Tin nông nghiệp Độc đáo mô hình trồng cây sung Mỹ và dưa lưới công nghệ cao

Độc đáo mô hình trồng cây sung Mỹ và dưa lưới công nghệ cao

Tác giả Đức Toàn, ngày đăng 17/07/2019

Độc đáo mô hình trồng cây sung Mỹ và dưa lưới công nghệ cao

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân xã Châu Phong (TX. Tân Châu) đã hỗ trợ gia đình ông Võ Văn Cao (ấp Vĩnh Lợi 2) xây dựng mô hình trồng cây sung Mỹ kết hợp dưa lưới trên diện tích 1.000m2. Đây là mô hình mới được địa phương đánh giá cao, có tiềm năng phát triển.

Mô hình tiềm năng

Là một trong những hộ tiên phong trong việc phát triển mô hình trồng cây sung Mỹ ở địa phương, ông Võ Văn Cao cho biết, gia đình ông có khoảng 1ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 1.000m2 đất gần nhà trồng rau màu. Những năm qua, nhận thấy việc sản xuất khó khăn, nên ông nghiên cứu, tìm kiếm loại cây trồng khác để thay thế. “Trước đây khi xem ti vi, thấy giới thiệu mô hình trồng cây sung Mỹ thu lợi nhuận khá cao. Biết có chính sách hỗ trợ vay vốn từ chương trình xây dựng NTM, gia đình đăng ký xin vay vốn và chọn cây sung Mỹ để trồng” - ông Cao chia sẻ. Về nguồn cây giống, ông Cao xuống Cần Thơ để mua, ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sung sinh trưởng và phát triển, gia đình ông xây dựng nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng chi phí đầu tư khoảng 225 triệu đồng (khung, sườn), trong đó Hội Nông dân xã hỗ trợ 120 triệu đồng.

Theo ông Cao, cây sung Mỹ là loại cây ưa thích khí hậu nóng khô, thích hợp với độ ẩm thấp và dễ trồng, chỉ cần có đất và lượng nước đủ là cây sẽ sống và phát triển. Cây sung không kén chọn đất, có thể sống trên nhiều điều kiện đất đai khác nhau, nhưng không thể sống ở đất thường ngập úng. Cây giống khi trồng sau 6 tháng sẽ cho ra trái (bình quân 2kg trái/cây), mỗi nách ra 1 trái, trái non có màu xanh đậm, khi chuyển sang màu vàng đỏ tức là trái chín (khoảng 25-30 ngày). Trái sung chín có thịt mềm thơm mọng nước, lớp vỏ áo bên ngoài rất mỏng, ăn có vị ngọt thanh, trái xanh ăn khá giòn. “Việc trồng sung trong nhà màng để cách ly côn trùng bên ngoài xâm nhập vào gây bệnh cho cây. Tuy nhiên, người trồng không được chủ quan mà phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện cây bị bệnh phải có biện pháp xử lý ngay” - ông Cao chia sẻ kinh nghiệm.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư trồng cây sung Mỹ khá lớn, khoảng 230.000 đồng/cây nên ông Cao chỉ trồng khoảng 200 cây trên diện tích 300m2, phần còn lại được trồng dưa lưới. “Hiện nay, dưa lưới đang gần tới ngày thu hoạch, trọng lượng ước đạt từ 1,2kg trở lên. Sản phẩm được Hợp tác xã Kim Long (Bình Dương) thu mua với giá hơn 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi trên 72 triệu đồng” - ông Cao chia sẻ.

Mở rộng diện tích

Mặc dù chưa thu hoạch nhưng theo đánh giá của ông Cao, mô hình khá tiềm năng, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu áp dụng đúng kỹ thuật. Cây sung Mỹ do có nhiều thành phần dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa thích và được bán với giá cao. Về cây dưa lưới, ông Cao cho rằng, đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Cây dưa lưới phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định. Tuy nhiên, cây dễ bị bệnh trong những ngày mưa dầm, nên nông dân cần phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh sớm và có những biện pháp phòng tránh hiệu quả. “Trước mắt, gia đình tôi sẽ tìm tòi, nghiên cứu thêm kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng cây dưa lưới. Đồng thời, đưa trái của cây sung Mỹ tới một số trung tâm cây giống để thẩm định tiêu chuẩn của trái, chào hàng tại các cửa hàng nông sản tại An Giang. Nếu thuận lợi, sẽ tăng diện tích trồng cây sung Mỹ cũng như tìm đầu ra ổn định cho loại cây ăn trái này” - ông Cao thông tin.

Những năm qua, nhằm giúp nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, thông qua nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Châu Phong đã hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư thực hiện các mô hình nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả cao, khuyến khích nông dân phát huy thế mạnh của từng mô hình sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Phong Ngô Phước Hùng đánh giá: “Mô hình trồng cây sung Mỹ kết hợp dưa lưới của gia đình ông Cao bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn các mô hình nông nghiệp khác của địa phương. Chúng tôi sẽ tổ chức cho các nông dân, đặc biệt là nông dân sản xuất giỏi tham quan mô hình, từ đó sẽ định hướng mở rộng diện tích trong thời gian tới".


Ớt sản lượng giảm, giá cao chót vót Ớt sản lượng giảm, giá cao chót vót Bước vào gieo cấy lúa mùa trà sớm Bước vào gieo cấy lúa mùa trà sớm