Mô hình kinh tế Ðược mùa ngô nhưng nông dân không vui

Ðược mùa ngô nhưng nông dân không vui

Ngày đăng 28/10/2015

Ðược mùa ngô nhưng nông dân không vui

Cách đây một tháng, khi ngô chính vụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai bắt đầu cho thu hoạch, giá bán ngô hạt tại huyện Mường Khương dao động từ 5.300 - 5.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ còn là 4.500 đồng/kg, trong khi việc tiêu thụ lại gặp nhiều khó khăn.

Năm nay, huyện Mường Khương tiếp tục được mùa ngô với năng suất tăng gần 5 tạ/ha so với ngô chính vụ năm 2014.

Tuy nhiên, trái ngược với năng suất, sản lượng, giá ngô thời điểm này liên tục sụt giảm.

Giá ngô chính vụ trên địa bàn tại thời điểm này dao động từ 4.800 - 5.000 đồng/kg, nhưng điều đáng chú ý là nhiều hộ dân chưa bán được vì không thấy thương lái đến thu mua ngô.

Gia đình ông Xì Hồng Quán, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình (Mường Khương) đã thu hoạch xong 2 ha ngô từ đầu tháng 9, với sản lượng ước đạt trên 7 tấn hạt.

Nhưng hiện nay, gia đình ông Quán vẫn chưa bán được bao ngô nào.

Ông Quán chia sẻ: Khoản vay cho 2 con đóng học đầu năm bây giờ đã đến thời điểm phải trả, mà không thấy ai đến hỏi mua ngô, tôi thấy lo lắm.

Mọi năm, thu hoạch đến đâu người ta đến mua hết tới đó, vậy mà năm nay cứ im lìm thế này, thật rõ khổ...”.

Nhiều tư thương tại huyện Mường Khương buộc phải găm hàng dù không muốn khi giá ngô ngày càng xuống thấp.

Tính trên phạm vi toàn huyện, kế hoạch cả năm gieo trồng 4.000 ha ngô chính vụ, đến thời điểm này cơ bản bà con đã thu hoạch xong, năng suất ước đạt 36,5 tạ/ha, sản lượng là 14.600 tấn.

Những năm trước, sản lượng ngô hàng hóa của huyện Mường Khương được thương lái thu mua rồi tiêu thụ tại các nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại các tỉnh miền xuôi và xuất khẩu qua Cửa khẩu Sín Tẻn.

Tuy nhiên, năm nay do phía Trung Quốc liên tục thay đổi chính sách nhập khẩu hàng nông sản, nên tại Cửa khẩu Sín Tẻn việc tiêu thụ ngô gặp nhiều khó khăn.

Ông Vũ Thành Điệp, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Mường Khương cho biết: Dù Hải quan và các ban, ngành có liên quan trên địa bàn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, nhưng người dân vẫn khó xuất hàng nông sản.

Thực tế từ đầu năm, không ít xe hàng nông sản của doanh nghiệp trong nước đã nằm chờ vài ba ngày tại Cửa khẩu Sín Tẻn rồi quay đầu trở về mà không thể xuất hàng.

Tại thời đểm này, có khi là cả tuần không có lô hàng nông sản nào được xuất khẩu qua đây.

Không chỉ huyện Mường Khương, tại huyện Si Ma Cai, đầu vụ thu hoạch ngô, giá sản phẩm đạt 5.000 - 5.500 đồng/kg, nhưng đến nay đã giảm mất 1.000 đồng/kg.

Chia sẻ với phóng viên, ông Giàng A Páo, thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu (Si Ma Cai) bồi hồi: “Năm 2014, thời tiết hạn hán, hạt ngô bé tí còn bán được 5.800 đồng/kg.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, ngô nhiều, hạt to đều, mà đầu vụ tư thương chỉ mua 5.000 đồng/kg, thấy rẻ hơn năm trước, nên tôi không bán.

Đến bây giờ thì giá giảm xuống chỉ còn 4.500 đồng/kg, không bán thì không có tiền cho con đi học và mua sắm”.

Hằng năm, gia đình ông Páo gieo trồng từ 3,5 - 4 ha ngô chính vụ, cho thu hoạch khoảng 12 tấn ngô hạt; khoảng 8 - 10 tấn ông Páo bán ra thị trường.

Tổng diện tích ngô chính vụ năm 2015 của huyện Si Ma Cai là trên 3.000 ha, đến thời điểm này nông dân cơ bản đã thu hoạch xong, năng suất ngô ước đạt 36 tạ/ha, sản lượng đạt trên 10.000 tấn.

Theo phân tích của ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, để người trồng ngô trên địa bàn có lãi thì giá ngô chính vụ phải bán được ở ngưỡng 5.500 đồng/kg, dưới giá đó là lỗ, nếu tính đầy đủ chi phí đầu vào.

Thời điểm trồng và chăm sóc cây ngô chính vụ năm 2015 người nông dân vẫn phải mua vật tư nông nghiệp đầu vào với giá cao.

Để giảm thiểu rủi ro cho người trồng ngô, huyện Si Ma Cai đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân bình tĩnh, tìm hiểu thị trường để tránh bị tiểu thương lợi dụng ép giá bán.

Cơ quan chuyên môn cũng cử cán bộ chuyên môn xuống các địa bàn tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật bảo quản ngô, để tránh ẩm mốc, mối, mọt...

Năm 2015, kế hoạch gieo trồng ngô của toàn tỉnh là 12.618 ha, với cơ cấu giống ngô lai chiếm 94,7% diện tích, còn lại là giống ngô nếp và ngô địa phương.

Từ giữa tháng 9 đến nay, cây ngô chính vụ trên địa bàn tỉnh vào vụ thu hoạch với năng suất khá cao, ước đạt bình quân 35,2 tạ/ha, tăng gần 1 tạ/ha so với ngô chính vụ năm 2014.

Tìm hiểu từ phía thương lái, việc vận chuyển ngô về tiêu thụ tại các nhà máy chế biến thức ăn gia súc trong nước không mấy thuận lợi.

Doanh nghiệp của ông Trần Minh Cường, thôn Thái Vô, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) là 1 trong số cơ sở thu mua nông sản thuộc vào hàng lớn nhất tỉnh.

Trung bình mỗi năm cơ sở này thu mua từ 200.000 - 300.000 tấn nông sản các loại, trong đó ngô hạt là trên 10.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ông Cường mới thu mua được khoảng 2.000 tấn ngô hạt và không thể mua thêm vì không tìm được nơi tiêu thụ.

“Bạn hàng truyền thống chỉ nhập ngô với giá 5.100 - 5.200 đồng/kg trong khi tôi đang mua của bà con với giá thấp hơn 100 - 200 đồng/kg, cộng chi phí vận chuyển, quản lý, thu mua và tiền lãi ngân hàng tôi chỉ hoà hoặc lỗ vốn nếu tiếp tục thu mua” - ông Trần Minh Cường cho biết.

Hiện, riêng địa bàn xã Xuân Quang (Bảo Thắng) đã có 11 cơ sở cấp đại lý và doanh nghiệp thu mua hàng nông sản, song tất cả đều trong tình trạng chung là “bỏ rơi” bà con sau nhiều năm hợp tác tiêu thụ, bởi mức giá xuống thấp.

Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đang phần nào ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân vùng cao trong tỉnh, nhất là khi giá ngô nhập ngoại có chất lượng cao đang thấp hơn giá ngô trong nước.

Trong khi đó, chi phí sản xuất ngô hàng hóa của bà con vẫn ngày một tăng cao theo từng thời kỳ do nhiều yếu tố khách quan, nên việc giảm sâu giá là rất khó thực hiện.

Việc giải bài toán này đang rất cần những chính sách kịp thời từ phía Nhà nước, các cơ quan hữu quan.


Nông dân khó chủ động thu hoạch lúa Nông dân khó chủ động thu hoạch lúa Ngọt mềm mía tím Sơn Dương Ngọt mềm mía tím Sơn Dương