Gặp Nông Dân Trồng Lúa Thảo Dược
Trồng lúa, xay gạo để nấu cơm, chế biến bột, làm bún, làm bánh… là chuyện bình thường, nhưng chế biến gạo thành trà uống quả là độc đáo. Ý tưởng này đang được nông dân Trần Thanh Phương thực hiện.
Anh Phương giới thiệu với chúng tôi hai lọ thủy tinh: Một đựng gạo lức vừa tách vỏ, một đựng gạo rang mà anh gọi là… trà. Không chờ khách hỏi thêm, anh giải thích, đây là loại trà được chế biến từ giống lúa gạo đỏ. Sau khi tách vỏ, hạt gạo lức còn nguyên màng bao, đem rang chín vàng, bỏ vào ấm, cho nước đun sôi 100 độ C trong vài phút là thành trà uống có vị thơm, đăng đắng nhưng hậu ngọt. Uống trà lúc đói không bị cồn cào dạ dày, mà còn có cảm giác đỡ đói và đỡ mệt.
Anh giải thích thêm, gạo lức của giống lúa đỏ có chứa các hàm lượng Omega-3-6-9, sắt, các vitamin A, E, K, B (B1-B12…), Gama Oryzanol… giúp giảm cholesterol. Khoảng hơn tháng nay, sau khi chế biến được loại trà từ gạo lức, khách đến nhà chơi, anh mang trà ra đãi, để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng, nhằm hoàn thiện ý tưởng chế biến trà từ gạo lức.
Giống lúa gạo đỏ để chế biến thành trà gạo lức, anh Phương đã tuyển chọn từ giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 và đem trồng vụ hè thu 2013 được 500m2. Sau khi thu hoạch được khoảng 300kg, anh lấy vài kg bóc vỏ rang làm trà. Anh nói: “Phải tuyển chọn lúa gạo đỏ để chế biến trà gạo lức bởi chúng chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn và có màu nước giống trà”.
Hiện tại, loại gạo lức thảo dược Vĩnh Hòa 1 được Công ty Khoa học - Công nghệ Vĩnh Hòa (Nghệ An) đóng gói bán tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giá 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ý tưởng của anh chế biến trà từ gạo lức lúa đỏ sẽ đóng gói vài trăm gram có thể bán được giá cao hơn so với giá gạo lức, giúp nâng cao giá trị kinh tế gạo đặc sản, nông dân vừa có vốn tái đầu tư và mở rộng sản xuất.
Anh Phương “bật mí” cách chế biến trà từ gạo lức lúa đỏ: Rang chín vàng, cho vào lọ thủy tinh hoặc hộp giấy có thể sử dụng lâu dài mà không sợ ẩm mốc. Khi rang, tuyệt đối không được ướp gia vị, không đem vo hoặc ngâm nước nhằm tránh rửa trôi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe và giữ được hương vị của gạo.
Ý tưởng đã có nhưng khi bắt tay vào thực hiện không dễ chút nào. Theo anh Phương, cái khó trước mắt là tiếp tục lai tạo để rút ngắn thời gian sinh trưởng của giống lúa gạo đỏ từ 115-120 ngày xuống còn dưới 100 ngày như các giống lúa đang trồng đại trà hiện nay, nhằm đảm bảo sản xuất đúng lịch thời vụ và thu hoạch cùng thời điểm, tránh bị chuột phá hại và dịch bệnh, rầy nâu, sâu hại tấn công.
Lai tạo thành giống lúa ngắn ngày nhưng phải đảm bảo giữ được chất lượng ban đầu, giữ được các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Cho nên, anh vừa tiếp tục sản xuất thử nghiệm, nghiên cứu quy trình sản xuất và nhân giống để tăng diện tích. Về khâu sản xuất trà gạo lức, cần nghiên cứu công nghệ chế biến phù hợp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói bao bì sao cho đẹp mắt,…
... “Anh Phương “bật mí” cách chế biến trà từ gạo lức lúa đỏ: Rang chín vàng, cho vào lọ thủy tinh hoặc hộp giấy có thể sử dụng lâu dài mà không sợ ẩm mốc. Khi rang, tuyệt đối không được ướp gia vị, không đem vo hoặc ngâm nước nhằm tránh rửa trôi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe và giữ được hương vị của gạo”...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ