Tin nông nghiệp Dưới giàn đậu rồng

Dưới giàn đậu rồng

Tác giả Khánh Hưng, ngày đăng 03/08/2018

Dưới giàn đậu rồng

Đậu rồng là một loại nông sản chỉ đậu trái khi ở tiết trời lạnh, vùng núi cao, có sương, mưa nhiều. Thiếu yếu tố nào chúng cũng “làm mình làm mẩy” khiến nông dân méo mặt, phải chăm chút công phu. Với họ, giàn đậu rồng trên triền núi chất chứa bao ước mơ, hy vọng, khát khao trở mình khỏi cuộc sống lam lũ.

Giàn đậu rồng ở núi Dài

15 năm trước, ông Nguyễn Hữu Phước (45 tuổi, ngụ xã Lương Phi, Tri Tôn) rời quê lên núi Dài sinh sống. Cha của ông ngán cảnh làm rẫy, làm vườn, định bỏ núi đi xa làm thuê.Tiếc giàn đậu rồng đang xanh um, cha ông “bàn giao” lại cho ông chăm sóc, hưởng thụ thành quả.

Cứ thế, ông Phước gắn bó với loại nông sản này cho đến nay, chưa từng ngơi nghỉ. Năm nào rỗi rảnh, ông tranh thủ trồng sớm để “ăn” trái nghịch mùa, giá cao. Còn bận rộn thì đành chờ mùa mưa gần tới, ông cặm cụi làm giàn, chỏi cây. Khi mấy cơn mưa đầu mùa rớt xuống đủ ướt đất, ông bắt đầu gieo hạt.

Vợ, con ông lại tất bật làm cỏ, sửa đọt cho chúng leo dọc theo dây gân, rồi tưng bừng thu hoạch. 4 tháng nhanh chóng trôi qua, mùa mưa vừa dứt, đậu rồng bắt đầu rụi dần, héo vàng cả khoảnh núi. Cả nhà ông lại bận rộn dọn dẹp giàn, làm cỏ, chăm sóc đất để đợi mùa sau.

Sau 2 tháng gieo hạt, đậu rồng bắt đầu leo đụng nóc giàn, rồi dần mang màu xanh trải dài ra. Thêm 2 tháng nữa, đậu rồng cho trái rộ, chủ rẫy phải nhanh tay bẻ theo lịch 2 ngày/lần. Sau đó, đọt cây mất sức, tạm ngưng phát triển. Nông dân biết ý, dưỡng phân, thuốc để đọt bủa ra, kết trái lần nữa. Mỗi đợt ra trái cách nhau 15 - 20 ngày, nhưng rất dai dẳng theo kiểu “còn mưa còn trái”. Hễ trời nóng lên một chút, đậu rồng trở chứng, trơ trơ vươn mình lên trời xanh, không ra hoa đậu trái gì sất!

Nói cho chính xác thì chẳng mấy ai giàu có nhờ đậu rồng. Người ta trồng chúng chủ yếu để “lấy ngắn nuôi dài”. Đậu rồng phát triển tốt nhất trên mảnh đất chưa từng trồng trọt gì. Thời tiết thuận lợi, năng suất 2 tấn trái/công là chuyện bình thường. Giàn đậu rồng có thể “tái sử dụng” cho năm sau, nhưng năng suất giảm lại.

Nếu “ráng” thêm mùa thứ 3, giàn đậu rồng xanh um mát mắt, nhưng nông dân… thất trắng, trừ phi dưỡng đất, ủ phân cho tốt. Giữa vụ thứ nhất và thứ hai, chủ đất bắt đầu trồng cây ăn trái dưới giàn. Nên họ không trồng đậu rồng vụ thứ 3 nữa, mà phá giàn để vườn cây lâu năm phát triển.

Quá trình “lấy ngắn” coi vậy chứ cũng rất ổn. Khi hút hàng, đậu rồng được thu mua tại rẫy với giá trên 30.000 đồng/kg (nhưng ra đến chợ thành thị, giá đội lên 60.000 - 70.000 đồng). Năm nào dội, chúng rớt giá thê thảm, còn vài ngàn đồng. Nếu trúng mùa, giá tốt, nông dân bỏ túi 5-6 triệu đồng/công. Nếu không, cũng xem như “lấy công làm lời”. “Trồng đậu rồng vào mùa mưa, tuy cực nhưng khỏi phải đi làm thuê cho người khác, lại có thời gian chăm sóc vườn tược”- ông Phước chia sẻ.

Đậu rồng có vị ngon ngọt đặc trưng, thích hợp chế biến thành đủ món, nên được bà nội trợ lẫn dân ăn nhậu ưa chuộng. Những lúc khan hiếm, đậu rồng được bán với giá 80.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, đậu rồng vốn “đỏng đảnh”, quá trình chăm sóc, bảo quản khá tỉ mỉ, làm cho giá trị của chúng cũng tăng cao.

Trái đậu rồng loại 1 phải suôn đẹp, thẳng, đều nhau, không được quá già (tốt nhất là 12 ngày kể từ khi đậu trái đến lúc bẻ). Mấy trái cong, ốm nhom, chuyển màu xanh đậm già chát là bị thương lái chê lên chê xuống, chủ rẫy cũng chẳng buồn bẻ. Đặc biệt, đậu rồng đại kỵ ánh nắng mặt trời. Muốn bẻ chúng, phải lội lên giàn từ sáng sớm, chờ ráo sương mới ra tay. Quá trình bẻ, phải nhẹ tay, ngắt trọn cuống trái, không làm dập gai.

Hôm nào trời râm mát thì bẻ đến 11-12 giờ, còn trời nắng gắt thì 10 giờ là ngưng. Chiều cũng vậy, phải đợi nắng dịu, từ 16 đến 18 giờ mới ra bẻ. Không tuân thủ giờ giấc này, trái đậu rồng bẻ xuống bị “nám”, màu xanh non chuyển sang màu xanh đen, thương lái không thèm nhìn tới thì chỉ có nước… cả nhà đem ra ăn.

Thế nhưng,với người có nhiều kinh nghiệm như chị Đoàn Thị Năm (35 tuổi, ngụ thị trấn Ba Chúc), vẫn có cách “trị” đám đậu rồng này. Mấy hôm dội hàng, giá giảm mạnh, chị giữ đậu rồng trong nhà, bảo quản chúng tươi mới, đợi lúc ổn ổn lại tung ra.

Cách bảo quản rất đơn giản: chọn chỗ khuất gió, lấy lá chuối tươi xếp thành lớp xen kẽ đậu rồng bên trong, rồi dùng mền vải trùm lại toàn bộ (nhưng vẫn thoáng khí). Mười ngày sau, đậu vẫn tươi xanh, còn hơn được để trong tủ lạnh! Nhờ đậu rồng, cả nhà chị có chút vốn nuôi các con ăn học, có chút tiền đổ vào trồng vườn xoài. Tuy không nhiều, nhưng còn hơn nóng ruột chờ vườn cây cho trái.

Khi tôi tìm đến giàn đậu rồng trên núi Dài, chúng đã khỏe mạnh vươn mình hứng mưa, bung đọt lấp đầy giàn. Ông Phước trầm ngâm: “Chắc vụ sau tôi chuyển giàn đậu rồng qua khoảnh đất khác, vì đất ở đây đã lão, đậu rồng khó đậu trái. Mấy chục công đất tôi tích cóp mua được đều đã thành vườn xoài, mãng cầu, bơ… Sẽ tới lúc không còn đất trống để căng giàn đậu rồng. Lúc đó, đành chia tay với chúng. Tiếc lắm, mà biết sao giờ?”.

Ừ, sẽ tiếc lắm, nếu một ngày nào đó, giàn đậu rồng của ông Phước trôi vào dĩ vãng khi đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình. Nhưng rồi sẽ có những giàn đậu rồng của người khác được chỏi lên, và nông dân lại gửi gắm hy vọng vào lớp lớp đọt cây vươn lên trời cao…


Vườn nhãn Ido trên vùng đất phèn Vườn nhãn Ido trên vùng đất phèn Thu nhập khá từ cây sơ ri Thu nhập khá từ cây sơ ri