Gà nội lép vế trước gà nhập khẩu
Với quyết chí phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình, năm 2010, ông Đặng Ngọc Hòa ở xóm 7, xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương đầu tư trang trại chăn nuôi 30 ngàn con gà công nghiệp tại vùng Cồn Nhà Dừa. Mô hình được đầu tư trên 1,5 tỷ đồng với đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất chuồng trại hiện đại. Những năm đầu, khi giá gà công nghiệp ổn định 42 - 45 ngàn đồng/kg, sản phẩm tiêu thụ mạnh trên thị trường Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Hà Nội, có năm, mô hình này thu hoạch đạt 400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay, trang trại gà đang làm cho ông lâm vào cảnh khó khăn vì giá gà xuống thấp.
Theo tính toán của ông Hòa, chi phí nuôi một con gà công nghiệp sau 2 tháng rưỡi gồm: con giống, cám thức ăn, thuốc thú y, nhân công, điện, nước… khoảng 50 - 51 ngàn đồng/con. Khi xuất bán, gà đạt trọng lượng 1,6 - 1,7 kg/con, với giá bán thị trường 32 - 34 ngàn đồng/kg như hiện nay thì mỗi con gà chỉ có thể thu về 51 ngàn đồng/con, hoàn toàn không có lãi. Với phép tính như vậy, trang trại của ông càng nuôi càng lỗ. Do không bù đủ chi phí đầu tư cho trang trại nên hiện nay ông Hòa đã quyết định giảm tổng đàn gà xuống còn 2 ngàn con/năm, thay vào đó ông đầu tư nuôi 600 con lợn thịt. Ông Hòa cho biết. “Giá cả thấp nên tôi quyết định giảm tổng đàn gà để giảm lỗ và bảo tồn đồng vốn. Sắp tới, tôi sẽ cải tạo chuồng để đầu tư nuôi bò”. Ông Nguyễn Xuân Giáp, Chủ tịch UBND xã Diễn Hoa (Diễn Châu) cũng cho hay hiện nay nông dân nuôi gà cỏ chủ yếu để ăn trong gia đình, còn để bán ra chợ thì rất khó khăn, thua lỗ.
Giang Sơn Đông là xã miền núi nằm phía Tây của huyện Đô Lương, điều kiện đất đai, lao động phù hợp cho phát triển chăn nuôi trang trại. Đến nay, toàn xã có trên 100 mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó 28 trang trại đạt quy chuẩn của bộ, 3/7 trang trại gà công nghiệp tại xóm Phương Đông quy mô 3 - 4 ngàn con trang trại. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND xã, hiện nay, các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn đều ngừng đầu tư, giảm đàn, chuyển hướng làm ăn mới. Trước áp lực về chăn nuôi gà hiện nay, xã chủ trương không khuyến khích nuôi gà, mà tập trung tăng mạnh đàn ngan, vịt. Về lâu dài, sẽ thành lập HTX chăn nuôi nhằm tạo mối liên kết về con giống, thức ăn và tìm hướng đi trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP”
Tình trạng nhập khẩu thực phẩm tự do từ các nước, trong đó có gia cầm từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… là một trong những nguyên nhân khiến cho chăn nuôi gà trong nước bị cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt về giá thực phẩm. Tại các siêu thị lớn trên địa bàn Thành phố Vinh như BigC hay Metro, các quầy hàng thực phẩm thịt gà đông lạnh bày bán khá nhiều, cả loại đã chế biến ăn ngay. Quan sát kỹ nhãn mác trên sản phẩm thì đa số mặt hàng gà thịt đông lạnh đều có nguồn gốc, xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Thái Lan. Tại siêu thị Metro, sản phẩm gà vàng nguyên con đông lạnh Pháp 105.900 đồng/kg, gà dai đông lạnh Hàn Quốc 55.900 đồng/kg, gà dai đông lạnh Mỹ 81.900 đồng/kg, đùi gà Mỹ đông lạnh giá bán 11.495 đồng/kg... Trong khi đó, một số sản phẩm gà chăn nuôi trong nước xuất hiện rất ít với giá cả đắt hơn gà nhập khẩu. Ví như gà ta nguyên con đông lạnh 132 ngàn đồng/kg. Anh Thắng, nhân viên quầy hàng thịt đông lạnh tại siêu thị BigC Vinh, cho biết: Sản phẩm gà cỏ thả vườn đắt nên khó tiêu thụ, siêu thị hạn chế nhập về. Mấy năm nay, phần lớn nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn sử dụng gà dai, gà đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài ngày càng nhiều”.
Tỉnh ta có tổng đàn gia cầm đạt trên 17 triệu con, tăng 5,9% so với năm 2014, trong đó, đàn gà đạt 14 triệu con, chiếm 79,60% tổng đàn gia cầm. Tuy nhiên, mô hình liên kết trong chăn nuôi còn ít, mới chỉ được triển khai tại các huyện đồng bằng như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc.. Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó phòng chăn nuôi Sở NN&PTNT, cho biết: Thực tế, các mô hình chăn nuôi gia cầm lớn do chúng ta bỏ vốn đầu tư đều gặp khó khăn về giá cả và nguy cơ khó trụ vững trong điều kiện cơ chế thị trường như hiện nay. Một bất cập lớn đó là sản phẩm gà nuôi theo kiểu mô hình công nghiệp nhiều nhưng thị hiếu người dân đang tìm đến sản phẩm gà cỏ.
Một hạn chế nữa trong chăn nuôi gia cầm ở tỉnh ta hiện nay là chưa có các trang trại sản xuất gà, vịt giống nên chưa chủ động được nguồn giống.
Từ 1/1/2015, hầu hết mặt hàng của các nước trong khu vực ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện xuất xứ theo quy định của ATIGA sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%. Một số mặt hàng khác Việt Nam đã đàm phán để giữ thuế suất 5%, tuy nhiên do giá cả tại nước họ thấp nên khi vào Việt Nam cộng cả thuế suất giá vẫn cạnh tranh với hàng Việt. Đây là một thách thức lớn đối với chăn nuôi trong nước, trong đó có cả gia cầm.
Theo ông Lưu Công Hòa, Trưởng phòng Chăn nuôi Sở NN&PTNT thì chính sách cho chăn nuôi cần mạnh hơn, cụ thể hơn, nhất là khuyến khích người chăn nuôi, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống gà. Xây dựng được nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia cầm để giảm giá thành cho sản phẩm. Về lâu dài, ngành chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi gia cầm cần một lộ trình phát triển bền vững và tạo được chuỗi liên kết an toàn trong chăn nuôi từ con giống, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ