Mô hình kinh tế Giá cao su khó tăng

Giá cao su khó tăng

Ngày đăng 07/07/2015

Giá cao su khó tăng

* "Đỉnh điểm" cũng dưới 50 triệu đồng/tấn

Bước sang năm 2015, một số nước trồng và XK cao su trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm cắt giảm sản lượng cao su thiên nhiên. Giải pháp này liệu có giúp giá cao su cải thiện?

Một hội thảo về giá cao su và các giải pháp "dài hơi" do Hiệp hội Cao su VN (VRA) tổ chức tuần qua nêu rõ, do cán cân cung cầu cao su thiên nhiên trên thế giới mất cân đối, trong khi giá dầu thô lại giảm mạnh khiến giá cao su tổng hợp, tức nguyên liệu có tính cạnh tranh có thể thay thế cao su thiên nhiên trở nên rẻ hơn, đây là yếu tố làm giá giảm mạnh thời gian qua.

Ngoài ra, nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới hiện ở mức tương đối thấp.

Theo VRA, tâm lý hiện nay của các nhà máy bên Trung Quốc là mua cầm chừng, không mua nhiều như trước đây nên thị trường này chững lại. Ngoài ra, cũng do các DN Trung Quốc lo sợ Luật thuế Cao su hỗn hợp được áp dụng từ ngày 1/7 sẽ tạo nên áp lực làm giá cao su giảm.

Mặt khác, ảnh hưởng của tỷ giá đồng USD/JPY đến giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tocom (Nhật), chỉ số đô la Mỹ tại thị trường Sicom, tác động của giới đầu cơ..., cũng là những nguyên nhân cộng hưởng đến giá cao su thiên nhiên.

Thế nên, trong những năm tới, giá cao su nếu có tăng cũng chỉ ở mức dưới 2.500 USD/tấn (50 triệu đồng/tấn).

Trong thông báo gửi Tổ chức Cao su Quốc tế, VRA đã đề cập đến việc các thành viên và nông dân VN đang phải vật lộn hàng ngày với mức giá thấp.

Cùng đó là các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ là những quốc gia XK cao su khá lớn trên thế giới cũng đang có những động thái tích cực trong việc hạn chế nguồn cung để giúp cao su tăng giá.

Chẳng hạn ở Thái Lan, đã phê chuẩn yêu cầu của Tổ chức Đồn điền cao su về khoản vay 6 tỷ Baht (184 triệu USD) để thu mua cao su nhằm đẩy giá lên.

Không chỉ vậy, họ còn thành lập các trung tâm thương mại cao su và các trạm giao dịch tạo nơi gặp gỡ giữa người mua và người bán; hoặc "thẳng tay" đốn bỏ 160 ngàn ha cao su nhằm giảm sản lượng, khuyến khích trồng xen cây ăn trái như vải, nhãn, xoài..

Còn với Ấn Độ, quốc gia đứng thứ ba sau Trung Quốc, Malaysia nhập cao su lớn nhất của VN cũng đang giảm nhịp độ cạo, tăng thuế NK cao su thiên nhiên lên 25% nhằm bảo hộ ngành cao su trong nước, đồng thời kết hợp trồng điều trong vườn cao su.

Riêng Chính phủ Malaysia trợ cấp 130 triệu ringgit (34,7 triệu USD) hỗ trợ 260 ngàn hộ trồng cao su tiểu điền (2,5 ha/hộ). Indonesia tăng cường tiêu thụ nội địa bằng cách đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng...

Ở Việt Nam, một trong những giải pháp hiện nay của ngành cao su là nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng cách áp dụng mô hình trồng xen cà phê (Tây Nguyên), cây mì (Đông Nam bộ), cây dược liệu (khu vực miền Trung); áp dụng mô hình trồng cao su theo hàng kép nhằm tạo diện tích và thời gian trồng xen canh.

Ngoài ra, chuyển chế độ cạo D2, D3 sang D4 (3 ngày cạo, 1 ngày nghỉ) nhằm nâng cao năng suất lao động.

Cụ thể, Cty CP Cao su Đồng Phú, năm nay đã đưa một phần khai thác khoảng 2,7 ngàn ha áp dụng hoàn toàn chế độ cạo D4, chiếm 37% so với tổng diện tích cao su khai thác (trong đó vườn cây thuộc nhóm I chiếm 2.110,44 ha, nhóm II là 636,30 ha).

 Dự kiến sản lượng giảm 660 tấn và tiết kiệm chi phí khoảng 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó là giảm suất đầu tư, giảm giá thành, đẩy mạnh cơ giới hóa..

Ông Lê Xuân Hòe, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG) nói: “Năm 2014, giá cao su bán bình quân đạt 37 triệu đồng/tấn, nhưng năm 2015 khi thấy giá cao su tổng hợp ở mức thấp sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cao su thiên nhiên nên VRG đã xây dựng kịch bản giá bán khoảng 31-32 triệu đồng/tấn. Như vậy, để có lãi thì các TCty, Cty cao su phải SX với giá thành là 30 triệu đồng/tấn”.

Bà Nguyễn Thị Gái, TGĐ TCty cao su Đồng Nai cho biết, dự kiến sản lượng mủ khai thác năm nay của TCty đạt khoảng 28,5 nghìn tấn (năm 2014 trên 30 ngàn tấn), số mủ mua từ cao su tiểu điền thêm khoảng 3-4 ngàn tấn và sản lượng chế biến khoảng 32,5 nghìn tấn.

"Các phương án để giảm giá thành sản phẩm xuống mức 30 triệu đồng/tấn theo kịch bản của Tập đoàn đã được TCty xây dựng phương án thực hiện như tăng cường việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; tiết giảm các khoản chi phí ở các công đoạn khai thác; sử dụng hợp lý chi phí vật tư, phân bón, máy móc, linh động sản xuất sản phẩm theo các chủng loại mà thị trường có nhu cầu cao.

Nhưng dù cố gắng đến mấy thì mức giá cao su xuống thấp cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động SXKD của DN"- bà Gái nói.


Các làng nghề nuôi rắn loay hoay tháo gỡ đầu ra Các làng nghề nuôi rắn loay hoay tháo… Làm gì với hàng chục ngàn tấn gạo mốc tại biên giới? Làm gì với hàng chục ngàn tấn gạo…