Mô hình kinh tế Dồn Vốn Cho Nông Thôn Mới

Dồn Vốn Cho Nông Thôn Mới

Ngày đăng 14/08/2014

Dồn Vốn Cho Nông Thôn Mới

Đồng Nai hiện đang dẫn đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới là nhờ từ tỉnh đến địa phương đều tập trung dồn sức cho nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, tuy rất khó khăn về nguồn vốn ngân sách, nhưng Đồng Nai luôn ưu tiên vốn cho xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng rất linh động trong việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới.

* Gỡ khó về vốn

Nói về khó khăn của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành đã kiến nghị với đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương về làm việc tại Đồng Nai vào cuối tháng 7-2014: “Hiện Đồng Nai chỉ là trọng điểm để thu ngân sách và nếu không sớm được điều chỉnh (tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nguồn thu nội địa dành cho tỉnh từ 51% lên ít nhất là 70%) thì mục tiêu trở thành đầu tàu kinh tế cả nước của tỉnh rất khó thực hiện.

Không thay đổi cơ chế tài chính hiện nay: phần lớn dành cho Chính phủ, phần ít dành cho địa phương thì địa phương sẽ không có nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cho kinh tế - xã hội”.

Thực tế, hiện nay hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Trong đó việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho nông thôn mới cũng gặp khó do ngân sách chậm rót vốn. Ông Lê Khắc Sơn, Bí thư xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), cho biết trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu vốn ngân sách tỉnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng xã khoảng 14 tỷ đồng nhưng địa phương mới chỉ được giải ngân 1,9 tỷ vốn nợ của năm trước. Tuy có khó khăn nhưng các dự án hạ tầng của xã vẫn đảm bảo tốt tiến độ.

“Một trong những lợi thế của địa phương là đạt hiệu quả tốt trong công tác vận động người dân và vốn xã hội hóa cho nông thôn mới. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, xã đã vận động được trong dân khoảng 5,2 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn” - ông Sơn nói.

* Huy động vốn xã hội hóa

Ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND TX.Long Khánh, chia sẻ thị xã rất quan tâm đến nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Từ UBND thị xã, Đảng ủy, UBND các xã, phường đều thành lập ban vận động ủng hộ và chung sức xây dựng nông thôn mới. Kết quả trong 5 năm thực hiện (2009-2014), thị xã đã đầu tư gần 1.133 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng; trong đó, nguồn ngân sách chiếm 45%; huy động trong dân chiếm 55%.

Huy động nguồn vốn tín dụng cũng là hướng được tỉnh rất quan tâm để gỡ khó về nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2014, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới của 34 xã trong tỉnh đạt 3.270 tỷ đồng, gồm: dư nợ cho vay sản xuất - kinh doanh đạt 1.566 tỷ đồng; vay làm đường nông thôn, nước sạch đạt trên 32 tỷ đồng...

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai: “Tỉnh đã kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin cơ chế cho vay trong lĩnh vực đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Theo đó, các địa phương khó khăn về vốn do ngân sách tỉnh chậm sẽ được tỉnh cho ứng vốn dưới hình thức bảo lãnh vay từ nguồn vốn tín dụng”.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch huyện Xuân Lộc, thông báo huyện vừa có thêm 4 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, trong đó 3 xã đã được Hội đồng thẩm định tỉnh xét công nhận. Dự kiến đến tháng 9, huyện có 13/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt mục tiêu nông thôn mới trong năm 2014.

Xuân Lộc đang tiếp tục huy động sức dân để nâng cao nông thôn mới, như: tiếp tục nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường thôn, ấp; lắp hệ thống đèn chiếu sáng đến từng ngõ ấp, thôn xóm, đường nội đồng với 100% vốn huy động từ sức dân. Vấn đề cốt yếu là dân phải làm ăn khấm khá thì hiệu quả xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trong đó, một số địa phương đã phát huy hiệu quả trong việc vận động nguồn vốn xã hội hóa từ đóng góp của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Công ty TNHH Cù Lao Xanh, (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), đơn vị đã đóng góp 270 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, chia sẻ: “Đầu tư cho nông thôn mới là vấn đề được tỉnh và địa phương quan tâm hàng đầu.

Ý thức được điều này nên doanh nghiệp cũng mong muốn đóng góp một phần cho địa phương. Việc làm này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà cho cả bản thân doanh nghiệp”.


Bán Mía Sớm Để Nhẹ Gánh Bán Mía Sớm Để Nhẹ Gánh Thu Nhập Cao Nhờ Thâm Canh, Chuyển Đổi Cây Trồng, Vật Nuôi Thu Nhập Cao Nhờ Thâm Canh, Chuyển Đổi…