Dồn sức thực hiện chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản
Tập trung gỡ khó
9 tháng qua, tổng sản lượng thủy sản đạt 376.680 tấn, bằng 99% so với cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch; trong đó có 11.380 tấn tôm, tăng 0,9% so với cùng kỳ, đạt 73% kế hoạch.
Diện tích nuôi tôm công nghiệp tiếp tục được mở rộng, đến nay đạt 9.266ha (kế hoạch đến cuối năm đạt 10.000ha), tăng 1.056ha so với đầu năm.
Tôm nuôi quảng canh cải tiến phát triển mạnh, hiện đạt 74.732ha (kế hoạch đến cuối năm đạt 75.000ha).
Tôm nuôi quảng canh truyền thống phát triển ổn định.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi được các ngành, các cấp triển khai thực hiện tích cực, góp phần giảm thiệt hại cho các hộ nuôi.
Tính từ đầu năm đến nay, có 639ha tôm nuôi công nghiệp bị bệnh, giảm 534ha so với cùng kỳ.
Tỉnh đã xuất 78 tấn chlorine để xử lý dịch bệnh.
Tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến có 8.545ha bị bệnh (mức độ thiệt hại khoảng 30 - 70% năng suất), giảm 112ha so với cùng kỳ.
Để ngành tôm Cà Mau phát triển ổn định, bền vững thì các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc để ổn định và điều chỉnh giá vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, nguyên liệu), giảm chi phí cho người nuôi, có như vậy người dân mới yên tâm sản xuất, tạo giá trị kinh tế.
Tỉnh cũng cần tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Về phía ngành chức năng là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu các tiêu chuẩn chứng nhận nuôi trồng thủy sản quốc tế để từng bước nâng cao giá trị con tôm Cà Mau, mang lại lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp.
“Để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 1,65 tỷ USD, đưa tỷ trọng hàng giá trị gia tăng lên 75%, thời gian tới, CASEP sẽ chú trọng giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ theo quan điểm đa thị trường, đa phương thức, xem thị trường là nhân tố quyết định.
Hội cũng khẳng định thị trường Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga là thị trường trọng điểm và thị trường Úc, Canada...là thị trường cần vươn tới.
CASEP sẽ tiếp tục nâng cao năng lực chế biến nhằm tạo bước đột phá mới về chất lượng, hiệu quả và cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Hội cũng chủ động cân đối đủ nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho chế biến và chú trọng việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, có kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh.
Cùng với đó, CASEP còn quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời giải quyết các yêu cầu, kiến nghị bức xúc của hội viên”, ông Ngô Văn Nga - Chủ tịch CASEP, phấn khởi cho biết.
Để hoàn thành chỉ tiêu quan trọng này, tỉnh sẽ dồn sức vào thực hiện tốt kế hoạch sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp năm 2015.
Đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống thiệt hại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tôm nuôi, nhất là tôm nuôi công nghiệp.
Nuôi tôm theo quy trình mới là hướng mở cho ngành kinh tế thủy sản tỉnh phát triển bền vững.
Nâng cao hiệu quả từ những quy trình mới
Trong tình hình nuôi tôm công nghiệp còn nhiều khó khăn, vẫn có nhiều hộ mạnh dạn áp dụng các quy trình nuôi mới đạt hiệu quả khả quan.
Như hộ ông Huỳnh Thái Hoàng, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, với mô hình nuôi tôm lót bạt chuyển ao, đạt năng suất 43 tấn/ha.
Mô hình thực hiện gồm 2 ao nuôi trên diện tích 3.000m2, 1 ao vèo 500m2, 1 ao lắng, 1 ao xử lý và 1 ao cấp nước cho ao nuôi với tổng diện tích 11.000m2.
Sau hơn 3 tháng, tôm đạt kích cỡ 28 con/kg, tổng thu 13,7 tấn, tương đương 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,1 tỷ đồng.
Mô hình đạt hiệu quả cao là nhờ hộ nuôi thực hiện quản lý tốt môi trường ao nuôi như: Độ mặn, pH, oxy hòa tan, khí độc, nhiệt độ, độ kiềm...kiểm tra mỗi ngày 3 lần.
Khi có sự thay đổi các chỉ số kỹ thuật thì xử lý bổ sung ngay vào thời điểm phát hiện theo khuyến cáo của kỹ sư Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam hướng dẫn.
Theo đó, định kỳ thay nước và xi-phông ao nuôi mỗi ngày, giúp môi trường ao nuôi ổn định, tôm phát triển tốt.
Thêm một hướng mở mới: Mô hình nuôi tôm công nghiệp mật độ cao 200 con/m2 theo công nghệ của Công ty TNHH MTV Việt - Úc Bạc Liêu ở hộ ông Lâm Hồng Tới, ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước.
Với diện tích ao nuôi 200m2, ông Tới thả 40.000 con giống, đến nay tôm phát triển tốt.
Mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH MTV Việt - Úc Bạc Liêu thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân ít vốn và ít đất sản xuất.
Đây cũng là 1 trong 5 mô hình nuôi tôm lót bạt quy mô nhỏ công nghệ cao do Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh triển khai trên địa bàn các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và TP.Cà Mau.
Mới đây, qua tham quan mô hình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đánh giá cao hiệu quả của mô hình: Do diện tích ao nhỏ nên ao nuôi dễ quản lý so với loại hình nuôi ao đất luôn bị ô nhiễm, khó kiểm soát như hiện nay.
Nếu mô hình chứng minh tính hiệu quả vượt trội thì các ngành chuyên môn liên quan cần tổ chức nhân rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân.
Bên cạnh đó, để phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tại Cà Mau, tiêu chuẩn sinh thái quốc tế đã được áp dụng vào mô hình nuôi tôm quảng canh, đặc biệt là tôm rừng trong thời gian qua và đã được chứng nhận.
Hiện đã có 14.000ha tôm nuôi sinh thái được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế.
Đây là kết quả quan trọng giúp quảng bá thương hiệu con tôm của Cà Mau trên thị trường thế giới, từ đó giúp thương hiệu tôm của Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường các nước trên thế giới, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển một cách bền vững.
Năm Căn, Ngọc Hiển là những địa phương khá thành công với mô hình này, tới đây tỉnh sẽ nhân rộng thêm tại huyện Đầm Dơi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ