Tin nông nghiệp Gạo Việt xuất khẩu sang Mỹ bị trả lại: Mất uy tín nhiều hơn mất tiền

Gạo Việt xuất khẩu sang Mỹ bị trả lại: Mất uy tín nhiều hơn mất tiền

Tác giả Huỳnh Xây, ngày đăng 13/10/2016

Gạo Việt xuất khẩu sang Mỹ bị trả lại: Mất uy tín nhiều hơn mất tiền

Mạnh ai nấy làm

GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chuyên gia về cây lúa cho biết: Thời gian qua, cơ quan chức năng đều “lờ đi”, không muốn cho nói đến tình trạng gạo xuất khẩu không được chấp nhận và yêu cầu phải tiêu hủy do tồn dư chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, không có công ty nào chịu cho tiêu hủy bên nước nhập khẩu vì phải chi thêm một khoản tiền tiêu hủy.

Trong ảnh: Người dân huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang phun thuốc trừ rầy. Ảnh: H.X

Tại sao người ta lại cấm một số chất tồn dư trong gạo mặc dù một lượng khá nhỏ, là vì họ không muốn gạo đó làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người dân của họ. Bây giờ Nhật Bản cấm đến 500 hoạt chất, gạo mình qua Nhật thì sẽ bị trả ngay nhưng mà không ai dám nói”.
GS Võ Tòng Xuân

“Vừa mất gạo, vừa mất tiền tiêu hủy nên công ty trong nước mới đi xin người ta trả về, rồi phân phối, bán cho dân trong nước ăn. Tình trạng này xảy ra lâu rồi nhưng gần đây vụ việc mới được nêu ra. Nếu để cho các công ty tiếp tục làm ăn thế này thì sẽ bị thế giới chê cười, kéo theo giá bán gạo sẽ luôn thấp, người mua cũng không còn thiện chí” - GS Xuân cảnh báo.

Theo GS Xuân, thực tế, thời gian qua, nông dân ĐBSCL cứ mạnh ai nấy trồng lúa, cơ quan chức năng chưa tổ chức, quản lý tốt. Mặc dù thông báo trồng giống này, cây nọ nhưng dân không nghe bởi cơ quan chức năng không phải là đơn vị thu mua. Còn một số công ty lớn tham gia xuất khẩu cũng không quan tâm lắm về quy trình sản xuất trên đồng ruộng cũng như chất lượng hạt lúa. Tình trạng này kéo dài nhiều năm liền, khi thu hoạch, thương lái đi mua lúa rồi trộn lại nên bị lẫn lộn giữa các giống với nhau. “Đây là lý do phần lớn lúa ĐBSCL chỉ bán được cho miền Trung, phía Trung Quốc và các quốc gia còn khó khăn về kinh tế. Với cách làm như thế thì mình không bao giờ có gạo sạch, tiếp tục thua gạo các nước khác”- ông Xuân nói.

Cũng như GS Xuân, PGS Nguyễn Ngọc Đệ - Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Việc nhiều container gạo thơm xuất khẩu bị Mỹ trả về cần phải được quan tâm nhiều hơn bởi “nó giống như là con gái bị nhà chồng trả về”. Ở đây uy tín thất thoát nhiều hơn là về tiền và làm cho thương hiệu gạo Việt Nam vốn đang tìm mọi cách để xây dựng phát triển lại bị ảnh hưởng. “Khi bị Mỹ trả về, các thị trường cao cấp, khó tính khác cũng sẽ e ngại khi tính đến chuyện nhập gạo Việt Nam” - PGS  Đệ nói.

Do doanh nghiệp không quản lý tốt?

Để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới cũng như xây dựng lại uy tín trên thị trường quốc tế, PGS Nguyễn Ngọc Đệ cho rằng: Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, truy cứu trách nhiệm và có cơ chế xử lý rõ ràng đối với các công ty tiếp tục để Mỹ và quốc gia khác trả gạo.


Các nhà khoa học cho rằng phải tăng cường quản lý khâu phun thuốc BVTV để đảm bảo có lúa gạo sạch như mong muốn. Ảnh: H.X

Theo PGS Đệ, ở mỗi nước có yêu cầu về độ an toàn sản phẩm gạo khác nhau. Vì vậy, cơ quan chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu phải làm sao nắm bắt được thông tin này một cách cụ thể và có bước chuẩn bị hàng hóa sao cho phù hợp để không để xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới. “Theo tôi, nếu doanh nghiệp có tâm, có chiến lược lâu dài thì việc kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ thì vẫn có thể làm được” - PGS  Đệ khẳng định.

TS Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL thì cho biết, cách mua bán của các doanh nghiệp trong nước chưa ổn bởi “chúng ta bán cái mình đang có chứ không phải cái người ta cần”. Vì vậy, tới đây phải quản lý chặt hơn trong mua bán thuốc bảo vệ thực vật, riêng các công ty xuất khẩu cũng phải tự xem xét lại, tránh tiếp tục bán những lô hàng mà người ta cấm do dư lượng thuốc.

“Các cơ quan chức năng cũng rà soát lại quy trình sản xuất của người dân, xem thực trạng sử dụng thuốc như thế nào và tìm cách hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến mức thấp nhất” - TS Thạch nêu quan điểm.

Khi phóng viên đặt vấn đề, các doanh nghiệp nằm trong danh sách bị Mỹ trả gạo về nói rất khó để hạt gạo được sạch, an toàn như phía Mỹ yêu cầu, GS  Võ Tòng Xuân cho rằng doanh nghiệp nói vậy là không đúng vì bản thân doanh nghiệp đó quản lý không tốt. Thực tế, ở trong nước vẫn có doanh nghiệp làm tốt, chưa hề bị phản ánh. Cụ thể nhất là ở Long An, cán bộ doanh nghiệp nọ giữ phân, giữ thuốc rất cẩn thận, đến lúc cần bón hoặc khi có bệnh xuất hiện, cán bộ kỹ thuật sẽ đến hướng dẫn người dân bón, xử lý theo quy trình, người dân không thể tự làm được.


Trở thành tỷ phú nhờ vốn ưu đãi Trở thành tỷ phú nhờ vốn ưu đãi Vắt sữa bò bằng máy - vừa sạch vừa tiết kiệm Vắt sữa bò bằng máy - vừa sạch…