Mô hình kinh tế Đổi Thay Ở Đồng Giàn

Đổi Thay Ở Đồng Giàn

Ngày đăng 27/07/2013

Đổi Thay Ở Đồng Giàn

Thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) là thôn thuần nông, có hơn 95% dân số là người dân tộc Cao Lan. Trước năm 1999, thôn có số hộ  nghèo nhiều nhất xã với hơn 55% tổng số hộ. Hơn 10 năm qua, bà con đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa ngành, đa nghề. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Ông La Văn Cầu, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn cho biết, thôn có 120 hộ với 521 khẩu. Cuộc sống của nhân dân trong thôn trước đây gặp nhiều khó khăn, người lao động phải bươn trải khắp nơi tìm kiếm việc làm. Năm 2000, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chi bộ thôn, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động hộ gia đình cán bộ, đảng viên và nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Chi bộ phân công đảng viên phụ trách từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đưa các loại giống, cây, con mới vào sản xuất, từng bước tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác, thiết thực giúp bà con trong thôn thoát nghèo. Bên cạnh đó, các hộ dân có nhu cầu phát triển kinh tế từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đều được thôn tạo điều kiện về mặt bằng, vay vốn ngân hàng, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất được giúp đỡ vay các nguồn vốn ưu đãi, ngày công, cây trồng, con giống... Thôn đã tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Nhờ vậy, 30 ha lúa hai vụ đã được bà con nhân dân đầu tư thâm canh, năng suất lúa từ chỗ chỉ đạt 25 tạ/ha/vụ, nay đã tăng lên 45 - 50 tạ/ha.

Việc vận động nhân dân đầu tư, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã thực sự  mang lại hiệu quả. Bà con trong thôn đã đầu tư mua 7 máy cày và máy bừa, 4 máy xay xát, 2 máy đập lúa. Trong thôn đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập 50 triệu đồng/năm như gia đình anh Hoàng Văn In, Trần Phục Tho, Lương Văn Phúc, Phương Văn Thắng.

Anh Phương Văn Thắng cho biết: “Gia đình tôi trước đây khổ lắm, phải lo ăn từng bữa. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay gia đình tôi đã vươn lên thành hộ khá trong thôn”.

Gia đình anh Thắng có hơn 1 mẫu ruộng 2 vụ, nuôi 13 con lợn thịt và 2 con lợn nái, 7 con dê và có 1 máy xay xát phục vụ bà con trong thôn; mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu được 50 triệu đồng. Còn gia đình anh Lương Văn Trấn tận dụng nhà mặt đường đã đầu tư kinh doanh dịch vụ phông bạt đám cưới và dịch vụ cày bừa phục vụ bà con.

Mỗi năm, gia đình anh Trấn cũng đạt thu nhập trên 40 triệu đồng. Từng là một trong những hộ nghèo của thôn, nhưng giờ đây, gia đình chị Hoàng Thị Săn đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang và mở cửa hàng tạp hóa để phục vụ bà con trong thôn. Chị đã được tín chấp vay vốn, được bà con giúp đỡ con giống và trực tiếp hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả. Gia đình chị hiện có thu nhập ổn định và thoát nghèo.

Nhờ tích cực chăm lo phát triển kinh tế, đến nay hầu hết các hộ thôn Đồng Giàn có cuộc sống khá giả, số nghèo trong thôn hàng năm giảm từ 5 - 10 hộ. Năm 2008 thôn còn 30% số hộ nghèo, đến nay chỉ còn 18%. Đời sống từng bước được nâng lên, nhân dân đã tích cực thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thôn đã làm được 500m đường bê tông. Bà con cũng đã đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn, cải tạo mương tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong thôn không có người mắc tệ nạn xã hội, các gia đình đều có ý thức giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Thôn thường xuyên duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Từ năm 2005 đến nay, Chi bộ thôn Đồng Giàn luôn đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh, thôn đạt danh hiệu Làng Văn hóa, trên 85% số hộ dân đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa.


Kinh Tế VAC Phát Triển Cả Chiều Rộng Và Chiều Sâu Kinh Tế VAC Phát Triển Cả Chiều Rộng… Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Dong Riềng Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Dong Riềng