Mô hình kinh tế Đi Tìm Lời Giải Cho Cá Tra

Đi Tìm Lời Giải Cho Cá Tra

Ngày đăng 01/12/2011

Đi Tìm Lời Giải Cho Cá Tra

Mặc dù giá cá tra nguyên liệu trong thời gian gần đây tăng cao nhưng người nuôi vẫn liên tiếp "bỏ nghề", "treo ao". Đặc san Vietnam's Tra, Basa đã có cuộc trao đổi với một số hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL để tìm "lời giải" cho tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Vẽ (Xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang)

Dù lỗ vẫn phải tiếp tục nuôi

Hiện, gia đình tôi có khoảng 10.000m2 diện tích mặt nước nuôi cá tra. Nếu như vào tháng 5 và 6/2011, tình trạng giá cá bất ổn, loại cá tra trên 1 kg/con ách tắc đầu ra, dù bán giá 23.000 đồng/kg nhưng không ai mua, trái lại cá loại nhỏ hơn 1 kg doanh nghiệp vẫn mua trên 25.000 đồng/kg thì vào đầu tháng 9/2011, việc bán cá tra cho doanh nghiệp lại rất dễ dàng với mức giá khoảng 26.500 đồng/kg. Dù hiện nay giá cá đang tăng trở lại, doanh nghiệp chế biến thu mua với giá cao nhưng những người nuôi như chúng tôi thật sự vẫn không muốn thả nuôi bởi nhiều lý do như giá thức ăn tăng cao, việc thu hồi vốn chậm khi bán cá cho doanh nghiệp. Nhưng nuôi cá tra là nguồn thu nhập chính của cả gia đình nên dù thua lỗ tôi vẫn tiếp tục phải nuôi.

Ông Đoàn Văn Dũng (Ấp Đông An II, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang)

Rủi ro "vây" người nuôi cá tra

Gia đình tôi hiện có khoảng 3.500 - 4.500m2 diện tích nuôi cá tra. Từ đầu tháng 9/2011, doanh nghiệp đồng ý mua cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với giá từ 25.500 - 26.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay những người nuôi cá tra đang gặp nhiều rủi ro như thiếu vốn, giá cá bất ổn, lãi suất không ổn định, chi phí sản xuất tăng cao... Khó khăn lớn nhất chính là việc trong khi chúng tôi phải trả tiền mặt cho các khoản chi phí sản xuất thì doanh nghiệp lại thanh toán hợp đồng rất chậm. Việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải sau 10 ngày nhận hàng mới thanh toán được 30 - 40%, 60 - 70% còn lại được thanh toán sau vài tháng.

Cá tra là một mặt hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới do đó cũng cần phải đạt tiêu chuẩn mới bán được chứ không phải chỉ cần nuôi theo kiểu "tăng gia cải thiện" là được. Đây cũng chính một trong những thách thức, rủi ro cho người nuôi.

Ông Thạch Hùng Sơn (Số 38, ấp 3000, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang)

Bấp bênh nghề nuôi cá tra

Đầu tháng 9/2011, giá cá tra được cải thiện hơn so với hồi tháng 5 và 6/2011. Hiện tại giá bán khoảng 23.500 - 24.000 đồng/kg loại thịt vàng, 25.000 - 25.500 đồng/kg loại thịt hồng và 25.000 - 26.000 đồng/kg loại thịt trắng. Tuy nhiên, so với những năm mới nuôi như 2002 - 2003, người nuôi đã bỏ nghề nhiều hơn bởi hầu như họ không có lãi do giá cá bấp bênh, không ổn định, chi phí thức ăn, thuốc men tăng cao, khả năng thu hồi vốn chậm. Đồng thời, dịch bệnh cho cá tra cũng đang có xu thế ngày càng gia tăng.

Tôi đang bán cá cho Công ty Chế biến Thủy sản An Khang, nhưng hiện doanh nghiệp này đã tuyên bố phá sản nên khả năng mất một khoản tiền lớn chưa thu hồi được là điều chắc chắn. Nghề nuôi cá tra rất bấp bênh nhưng đã chọn thì phải tiếp tục làm thôi.

Ông Lê Văn Huynh (Ấp Long An B, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành, Hậu Giang)

Người nuôi là khổ nhất

Giá cá hiện nay tăng cao hơn so với hồi tháng 5 và 6/2011, ở vào khoảng 26.000 - 27.000 đồng/kg, tuy nhiên người nuôi không mấy "mặn mà" với nghề nuôi cá tra. Tôi cũng như những hộ nuôi khác đều phải đối mặt với những khó khăn chung như khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, chi phí thức ăn tăng cao, các nhà cung cấp thức ăn không bán chịu cho người nuôi...

Tình hình hiện nay của tôi và một hộ nuôi cá tra khác ở Hậu Giang rất khó khăn. Càng khó khăn hơn khi Công ty Chế biến Thủy sản An Khang đang trong tình trạng phá sản và khiến chúng tôi không thu được nợ. Những người nuôi như chúng tôi là khổ nhất, dù không muốn làm nhưng đã chọn nghề này thì vẫn phải tiếp tục đi.

Ông Nguyễn Văn Chót (Xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang)

Cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp "xù" hợp đồng

Nhà chức trách xác định, Công ty Chế biến Thủy sản An Khang đã nợ ít nhất 5 ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ khoảng 300 tỷ đồng, nợ lương công nhân 1,7 tỷ đồng và hơn 27 tỷ đồng của hàng chục hộ bán cá tra nhưng không có khả năng chi trả

Nghề nuôi cá tra đã hình thành và phát triển từ rất lâu nhưng người nuôi như chúng tôi nhiều năm vẫn liên tiếp thua lỗ. Việc Công ty Chế biến Thủy sản An Khang đang phá sản khiến cho tôi cũng như nhiều hộ nuôi khác lâm vào tình cảnh khó khăn. Gia đình tôi có thể phải chịu tổn thất khoảng 200 triệu đồng. Tình trạng thua lỗ, thiếu vốn, nợ ngân hàng khiến cho chúng tôi muốn chuyển sang nghề khác.

Ngoài An Khang, tôi còn cung cấp cá tra cho một số công ty khác như Mê Kông, Dịch Hà… Mặc dù vẫn thu hồi được vốn nhưng việc thanh toán lại diễn ra chậm, thanh toán 3 thậm chí 4 lần mới đủ.

Nói tóm lại, người nuôi cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn và ngày càng có nhiều người "bỏ nghề", "treo ao". Chúng tôi cần sự giúp đỡ, can thiệp của Chính phủ và cần phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp "xù" hợp đồng như An Khang.


Cá Tra Càng Xuất Nhiều Càng Lỗ Cá Tra Càng Xuất Nhiều Càng Lỗ Trồng Dứa Trúng Đậm Trồng Dứa Trúng Đậm