Nuôi gà Dịch cúm gia cầm nguy cơ tái phát và biện pháp phòng ngừa

Dịch cúm gia cầm nguy cơ tái phát và biện pháp phòng ngừa

Tác giả Lê Ngọc Thuận, ngày đăng 09/05/2017

Dịch cúm gia cầm nguy cơ tái phát và biện pháp phòng ngừa

Trong năm 2014, trên thế giới dịch bệnh cúm gia cầm đã diễn biến rất phức tạp ở cả trên người lẫn gia cầm. Theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) từ đầu năm 2014 đến nay dịch cúm gia cầm thể độc lực cao, với nhiều chủng vi rút khác nhau đã xảy ra tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan (H5N1, H5N2, H5N3, H5N6, H5N8, H7N9), Lào (H5N6), Campuchia (H5N1), Ấn Độ (H5N1), Nepal (H5N1), Nhật Bản (H5N8), Triều Tiên (H5N1), Hàn Quốc (H5N8), Đức (H5N8), Hà Lan (H5N8), Nga (H5N1), Anh (H5N8), Úc (H7N2), Li-by-a (H5N1), Mexico (H7N3), Việt Nam (H5N1, H5N6). Đặc biệt trong đó chủng vi rút cúm A/H7N9 gây bệnh cho người được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 3/2013 tại Thượng Hải đến nay đã ghi nhận 339 ca bệnh, trong đó 66 ca tử vong.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y đợt dịch cúm gia cầm xảy ra vào những tháng đầu năm 2014 có đến 24 tỉnh thành trong nước có dịch, trong đó khu vực phía Nam có 12 tỉnh là Tiền giang, Long An, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Nai, Bến Tre và Bình Dương. Đặc biệt trong tháng 6 và 7/2014 cũng đã phát hiện vi rút cúm A/H5N6 trên đàn gà, vịt, chim trĩ tại một số tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai và một số tỉnh thuộc vùng Trung Bộ bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Đây là lần đầu tiên vi rút cúm A/H5N6 được ghi nhận tại Việt Nam. Kết quả giải trình tự gien cho thấy, các mẫu vi rút cúm tại Việt Nam có sự tương đồng đến 99% so với chủng vi rút cúm A/H5N6 gây mắc và tử vong đầu tiên trên người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vừa qua. Riêng vi rút cúm A/H7N9 đến nay chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Trong tháng 12 năm 2014 dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi (H5N6), Trà Vinh và Vĩnh Long (H5N1) và hiện nay cả nước còn tỉnh Quảng Ngãi đang có dịch. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chỉ thị số 9897/CT-BNN-TY ngày 9/12/2014 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó cảnh báo trong thời gian tới trước, trong và sau Tết Nguyên đán do thời tiết thay đổi chuyển lạnh, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng cao là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm có thể xuất hiện, lây lan và gây thành dịch lớn.

Nói về vi rút cúm gia cầm H5N1: trong những năm trước đây nhánh 1.1 lưu hành phổ biến tại các tỉnh phía Nam, nhánh 2.3.2.1 xuất hiện và lưu hành chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Nhưng từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014 nhánh vi rút 2.3.2.1 nhóm C đã xâm nhập vào các tỉnh phía Nam và có xu hướng ngày càng phân bố rộng, gây nhiều ổ dịch lâm sàng. Việc tồn tại nhiều nhánh vi rút cúm trong khu vực đã làm cho công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Nhất là công tác tiêm phòng do mỗi loại vắc xin chỉ có hiệu quả cao phòng được với type vi rút tương ứng. Tại Bến Tre, theo báo cáo của Cục Thú y về kết quả giải trình tự gien và lưu hành của vi rút cúm gia cầm thì hiện nay Bến Tre đang lưu hành vi rút cúm gia cầm subtype H5N1 thuộc nhánh 2.3.2.1 C. Như vậy vắc xin phòng bệnh có hiệu quả là vắc xin cúm gia cầm H5N1 - Re6.

 

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm đang đe dọa, để bảo vệ đàn gia cầm, Chi cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như:

1. Về chuồng trại: ít nhất là 02 tuần/lần phải thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh để giảm thiểu mầm bệnh có ngoài môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay thời tiết đang chuyển lạnh nhất là về đêm vào lúc 3 - 4 giờ sáng, làm suy giảm sức khỏe gia cầm nhất là gà, vịt con ở gia đoạn 2 - 4 tuần tuổi; do ảnh hưởng thời tiết lạnh, hệ tiêu hóa của gia cầm hoạt động kém, mức độ ăn uống giảm; lượng thức ăn thu nhận được trong cơ thể chậm phân giải gây xáo trộn tiêu hóa tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập và phát triển. Cho nên cần chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao sức đề kháng trong cơ thể vật nuôi; đặc biệt là điều hòa nhiệt độ trong khu vực chuồng nuôi, giữ ấm chuồng trại vào ban đêm, thoáng mát vào ban ngày.

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm như: chăn nuôi gia cầm với mật độ nuôi phù hợp, nuôi riêng biệt theo từng lứa tuổi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời cung cấp đủ nước sạch và thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng.

3. Phòng bệnh

- Trong thời điểm hiện tại không nên phát triển đàn nhanh, ồ ạt. Khi nhập mới đàn phải có nguồn gốc rõ ràng, nên chọn con giống từ những cơ sở chăn nuôi an toàn, sạch bệnh và tốt nhất chọn từ đàn bố mẹ có tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng những bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, niu-cat-xơn, gumboro,tụ huyết trùng,dịch tả vịt;…Hiện nay, chương trình tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm nhà nước hỗ trợ tiêm miễn phí cho đàn gia cầm dưới 2.000 con/hộ của năm 2014 đã kết thúc. Do đó, trong thời điểm này để tạo được miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm nhằm phòng ngừa dịch bệnh khuyến cáo người chăn nuôi nên tự mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình. Vắc xin cúm gia cầm hiện nay có bán tại Chi cục Thú y hoặc người chăn nuôi có thể đăng ký mua tại Trạm thú y các huyện, thành phố. Đặc biệt lưu ý bà con chăn nuôi khi tiêm phòng phải lựa chọn đúng chủng loại vắc xin cúm gia cầm H5N1 Re6 mới bảo hộ được với chủng vi rút H5N1 thuộc nhánh 2.3.2.1 C đang lưu hành ngoài thực địa.

- Người chăn nuôi cần chú trọng khâu kiểm tra, giám sát dịch bệnhtrên đàn gia cầm. Hàng ngày quan sát theo dõi sức khoẻ, tình trạng ăn uống của đàn gia cầm và khi phát hiện có gia cầm mắc bệnh, chết bất thường không rõ nguyên nhân phải báo ngay với nhân viên thú y xã hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời, nhanh chóng dập tắt dịch tránh lây lan diện rộng. Tuyệt đối không giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Bệnh cúm gia cầm rất nguy hiểm, bệnh có khả năng lây sang người và gây chết người. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần bình tỉnh, không nên hoang mang, lo sợ hoặc quá chủ quan trước những thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh. Bệnh cúm gia cầm rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Để phòng lây nhiễm bệnh cho người, người dân cần chú ý hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Trường hợp có tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt là gia cầm bệnh, chết phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, ít nhất là đeo khẩu trang, găng tay. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Riêng đối với người tiêu dùng cần chọn gia cầm và sản phẩm gia cầm đã được kiểm soát của cơ quan thú y, không mua gia cầm bệnh hoặc không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không giết mổ gia cầm bệnh, chết làm thực phẩm, không ăn tiết canh gia cầm, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm sạch bệnh đã được nấu chín kỹ…. Ngành thú y khẳng định gia cầm, sản phẩm gia cầm sạch, không nhiễm bệnh vẫn dùng được không gây hại cho sức khỏe con người.

Chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nêu trên là cách tốt nhất để phòng dịch cúm gia cầm trong giai đoạn hiện nay./.


Nhiều nông hộ áp dụng thành công mô hình nuôi gà an toàn sinh học bằng đệm lót sinh thái Nhiều nông hộ áp dụng thành công mô… An toàn sinh học phòng bệnh cúm gia cầm cho các nông hộ chăn nuôi nhỏ (phần 2) An toàn sinh học phòng bệnh cúm gia…