Mô hình kinh tế Đề phòng dịch bệnh trên vật nuôi mùa mưa

Đề phòng dịch bệnh trên vật nuôi mùa mưa

Ngày đăng 18/07/2015

Đề phòng dịch bệnh trên vật nuôi mùa mưa

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 ổ dịch heo tai xanh tại các ấp: Chà Là, Bào Giá, Ngã Bát của xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi và 5.664 con gia cầm bị bệnh cúm A H5N1 tại các xã: Tân Phú (huyện Thới Bình), Viên An (huyện Ngọc Hiển) và xã Khánh Hội (huyện U Minh). Trên tôm nuôi công nghiệp, dịch bệnh xảy ra 442 ha, tôm quảng canh cải tiến 5.434 ha, mức độ thiệt hại từ 40 - 70% sản lượng. Trước thực trạng trên, tỉnh đã xuất trên 50 tấn chlorine để xử lý dịch bệnh trên tôm nuôi.

Không kiểm soát được dịch bệnh

Sau thời gian thả nuôi hơn 1 tháng tuổi, đầm tôm thẻ chân trắng 120.000 con đột nhiên chết hàng loạt. Bà Nguyễn Bé Sáu, ấp Lung Dòng, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: Trước khi bước vào vụ mới, đã chủ động cải tạo ao đầm đúng quy trình, chọn mua con giống qua xét nghiệm. Thế nhưng, không hiểu sao tôm nuôi nhiễm bệnh, chết hàng loạt, mất trắng trên 50 triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thẩm, ấp Giáp Nước, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, chủ hộ nuôi 3 đầm tôm thẻ chân trắng, cho biết: “Thời tiết năm nay diễn biến bất thường, ảnh hưởng không tốt đến tôm nuôi nên gia đình chúng tôi chuẩn bị chu đáo trước khi thả tôm. Sau khi thả nuôi, việc kiểm tra độ pH, điều chỉnh thức ăn và định kỳ bón vôi, chế phẩm sinh học đã được thực hiện đúng như hướng dẫn. Nhưng cách đây không lâu, ngay sau khi thấy tôm đâm đầu vào mé chết hàng loạt khiến chúng tôi không kịp trở tay, mất cả trăm triệu đồng”.

Khi đề cập đến vấn đề xử lý nước thải sau khi tôm bị bể hầm, ông Nguyễn Văn Thẩm cho biết, bơm tát nước trực tiếp ra sông rạch, rồi sau đó mới tiến hành cải tạo lại ao đầm để chuẩn bị nuôi lại vụ mới. Theo ghi nhận, ít ai chú ý khi dòng nước thải đổ trực tiếp ra môi trường sẽ gây ô nhiễm và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh dịch bệnh trên tôm, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều hộ dân chưa chú trọng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, không tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Ðơn cử như hộ anh Nguyễn Thanh Tuấn, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, đang nuôi 17 con gà mà không tiêm phòng, với lý do nuôi ít. Trong khi đó, xã Tân Phú, huyện Thới Bình là địa phương hằng năm đều có dịch cúm gia cầm xuất hiện.

Tăng cường phòng ngừa

Trước thực trạng sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và tôm nuôi còn hạn chế làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh; Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy khuyến cáo, người dân nên báo cáo dịch bệnh, diện tích tôm nuôi bị chết với ngành chức năng để được hướng dẫn xử lý dịch bệnh. Ðể giảm bớt những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cần có biện pháp phù hợp. Trong đó, thực hiện tốt phương châm “3 không”: không giấu dịch; không xả thải nước trong bể, ao nuôi chưa qua xử lý mầm bệnh ra bên ngoài; không bỏ tôm bệnh chết và gia súc, gia cầm ra môi trường tự nhiên.

Ngoài ra, công tác giám sát bệnh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, các địa phương cần quản lý tốt việc khử trùng ao nuôi nhiễm bệnh. Nếu thấy tôm hay gia súc, gia cầm nuôi có dấu hiệu bất thường, người dân phải khai báo để chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra xét nghiệm, phòng trừ dịch bệnh.

Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm cần tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, không giết mổ vật nuôi nhiễm bệnh mà cần phải báo cho cán bộ thú y để điều trị hoặc tiêu huỷ kịp thời. Chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng chấn chỉnh hoạt động kiểm dịch động vật, ngăn chặn vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trái phép. Tăng cường kiểm tra tại các điểm giết mổ tập trung, các chợ, nhằm phát hiện sớm những trường hợp động vật mắc bệnh để xử lý kịp thời ngăn ngừa dịch bệnh.

Các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch thuỷ sản giống, tổ chức lấy mẫu, giám sát định kỳ dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản giống, làm cơ sở cho việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thuỷ sản giống. Kiểm tra các loại thuốc thú y, hoá chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thuỷ sản lưu thông trên địa bàn, kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Ðồng thời, tổ chức tập huấn cho người nuôi về những kiến thức liên quan đến các loại dịch bệnh thuỷ sản và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mua con giống rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn đủ dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm để tăng sức đề kháng trong mùa mưa.


HTX nuôi nghêu Đất Mũi phấn khởi sau vụ nghêu thịt HTX nuôi nghêu Đất Mũi phấn khởi sau… Cơ hội phát triển nghề nuôi cá dìa Cơ hội phát triển nghề nuôi cá dìa