Gà Đồi Mậu Lâm (Thanh Hóa)