Đổi đời nhờ có mô hình trồng dâu và giống mới
Triển khai từ năm 2016, mô hình trồng giống dâu lai mới và nuôi tằm tập trung khẳng định hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ kén đạt gần 200 triệu đồng/ha dâu.
Trồng dâu giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.(Ảnh: Người dân trồng dâu tại xã Lâm Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) ảnh: L.Đ
Hiệu quả vượt dự kiến
Mới đây, Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (TTNCDTT T.Ư) chủ trì đã đánh giá và thống nhất phương pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhân rộng mô hình ưu việt trên.
Trong giai đoạn 2016-2018, TTNCDTT T.Ư được Bộ NNPTNT giao thực hiện Dự án khuyến nông “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trồng giống dâu lai mới và nuôi tằm con tập trung ở mộ số vùng sản xuất dâu tằm trọng điểm”. Triển khai từ năm 2016, đến nay, Dự án đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Được biết, trước khi Dự án được triển khai, nước ta có trên 10.000ha trồng dâu phân bố ở trên 30 tỉnh trong cả nước. Trong đó, vùng sản xuất tập trung lớn nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng Tây Nguyên.
Theo Ths. Nguyễn Thị Min – Chủ nhiệm Dự án, trước khi Dự án được triển khai, bình quân 1ha trồng dâu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạt 80 - 100 triệu đồng. Trong khi đó, cũng với 1ha dâu ở Trung Quốc cho thu nhập trên 250 triệu đồng.
Từ năm 2016 đến nay, dự án triển khai đạt được nhiều thành tựu. Nhiều mô hình điển hình có hiệu quả cao như: Mô hình trồng giống dâu lai F1 VH15 ở các huyện Mộc Châu, Sơn La; Trấn Yên, Yên Bái với tổng 300 hộ tham gia. Kết quả cho thấy tỷ lệ cây sống đạt khá cao (trên 95%), năng suất lá đạt 25-35 tấn/ha (cao hơn năng suất giống dâu địa phương 75%)...
Năm 2017, dự án đã triển khai tại 4 tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa và Lâm Đồng với 43ha trồng dâu lai gồm 430 hộ dân tham gia. Đến ngày 15.5.2017, dự án đã triển khai hỗ trợ 1.260.000 cây dâu giống và các vật tư như phân bón, chế phẩm sinh học cho 300 hộ trồng mới 30ha, tỷ lệ cây sống đạt 95% (đạt 69,768% kế hoạch năm).
Về mô hình nuôi tằm con tập trung, mặc dù là nội dung mới khó thực hiện, nhưng tính đến 15.5.2017, dự án đã tổ chức 4 mô hình nuôi tằm con tập trung tại Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Lâm Đồng. Dự án cũng tổ chức nuôi 2 lứa tằm ở vụ xuân và đầu hè với số lượng 820 vòng trứng giống (đạt 20,09% kế hoạch năm) cung cấp tằm tuổi 4 cho 200 hộ nuôi từ tuổi 4 đến kén; thực hiện hỗ trợ giống tằm đảm bảo chất lượng phù hợp với từng mùa, từng địa phương và áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ kịp thời thuốc xử lý nhà cửa, dụng cụ nuôi, thuốc sát trùng mình tằm, than tăng nhiệt, vôi bột theo đúng số lượng và chất lượng của mô hình. Kết quả cho thấy tỷ lệ nở của trứng đạt trên 95%, tỷ lệ bệnh gai dưới 1%. Áp dụng giống mới cho hiệu quả rõ rệt tằm sinh trưởng tốt, ít nhiễm bệnh, năng suất kén cao.
Cũng trong thời gian trên, dự án đã tổ chức 4 mô hình nuôi tằm lớn từ 4 tuổi đến kén ở nông hộ tại Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Lâm Đồng với 200 hộ tham gia. Các hộ nuôi 2 lứa tằm/năm đạt 20,09% kế hoạch 2017 của dự án. Đặc biệt, các hộ nhận tằm từ mô hình nuôi tằm con tập trung về nuôi đều đạt năng suất kén cao, bình quân đạt 14-16 kg/vòng trứng.
Áp dụng mô hình mới, thu nhập tăng vọt
Một thời gian ngắn triển khai dự án nhưng các mô hình đã chứng minh hiệu quả kinh tế cao qua ứng dụng công nghệ trồng giống dâu lai mới, nuôi tằm con tập trung. Thời gian tới khi các mô hình được nhân rộng trên cả nước, thu nhập của người dân trồng dâu nuôi tằm sẽ tăng đáng kể”. TS Trần Văn Bình – Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ NNPTNT)
Mô hình nuôi tằm con tập trung có ưu điểm giảm đáng kể chi phí chăm sóc. Thực tế còn cho thấy, nuôi tằm con tập trung (mỗi tháng xuất 2 - 3 đợt tằm) theo một cơ cấu giống sẽ cho các lô kén lớn (vài tấn - hàng trăm tấn kén) đồng đều, từ đó nâng cao chất lượng tơ, không bị dọc dưa như khi có nhiều loại kén từ các cơ cấu giống khác nhau.
Ông Lê Quang Tú- Giám đốc TTNCDTT T.Ư khái quát, những năm qua, Việt Nam đã chọn tạo được giống dâu mới, giống tằm lưỡng hệ thích hợp cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay, diện tích trồng dâu giống mới chiếm khoảng 35% diện tích dâu cả nước, năng suất các giống dâu mới đạt từ 25 - 35 tấn lá/ha. Các giống tằm lưỡng hệ, đa hệ lai kén vàng đã được nuôi phổ biến tại các tỉnh có trồng dâu nuôi tằm khắp cả nước, năng suất đạt 14kg kén/vòng, năng suất kén/ha dâu đạt từ 1.500-1.800kg, chất lượng kén đạt tiêu chuẩn ươm tơ cấp 2A trở lên. Hiệu quả kinh tế tăng 50-65% so với trước đây.
“Kết quả nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật giống dâu mới, giống tằm mới và các biện pháp kỹ thuật đã góp phần nâng cao thu nhập từ kén bình quân /ha dâu từ 85 - 90 triệu đồng lên 140 -180 triệu đồng/ha” - ông Tú nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ