Để Tôm Nhỏ Được Sống
Nếu có dịp đi bất cứ chợ nào, từ thành phố Huế đến các huyện, vùng nông thôn chúng ta sẽ thấy ở đâu cũng có bán tôm đánh bắt tự nhiên từ đầm phá. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, loại tôm nhỏ hoặc cực nhỏ bao giờ cũng chiếm số lượng lớn.
Nếu tôm, có thể gọi là lớn trong nhóm đánh bắt tự nhiên, gọi lớn thì cùng lắm cỡ mười mười hai con một lạng; còn loại cực nhỏ thì e đến hàng năm bảy mươi con.
Mãi đến 8, 9 giờ sáng, tại chợ Trường An (TP Huế), thấy những con tôm bé tí vẫn còn sống búng lóc chóc mà thấy tiếc, ước gì số tôm này được nuôi lại trong các ao các trộ sáo lưới mùng nuổi theo kiểu quảng canh thì chừng hai tháng sau sẽ thu được lợi khá hơn nhiều. Nhưng đối với ngư dân ta, không mấy ai chờ đợi kiểu ấy, nếu không muốn nói là tất cả.
Khi thực hiện loạt ký sự “Dọc miền sóng nước”, tôi có dịp đi các vùng đầm phá từ Quảng Lợi cho đến Quảng Thành (Quảng Điền). Từ đầm Chuồn, đầm Sam (Phú An, Phú Vang) cho đến Lộc Bình, Vinh Hiền (Phú Lộc)… Lênh đênh trên đầm phá Quảng Lợi, thấy một ngư dân đánh bắt được tôm quá nhỏ, tôi hỏi: “Sao không làm mắc lưới lớn hơn để bắt tôm lớn, để dành những con tôm nhỏ lại chúng lớn rồi bắt sẽ lợi hơn rất nhiều”?
Ông bảo: “Cũng muốn như thế lắm, nhưng làm là phải làm đều, mình làm mắt lớn mà họ làm mắt nhỏ cũng như không”. Đó là câu chuyện thật của ngư dân đầm phá hiện nay. Ai cũng muốn mình có lợi thế hơn người khác, vậy là đầm phá bị vắt cạn kiệt.
Nói cho công bằng thì việc đánh bắt thuỷ sản tự nhiên ở đầm phá những năm gần đây cũng được cải thiện hơn trước rất nhiều. Những vùng nó sáo dày đặc trước đây được quy hoạch sắp xếp lại. Những hình thức đánh bắt mang tình chất huỷ diệt môi trường như giã cào, thậm chí là rà điện đã không còn. Nhưng vấn đề kiểm soát cho được việc ngư dân đánh bắt mắt lưới có kích cỡ lớn hơn theo quy định thì vẫn còn hết sức nan giải.
Theo quan sát của chúng tôi trong những lần đi đầm phá, mỗi ngư dân làm nghề một đêm thu chừng từ 0,5 – 1 kg tôm. Cũng có khi nhiều hơn nhưng hiện nay, những đêm như vậy là rất hiếm. Có lẽ có quá nhiều người hành nghề. Và còn một lý do nữa như đã nêu là ngư dân đánh bắt khi tôm chưa kịp lớn nên sản lượng rất thấp.
Ai cũng thấy khai thác như vậy là lãng phí, không hợp lý, tự mình làm thiệt hại cho mình, ngay cả những ngư dân trực tiếp làm công việc này, nhưng để có một giải pháp nào khả thi cải thiện tình hình thì dường như chưa được đặt ra và thực thi có hiệu quả.
Qua tìm hiểu, chúng tôi mạnh dạn có những đề xuất nâng cao sản lượng đánh bắt tôm tự nhiên như sau:
Nhà nước cần kiên quyết chỉ đạo các cơ sở sản xuất lưới thực hiện đúng kích cỡ mắt lưới theo qui định. Hàng năm, ngành thuỷ sản thường tổ chức thả thuỷ sản xuống đầm phá để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Cùng với việc làm này nên thường xuyên kiểm tra ngư dân sử dụng các dụng cụ khai thác thuỷ sản ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện nay, mặt nước đầm phá đã được phân chia. Trong từng thôn, những ai hành nghề đánh bắt tự nhiên người dân đều biết. Có những thôn thành lập cả hội nghề nghiệp về đánh bắt thuỷ sản. Chính quyền cơ sở nên chỉ đạo các thôn vận động nhau thực hiện việc hành nghề với dụng cụ những mắt lưới theo đúng qui định. Không nên sử dụng mắt lưới nhỏ đánh bắt để đảm bảo khai thác thuỷ sản bền vững. Ngư dân thực hiện tốt điều này cũng chính là bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Cũng rất nên vận động người dân một ngày trong năm hay một ngày trong năm quí chẳng hạn, là ngày không đánh bắt thuỷ sản. Mục đích của việc làm này chủ yếu là đánh động ý thức của ngư dân về bảo môi trường và nguồn lợi thuỷ sản. Nhưng mặt khác cũng góp phần làm tăng giá trị thuỷ sản trực tiếp.
Giả sử mỗi ngư dân một đêm đánh bắt được nửa kg tôm. Cả tỉnh có hàng ngàn ngư dân thì sẽ giữ được rất nhiều lượng tôm cho đầm phá. Điều này làm tăng khả năng sinh sản.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ