Dịch Bệnh Thủy Sản Vì Sao Bùng Phát Mạnh?
Trong 6 tháng đầu năm nay, dịch bệnh bùng phát mạnh tại các khu vực nuôi thủy sản, gây thiệt hại nặng nề cho người dân, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý.
Theo thông tin mà các đại biểu đưa ra tại hội nghị sơ kết nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014 do Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) tổ chức tại TPHCM ngày 29-7, ngân sách chi cho phòng chống dịch bệnh trong ngành thủy sản quá ít là một trong những nguyên nhân nổi trội.
Để kiểm soát dịch bệnh trên cạn, hằng năm các tỉnh được phân bổ hàng chục tỉ đồng, trong khi để kiểm soát dịch bệnh thủy sản có tỉnh ngân sách hoạt động cả năm chỉ có 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh thành, yếu tố ngân sách hạn hẹp chỉ là một phần của câu chuyện vì việc dịch bệnh bùng phát mạnh còn bị chi phối bởi thời tiết, sự không trung thực của các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và cả người nuôi khi nuôi thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch.
Tổng cục Thủy sản cho biết, những tháng đầu năm 2014 thời tiết biến động và không thuận lợi, đầu năm nắng nóng bất thường ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do đó dịch bệnh tôm xảy ra ở nhiều vùng nuôi, gây thiệt hại cho người nuôi. Các bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy, phân trắng, đốm đen, đỏ thân là các bệnh phổ biến chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt là bệnh đốm trắng có dấu hiệu bùng phát.
Trong 6 tháng đầu năm, thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy đã có hơn 24.000 héc ta diện tích nuôi thủy sản bị dịch bệnh, cao hơn cùng kỳ năm 2013 gần 7.000 héc ta, trong đó có gần 1.000 héc ta nuôi cá tra, điêu hồng, cá lóc, tu hài… bị bệnh. Riêng tôm hùm có trên 14.000 lồng nuôi ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định bị bệnh.
Tỉnh Sóc Trăng là địa phương bị thiệt hại lớn nhất với tổng diện tích thiệt hại là 12.951 héc ta (tương đương 59 % diện tích bị bệnh trên tôm nước lợ 30 tỉnh).
Theo Tổng cục Thủy sản, hầu hết các tỉnh có quy hoạch về nuôi trồng thủy sản nhưng quy hoạch chỉ để báo cáo, còn thực tế, nhiều nơi người dân đã tự ý chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, nhưng do đầu tư chưa thoả đáng về hạ tầng (đường điện, hệ thống cấp thoát nước) nên môi trường ô nhiễm, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, người nuôi không có khả năng phục hồi sản xuất.
"Hiện nay, các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, ý thức phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, chưa chú trọng đến công tác xử lý nguồn nước đầu vào, xử lý xả thải nên thủy sản chết và nước thải đều đổ trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh" báo cáo của Tổng cục Thủy sản nhận định.
Những tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu hầu như 100% cơ sở nuôi nhỏ lẻ không có ao lắng hoặc không xử lý ao/đầm nuôi, nguồn nước trước khi thả giống hoặc xả thải ngay nước từ ao bệnh ra môi trường; không báo cáo cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Vì vậy, dịch bệnh đã xảy ra trầm trọng tại các tỉnh này.
Sự gia tăng của dịch bệnh thủy sản một phần còn do người nuôi mua và sử dụng nhiều sản phẩm chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, thức ăn và giống kém chất lượng. Điều này, khiến dịch bệnh không được được kiểm soát mà bùng phát nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ