Đẩy Mạnh Phát Triển Tôm, Lúa
Đột phá năng suất
Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2011 toàn tỉnh thả nuôi được 265.000 ha tôm nước lợ, năng suất bình quân đạt 443 kg/ha/năm (tăng 36 kg/ha so với năm 2010), sản lượng đạt 117.352 tấn, chiếm gần 1/4 sản lượng tôm nuôi cả nước.
Năng suất tôm Cà Mau tăng là nhờ đẩy mạnh ứng dụng KHKT, chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh kém chất lượng sang nuôi quảng canh cải tiến (QCCT), bán thâm canh và thâm canh, đạt năng suất, hiệu quả cao. Trong năm 2011, diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh tăng mạnh, đạt 3.511 ha (tăng trên 700 ha so với kế hoạch), năng suất tôm sú đạt 5 tấn/havụ, tôm thẻ chân trắng 10 tấn/ha/vụ.
Diện tích nuôi tôm QCCT trên 10.000 ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2010, năng suất đạt từ 500- 700 kg/ha. Còn lại là diện tích tôm-lúa, tôm-rừng và nuôi luôn canh, xen canh. Năm 2012, ngành nông nghiệp Cà Mau phấn đấu tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên 5.000 ha, QCCT là 25.000 ha, tôm-lúa 43.544 ha, tôm-rừng 17.700 ha…năng suất bình quân đạt 487 kg/ha/năm (tăng 44 kg/ha so với năm 2011).
Theo ông Nguyễn Trần Thức, GĐ Trung tâm KN- KN Cà Mau thì năng suất tôm liên tục tăng là nhờ các địa phương đã triển khai tốt đề án nâng cao năng suất, chất lượng tôm, lúa của tỉnh. Trung tâm cũng đã xây dựng nhiều điểm trình diễn để nông dân học tập, nhân rộng mô hình.
Ngoài ra, trong năm qua, Trung tâm còn thực hiện các dự án nhánh do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đầu tư (Trung tâm KN- KN Cà Mau là chủ dự án) quy mô 16 ha, với 18 hộ nông huyện Trần Văn Thời tham gia. Nhờ được tập huấn kỹ về quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) và SX một vụ lúa trên đất nuôi tôm nên nông dân thực hiện khá thành công. Kết quả, tôm nuôi mau lớn, đạt hiệu quả cao, năng suất thu hoạch bình quân đạt 400 kg/ha.
Còn về cây lúa, trong năm 2011 trung tâm đã xây dựng mô hình trình diễn các giống lúa mới với quy mô 75 ha ở 9 địa điểm trên địa bàn toàn tỉnh. Các giống lúa được trung tâm chọn triển khai là các giống cao sản, chất lượng gạo tốt như: OM 8232, OM 8923, OM 6677, OM 6976, OM 6600, OM 6161. Tại các điểm trình diễn, hầu hết các giống lúa này đều thích nghi tốt, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha. Riêng giống lúa OM 6976 và OM 8232 cho năng suất cao hơn hẳn, bình quân đạt 6 tấn/ha, trong đó giống lúa OM 6976 cứng cây, thích hợp cho cả 2 vụ/năm, còn giống OM 8232 yếu rạ, dễ bị đỗ ngả, chỉ thích hợp với vụ 2.
Để chủ động nguồn lúa giống trong SX, trung tâm còn hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng các điểm SX lúa giống với quy mô 75 ha, năng suất đạt 5- 5,5 tấn/ha. Qua theo dõi đánh giá, việc sử dụng giống chất lượng đã làm tăng năng suất bình quân 0,7 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 8 triệu đồng/ha so với SX lúa thương phẩm.
Ngoài ra, trung tâm còn xây dựng mô hình SX lúa theo quy trình GAP được 220 ha, với 22 điểm trình diễn, năng suất từ 4,5- 5,5 tấn/ha. Qua mô hình, bước đầu đã giúp nông dân quen dần với việc ghi chép sổ sách, nhận biết và thực hiện các bước SX theo hướng GAP.
Bên cạnh đó, các mô hình khuyến nông như chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học, nuôi cá chình trong bể, làm lúa kết hợp rau màu do trung tâm triển khai cũng mang lại hiệu quả cao.
Tăng cường tập huấn
Theo ông Thức, cùng với việc xây dựng các mô hình trình diễn, trung tâm luôn chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân để thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả SX. Trong năm qua, trung tâm đã in ấn, phát hành tổng số là 41.950 cuốn tài liệu, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực SX chính của tỉnh như: Quy trình SX luân canh lúa- tôm, SX lúa 3 giảm 3 tăng, SX lúa giống cấp xác nhận, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sú công nghiệp, nuôi tôm sú QCCT.
Trung tâm còn tổ chức cho cán bộ và nông dân tham gia các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, công nghệ do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức, tham gia hội trại nhà nông, Festival lúa gạo lần II tại Sóc Trăng, hội thi nông dân SX lúa giỏi ĐBSCL, tham quan cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, Đồng Tháp, phối hợp với Trung tâm KN- KN TP HCM để trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực khuyến nông đô thị như nuôi các cảnh, rau an toàn, cà phê khuyến nông...
Ngoài ra, để phục vụ cho công tác tập huấn, hội thảo đầu bờ, trung tâm còn phát hành 11.958 cuốn và tờ bướm hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. In ấn và phát hành 6.350 cuốn “Khuyến nông và Thị trường” để các cơ quan ban ngành, các tổ chức khuyến nông, nông dân cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình giá cả phục vụ SX. Trung tâm còn đặt mua báo NNVN cấp phát cho mạng lưới khuyến nông cơ sở, để nắm bắt thông tin, cập nhật các mô hình hay nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời truyền đạt cho nông dân.
Duy trì thường xuyên chuyên đề “Bạn nhà nông” và “Nông thôn mới” trên sóng phát thanh truyền hình để chuyển tải các nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến bà con nông dân trong toàn tỉnh. Tăng cường mở các lớp dạy nghề, chuyển giao KHKT cho bà con nông dân. Trong năm đã mở được 627 lớp, với 26.880 người tham dự. Đồng thời, tổ chức được 75 cuộc hội thảo đầu bờ, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả với trên 3.000 lượt nông dân tham gia.
Trung tâm đã thành lập Tổ tư vấn SX để tư vấn cho nông dân theo hai hình thức: Tư vấn trực tiếp trên đồng ruộng và qua điện thoại. Qua đó, đã tư vấn cho hàng trăm lượt nông dân về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản, cơ giới hóa SX, dịch vụ và thị trường... Nhờ đó, đã phần nào giải quyết những khó khăn, vướng mắc của bà con nông dân trong quá trình canh tác, góp phần tăng hiệu quả SX.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ