Giá các mặt hàng rau xanh và trái cây vẫn ở mức cao
Trở lại tuần đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ dài ngày dịp Tết Nguyên đán, thị trường rau củ, quả khá ổn định, tuy có giảm hơn so với trước Tết nhưng với mức giá này vẫn cao hơn so với ngày thường.
Giá các mặt hàng rau, củ quả tuần qua khá ổn định. Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Chợ Hôm, Chợ Ngọc Hà, Chợ Cầu Giấy, nguồn cung khá dồi dào và phong phú. Các mặt hàng rau, củ bày bán hoàn toàn là rau quả tươi, mới nhập về, đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Giá bán một số mặt hàng như su hào 7.000 đ/củ; Cải bắp có giá 12.000 đồng/kg; Cải cúc 10.000 đồng/kg; Cà chua 15.000 đồng/kg; khoai tây 12.000; Rau muống 13.000 đồng/bó; các loại rau gia vị tổng hợp có giá từ 20 – 22.000 đồng/kg – với mức giá này vẫn đứng ở mức cao hơn so với ngày thường.
Một tiểu thương bán hàng rau củ ở chợ Hôm cho biết, sức mua rau, củ sau Tết chậm hơn trước Tết và nhu cầu người dân thấp hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết nắng ấm, nguồn cung rau củ quả dồi dào, không bị gián doạn nên giá bán không tăng đột biến. Trong khi đó, trời nắng nên nhiều gia đình không có nhu cầu ăn lẩu khiến lượng hàng bán ra chậm, nếu cứ tiếp diễn nắng ấm như thế này, trong ngày một số loại rau, củ quả sẽ phải bỏ đi.
Tại các siêu thị và trung tâm thương mại giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Do nguồn cung cung khá dồi dào, sức mua không lớn và hầu hết các hệ thống đều mở cửa sớm trong tết nên giá phần lớn các mặt hàng đã giảm so với những ngày cận Tết, một số mặt hàng như thủy sản, rau xanh, hoa tươi tương đương so với những ngày cận Tết. Cụ thể như: bắp cải trắng giá 8.900 đồng/kg; chanh tươi 46.000 đồng/kg; cà chua 12.000 đồng/kg …
Để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm, rau xanh an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, trái cây nhập khẩu tại Hà Nội tại các siêu thị như Vinmart, Intimex, Fivimart, Aeon, Big C, Lotte mart... dịp này đã góp phần cung ứng cho thị trường những mặt hàng chất lượng cao.
Được biết, sau Tết Big C và Central Group Việt Nam mở rộng tiêu thụ cà rốt Hải Dương ra toàn quốc.
Ngày 13/2/2019, Lãnh đạo Hệ thống siêu thị Big C đã về tỉnh Hải Dương để khảo sát mùa vụ, chất lượng cà rốt Hải Dương, nhằm đẩy mạnh hoạt động thu mua, tiêu thụ cà rốt, hỗ trợ bà con nông dân, tránh lâm vào tình cảnh cảnh “được mùa mất giá”.
Đại diện Big C đã có buổi làm việc Lãnh đạo Sở NNN&PTNT tỉnh Hải Dương, chủ tịch UBND xã Đức Chính, tỉnh Hải Dương; bàn bạc, thống nhất giá cả, tạo điều kiện thuận lợi để Big C thu mua cà rốt nhanh chóng... Lãnh đạo Big C đã quyết định sẽ thu mua khoảng 100 tấn cà rốt Hải Dương (đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, và tiêu chuẩn chất lượng của Big C- chất lượng loại 1), với giá 5.500 đồng/kg và bán với giá tốt nhất để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ đầu ra cho nông dân.
Thời gian tiêu thụ dự kiến là 1 tháng (tính từ 14/2/2019), đồng thời Big C mở rộng điểm bán cà rốt Hải Dương ra toàn bộ hệ thống 36 siêu thị tại 21 tỉnh thành trên toàn quốc (thay vì chỉ ở 15 siêu thị Big C miền Bắc như đợt tiêu thụ cà rốt dịp trước Tết nguyên đán Kỷ Hợi).
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện nay, diện tích cà rốt chưa thu hoạch của tỉnh Hải Dương còn khoảng 550ha/tổng diện tích 1.200ha; sản lượng chưa thu hoạch còn khoảng 19.000 – 20.000 tấn. Năm nay, diện tích trồng cà rốt của tỉnh Hải Dương chỉ tăng hơn vài chục ha so với mùa vụ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng còn khá nhiều là do tiêu thụ trong nước từ trước Tết có phần khiêm tốn. Trong khi, các thị trường xuất khẩu chính của cà rốt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông và Châu Âu cũng tiêu thụ khá chậm, do khí hậu thuận lợi, các nước được mùa cà rốt.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương vừa có Công văn số 196/SNN-TT gởi Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt; Các doanh nghiệp, công ty, siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, và các cơ quan đơn vị liên quan… về việc "Đẩy mạnh tiêu thụ cà rốt Hải Dương 2019”.
Theo đó, Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thương lái phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cà rốt Hải Dương;
Đề nghị các doanh nghiệp, công ty, siêu thị, thương lái, chợ đầu mối khẩn trương hợp đồng, đặt hàng với các hợp tác xã, các công ty, thương lái trong tỉnh để mua bán, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân từ nay đến hết vụ (tháng 3 – tháng 4/2019); Tăng cường tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cà rốt trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; Tăng thu mua cà rốt, tích trữ bảo quản trong các kho lạch bán dần. Tăng cường công xuất chế biến sản phẩm cà rốt khô cung cấp cho các nhà máy làm gia vị và tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm chế biến; Tăng cường liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn của công ty, không ép giá khi thu mua và thúc đẩy liên kết bền vững, lâu dài đôi bên cùng có lợi.
Đối với mặt hàng trái cây, giá có giảm nhẹ nhưng tiếp tục đứng ở mức cao do nhu cầu mua sắm để đi lễ chùa đầu năm. Cùng với đó, do Việt Nam và Trung Quốc cùng chung kỳ nghỉ Tết kéo dài nên lượng hoa quả nhập khẩu giảm, lượng hoa quả cung cấp từ các tỉnh phía Nam ra Hà Nội còn chậm nên nguồn cung mặt hàng này thiếu hụt.
Một tiểu thương tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên chuyên nhập hàng trái cây cho biết, ra tết hoa quả về ít nên hàng hóa không phong phú, chất lượng không cao, mẫu mã lại không bắt mắt nhưng giá bán chưa giảm nhiều so với trước Tết. Người dân đi lễ nhiều sau Tết nên nhu cầu mua hoa quả tăng cao. Tuy nhiên hàng hoa quả lấy ở chợ đầu mối dịp này khó khăn do khan hàng, hàng hoa quả nhập và hàng trong nước đều ít, mẫu mã không được đẹp nhưng giá bán vẫn ở mức cao. Theo thông lệ, phải sau ngày Rằm tháng Giêng nguồn cung hoa quả tăng lên giá cả mới ổn định, mẫu mã phong phú, đa dang và hoa quả có chất lượng cao hơn.
Thông tin trên thị trường thế giới
Nga nỗ lực giảm nhập khẩu rau
Theo nguồn tin EastFruit, Nga tiếp tục tăng cường tự sản xuất cũng như mở rộng hạ tầng cơ sở lưu trữ các loại rau chủ chốt, như cà-rốt, cải bắp, củ cải, tỏi…Điều này cho phép họ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, trong một số trường hợp còn có thể xuất khẩu.
Trong 11 tháng đầu 2018, nhập khẩu hành giảm 52% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 146.000 tấn. Nhập khẩu cà-rốt cũng giảm 17% xuống 97 nghìn tấn. Nhập khẩu tỏi giảm ít nhất, giảm 8% xuống 46 nghìn tấn.
Tuy nhiên, nhập khẩu khoai tây vẫn tăng nhẹ (tăng 2% lên 535 nghìn tấn). Đây vẫn là loại rau nhập khẩu nhiều thứ 2 về khối lượng. Nhập khẩu củ cải đường cũng tăng 10% lên 41 nghìn tấn trong 11 tháng đầu năm 2018.
Sản lượng chuối Colombia cao nhất 1 thập kỷ
Colombia, nước xuất khẩu chuối lớn thứ 4 thế giới, đã sản xuất 100,4 triệu thùng chuối trong năm 2018 (1 thùng = 20 kg), cao nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ qua. Con số đó cao hơn 2,52% so với năm 2017. Lý do bởi những diện tích trồng lại đến lúc cho thu hoạch, và diện tích chuối cũng tăng lên. Nhờ đó, nước này đã tiến thêm 1 bậc trong số những nhà xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới, từ thứ 5 lên thứ 4, chỉ sau Ecuador, Costa Rica và Guatemala. Trị giá xuất khẩu chuối năm 2018 cũng tăng 1% so với năm trước, đạt 859 triệu USD. 80% chuối của nước này xuất khẩu sang EU, còn 13% sang Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ