Điểm Tựa Cho Ngư Dân Vươn Khơi, Bám Biển
Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là chủ trương lớn, được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đây là điểm tựa để ngư dân và các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đóng tàu cá vỏ sắt, công suất lớn, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp tục vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc...
Từ bao đời, ngư dân luôn gắn phận mình với sóng gió biển khơi. Trong thời gian gần đây, bất chấp việc Trung Quốc có những hành động ngang ngược trên vùng biển Việt Nam và thường xuyên gây khó khăn cản trở nhưng ngư dân vẫn không chùn bước.
Những chiếc tàu đánh cá vẫn thẳng tiến ra các ngư trường truyền thống từ thuở ông cha là Hoàng Sa, Trường Sa; vừa là tiếp nối cuộc mưu sinh như cách làm của muôn đời, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với mỗi ngư dân nói chung và ngư dân Thanh Hóa nói riêng, biển khơi bao giờ cũng có sức hút mãnh liệt. Từ bao đời nay, biển cả như “ruộng”, như “vườn” của ngư dân và cũng là nơi hình thành phong cách và tâm hồn khoáng đạt, ăn sóng nói gió của người miền biển.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, phương tiện khai thác trên biển của ngư dân Thanh Hóa từ nhiều đời nay chủ yếu vẫn là tàu vỏ gỗ truyền thống. Mà trong lĩnh vực khai thác, nhu cầu hải sản cung cấp cho con người ngày càng lớn, nguồn tài nguyên ven bờ lại giảm đáng kể nên để đánh bắt được nhiều hải sản giá trị kinh tế cao thì tất yếu phải vươn xa.
Đồng nghĩa với việc phải đối mặt những rủi ro, hiểm nguy luôn rình rập như: bão tố, nguy cơ hỏng hóc phương tiện... Mặt khác, tàu thuyền của ngư dân và lực lượng chức năng của Trung Quốc ngày càng hung hăng, sẵn sàng đâm va với tàu của ta trên biển nên tàu vỏ gỗ trở nên không an toàn.
Yêu cầu thực tiễn đặt ra là phải có tàu vỏ sắt hiện đại hơn để hạn chế hư hỏng, nứt vỡ khi bị đâm va, máy móc và các thiết bị hỗ trợ trên tàu hiện đại hơn để tăng tính cơ động, khả năng liên lạc, ứng cứu lẫn nhau khi có hoạn nạn... Ông Trương Công Kiệm, chủ tàu cá số hiệu TH91012 TS ở xã Hải Bình (Tĩnh Gia), trăn trở: Tàu gia đình chúng tôi là tàu thu mua, thường xuyên bán cá cho các tiểu thương của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Việc giao dịch buôn bán phải lênh đênh ngoài biển giáp lãnh hải Trung Quốc, thậm chí liên tục cập cảng Kỳ Sá của tỉnh Quảng Tây. Gần đây tình hình biển Đông phức tạp, tàu vỏ gỗ trở nên không an toàn nên chưa thực sự yên tâm trong sản xuất. Nếu có tàu vỏ sắt thì sẽ yên tâm hơn.
Trước nhiều trăn trở của ngư dân cả nước, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định hỗ trợ gói kích cầu 16.000 tỷ đồng cho ngư dân vay đóng tàu cá vỏ sắt hiện đại để vươn khơi xa, vững tin bám biển, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chương trình đã và đang được triển khai tại các tỉnh Nam Trung bộ và được nhiều ngư dân hào hứng. Tại Thanh Hóa, chương trình này sẽ được triển khai trong thời gian tới, mang lại nhiều kỳ vọng để tạo bước đột phá cho hoạt động khai thác trên biển.
Tìm hiểu về chuyện vươn khơi xa của ngư dân, một chiều cuối tháng 7, chúng tôi đã về phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn. Ông Nguyễn Văn Thi, cán bộ nghề cá của phường, tâm sự: ngư dân ở đây rất cần cù, cứ thời tiết thuận lợi là vươn khơi để lao động sản xuất ngay.
Từ những ngày đầu khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và cố tình xua đuổi các tàu cá của ta, ngư dân phường Quảng Tiến rất bất bình và vẫn quyết tâm bám biển, bằng chứng là sản lượng khai thác hải sản của phường không hề giảm.
Hiện nay, toàn phường có 216 phương tiện khai thác, trong đó có 173 tàu lớn, công suất từ 90 CV trở lên chuyên khai thác và làm dịch vụ hậu cần xa bờ. Các tàu lớn của địa phương chuyên khai thác trên Vịnh Bắc bộ, các ngư trường gần tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, thậm chí đánh bắt tận khu vực biển tỉnh Quảng Ngãi, khu vực giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Lê Văn Hinh, Trưởng Phòng Kinh tế của thị xã Sầm Sơn, khẳng định: Toàn thị xã hiện có 117 phương tiện chuyên khai thác ở vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc với các nghề lưới vây, lưới rê, giã đôi, câu... Qua thăm dò, ngư dân rất phấn khởi trước thông tin Chính phủ cho vay đóng tàu cá vỏ sắt.
Với ngư dân Sầm Sơn, đó là cơ hội để được tăng cường các thiết bị an toàn trên tàu mà lâu nay còn thiếu thốn do không có vốn đầu tư. Đây cũng chính là điều kiện để thực hiện mong muốn được vay vốn lãi suất thấp, thời gian vay dài, trong khi chỉ phải thế chấp bằng chính con tàu của mình.
Xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) hiện có đội tàu 80 chiếc, công suất lớn, chuyên khai thác xa bờ với nghề lưới xanh rê đáy. Xét theo các chủng nghề và ngư trường truyền thống thì đây là đội tàu khai thác xa bờ lớn nhất ở Thanh Hóa. Ngư dân nơi đây đã thành lập 9 tổ đoàn kết, mỗi tổ từ 8 đến 12 tàu để cùng sát cánh, hỗ trợ nhau trên biển.
Các cán bộ ngành thủy sản Thanh Hóa cũng khẳng định, đây là đội tàu có vai trò lớn trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bởi tinh thần gan dạ, quyết tâm bám ngư trường truyền thống của ngư dân.
Nhiều ngư dân ở xã cũng cho biết: chỉ cần vắng bóng tàu của ngư dân ta, tàu cá Trung Quốc sẵn sàng thâm nhập ngay vào vùng lãnh hải Việt Nam để khai thác. Rất nhiều lần, các tàu của ngư dân Hoằng Trường phải triển khai theo hàng ngang, đồng thời rải lưới để ngăn tàu Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam.
Qua trao đổi, hầu hết các ngư dân ở Hoằng Trường đều mong muốn có tàu vỏ sắt để bảo đảm an toàn, đồng thời khẳng định chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho vay đóng tàu cá vỏ sắt là hợp lòng dân và nhu cầu thực tế. Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Văn Duyên khẳng định: “Cùng khai thác trên vùng đánh cá chung, song ngư dân Trung Quốc đã khai thác bằng tàu vỏ sắt cách đây cả chục năm rồi. Tàu họ lại lớn hơn, hiện đại hơn tàu của ta nên không ngại đâm va.
Nhiều khi tàu họ chỉ chạy thẳng, tàu ta thấy phải chủ động tránh từ xa, nếu không phần thiệt hại sẽ thuộc về mình. Nếu có chính sách cho vay đóng tàu vỏ sắt với lãi suất thấp, chắc chắn nhiều chủ tàu ở đây sẽ vay để đóng mới. Khi ra biển lớn, mình phải không thua thiệt họ về nhiều mặt thì mới tự tin khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo một cách tốt nhất”.
Tương tự, ngư dân trên các tàu khai thác xa bờ của các xã Hải Bình, Hải Thanh (Tĩnh Gia), phường Quảng Tiến (Sầm Sơn)... đều thấy không an tâm với tàu vỏ gỗ truyền thống. Khi được hỏi, nếu Nhà nước cho vay, họ có quyết tâm đầu tư đóng tàu vỏ sắt? Không ít ngư dân quả quyết sẽ vay để chuyển đổi phương tiện, vươn khơi xa để bảo đảm an toàn, đồng thời nâng cao năng lực khai thác.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra của ngư dân hiện nay là việc đóng tàu vỏ sắt ở đâu, thiết kế tàu có phù hợp với từng nghề khai thác, có được tập huấn để làm chủ các trang thiết bị hiện đại của tàu cá vỏ sắt?
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ