Mô hình kinh tế Để Các Đề Tài Khoa Học Thực Sự Tạo Cú Hích Cho Phát Triển

Để Các Đề Tài Khoa Học Thực Sự Tạo Cú Hích Cho Phát Triển

Ngày đăng 01/08/2014

Để Các Đề Tài Khoa Học Thực Sự Tạo Cú Hích Cho Phát Triển

Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) là một yêu cầu vừa mang tính cấp bách và lâu dài nhằm phát huy sáng tạo, phục vụ cho công cuộc phát triển nên thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đến hoạt động này và bước đầu đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà các đề tài khoa học vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm lực, nguồn lực đầu tư của tỉnh.

Đã có những đề tài tầm cớ

Bằng việc ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, trong những năm qua, toàn tỉnh đã có gần 100 đề tài KH&CN được thẩm định và triển khai ứng dụng. Xét về góc độ quy mô thì trong số các đề tài trên, nhiều đề tài mang tầm cỡ, nếu phát huy được tính thực tiễn sẽ có tác động toàn diện, sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa cũng như quản lý Nhà nước.

Điển hình như giai đoạn 2004-2012, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 86 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; trong đó có 10 nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước và 76 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Ngoài những nội dung nghiên cứu phục vụ luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh còn tập trung nghiên cứu, xây dựng nhiều đề tài khoa học chuyên ngành mang tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cụ thể như trên lĩnh vực văn hóa có các đề tài đang được ứng dụng như giải pháp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ít người nhằm phát huy các bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; văn hóa M'nông và vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa M'nông ở tỉnh Đắk Nông; hoàn thiện hệ thống chữ viết M'nông và biên soạn từ điển M'nông-Việt, Việt-M'nông; xác định cơ sở khoa học làm căn cứ cho việc ghi tên dòng họ M'nông ở tỉnh Đắk Nông...

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài KH&CN phục vụ cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp thời gian qua cũng đã tạo được dấu ấn khá rõ nét. Các đề tài dự án cấp Nhà nước thực hiện trên địa bàn tỉnh ta trong lĩnh vực này nhằm giải quyết những vấn đề lớn, mang tính liên vùng như xây dựng vườn nhân giống cây ăn quả và mô hình sử dụng chất hữu cơ giữ ẩm cho cây trồng trên đất dốc tại xã Đắk Nia, (Gia Nghĩa); nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật thâm canh và quản lý tổng hợp một số sâu bệnh hại chủ yếu trên cây hồ tiêu tại Đắk Nông.

Ngoài ra, để bảo tồn, phát triển các giống sản phẩm đặc thù của địa phương, tỉnh cũng đã tiến hành tuyển chọn một số tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài “Đánh giá, tuyển chọn và nhân giống cây sầu riêng Đắk Mil” với mục tiêu điều tra, tuyển chọn các cá thể sầu riêng ưu tú mang tính đặc thù địa phương, nhân giống vô tính để gây trồng và lưu giữ.

Nhưng hiệu quả thực tiễn chưa cao

Các đề tài trên bước đầu khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì so với quy mô, nhiệm vụ, rất nhiều đề tài chỉ mới triển khai ở dạng khởi động hoặc mang tính cầm chừng, chưa đảm bảo tiến độ theo lộ trình đề ra. Vì thế, hiệu quả thực tiễn từ việc ứng dụng các đề tài chưa cao, chưa đáp ứng được mục tiêu “đi tắt, đón đầu" theo định hướng.

Theo ông Trần Mạnh Đương, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học tỉnh thì nhìn chung, đa phần các đề tài khoa học được thẩm định, triển khai ứng dụng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều mang tính thực tiễn, cấp thiết cao.

Tuy nhiên, những luận cứ bảo đảm tính thực thi như nguồn lực kinh tế, con người khá lớn, trong khi điều kiện của tỉnh trong giai đoạn hiện nay chưa đáp ứng đủ. Vì thế, rất nhiều đề tài khoa học, nhất là những đề tài có quy mô, phạm vi ứng dụng rộng với giai đoạn thực hiện dài thì mới chỉ triển khai giai đoạn đầu đã rơi vào tình trạng “chết yểu” vì không có vốn thực hiện.

Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực đã dẫn đến một tất yếu là lộ trình thực hiện đề tài phải kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu nên có một số nội dung đã xuất hiện tính lỗi thời, lạc hậu cần phải đều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế, gây lãng phí.

Chưa kể đến, một số đề tài khoa học mang tính đặc thù khi ứng dụng thực tiễn lại phát sinh những bất cập như thiếu tính liên kết, chưa đánh giá đúng những tác động khách quan, chủ quan từ chính đặc điểm tình hình văn hóa, phong tục dân cư và điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh.

Điển hình như việc triển khai các đề tài về “Giải pháp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ít người”; “Văn hóa M'nông và vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa M'nông ở tỉnh Đắk Nông” là rất cần thiết nhưng quá trình thực hiện, nguồn lực chưa đáp ứng đủ, triển khai thiếu tính trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Nhiều hạng mục trong hợp phần đề án bước đầu được đầu tư cơ sở vật chất nhưng chưa có sự liên kết, khai thác hợp lý dẫn đến xuống cấp, gây lãng phí. Một số đề tài khoa học trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp hiện cũng mới chỉ ghi nhận thành công ở dạng mô hình chứ chưa mang tính khả thi khi áp dụng rộng rãi theo mục tiêu đề án…

Hạn chế bớt hành chính hóa

Chưa kể đến những đề tài đã được bảo vệ thành công nhưng hiện vẫn còn nằm trên bàn giấy mà các đề tài khoa học khi đã đi vào ứng dụng triển khai cũng đang rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”. Điều đáng nói, những đề tài này thường có một đặc điểm chung là người nghiên cứu, xây dựng chưa bám sát thực tiễn nguồn lực thực thi.

Theo các nhà chuyên môn, qua công tác quản lý, thẩm định các đề tài KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, một đặc điểm chung là các nhà khoa học thường “đi ngược” trong quy trình nghiên cứu, xây dựng đề tài.

Cụ thể là tư duy của nhà khoa học đang theo hướng đưa ra nội dung, mục tiêu thực hiện rồi mới tính đến các yếu tố đảm bảo tính thực thi các mục tiêu đó như nguồn lực tài chính, con người... Vì vậy, các nguồn lực để thực thi đề án thường được gò ép, gắn vào một cách chủ quan, chụp mũ, thiếu các điều kiện đảm bảo.

Chưa kể đến, phần lớn các đề tài khoa học thời gian qua đều xuất phát từ “các đơn đặt hàng” của tỉnh nên còn mang tính “độc quyền cao”, chưa phát huy được tính cạnh tranh, phát hiện, sáng tạo của người làm công tác nghiên cứu.

Cũng theo ông Đương, ngay trong  công tác thẩm định các đề tài KH&CN hiện nay cũng đang mang tính hành chính hóa. Đơn cử như quy định về thành phần các thành viên trong hội đồng thẩm định thường chỉ bố trí 2 người có chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, 3 thành viên còn lại thường là những người có nghiệp vụ quản lý, không có trình độ chuyên sâu về những vấn đề thẩm định.

Trong khi đó, thang điểm của các thành viên được quy định như nhau, không áp dụng hình thức tính hệ số nên nếu 2 thành viên có chuyên môn chuyên sâu có những ý kiến phản bác, cho điểm thấp do đề tài chưa đáp ứng được yêu cầu mà 3 thành viên còn lại cho điểm cao thì đề tài nghiên cứu đó vẫn “lọt” quy trình thẩm định và nghiễm nhiên đi vào thực tiễn.

Từ đây cho thấy, để hoạt động KH&CN thực sự là “cú hích” tích cực cho phát triển, việc thay đổi tư duy về quy trình nghiên cứu, xây dựng đề tài của bản thân nhà khoa học và có những quy định hợp lý từ phía Nhà nước về vấn đề này là cần thiết.

Từ đây, không chỉ góp phần giảm bớt tính hành chính hóa trong hoạt động mang tính chất đặc thù này mà còn đảm bảo các đề tài được thẩm định đi vào thực tiễn mang tính thực thi cao, tránh lãng phí, có tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.


Chủ Động Ứng Phó Lụt Bão Chủ Động Ứng Phó Lụt Bão Trái Cây Trồng Chậu Trái Cây Trồng Chậu