Gia Nhập TPP Ngành Chăn Nuôi Sẽ Gặp Khó
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khuyến cáo các nhà đầu tư không nên tiếp tục đầu tư mô hình kinh tế trang trại trong giai đoạn hiện nay.
Việc gia nhập TPP của Việt Nam sẽ khiến ngành chăn nuôi có “cửa” cạnh tranh với các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của các nước hay không? Câu hỏi này được đặt lên bàn tròn của các chuyên gia đầu ngành tại Hội thảo Triển lãm chăn nuôi ILDEX Việt Nam 2014 tổ chức tại TP.HCM…
Không quá khó để nhận thấy, so với các sản phẩm nông sản khác, ngành chăn nuôi VN được đánh giá “èo uột” nhất khi sức cạnh tranh yếu đến mức “thua ngay trên sân nhà”. Đáng lo hơn, ông Hồ Mộng Hải – chuyên gia Cục Chăn nuôi còn cảnh báo: Sau khi tham gia TPP, mức thuế nhập khẩu bò, thịt gà, heo vào nước ta sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%, tức giá thành sản phẩm nhập khẩu sẽ còn giảm xuống. Đây chính là một thách thức rất lớn cho các lĩnh vực chăn nuôi của ta khi năng suất thấp, hiệu quả thấp và giá thành quá cao như hiện nay.
Nhiều năm qua, việc các trang trại và nông hộ chăn nuôi tại nước ta thua lỗ như “cơm bữa” đã trở nên bình thường và theo tính chu kỳ “đến hẹn lại lên”.
Nói về thực tế này, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nêu ví dụ: Sau 4 năm triển khai mô hình trang trại chúng ta được gì? Từ năm 2011, nhờ phong trào phát động, kinh tế trang trại thu hút các nhà đầu tư khiến mô hình này cực kỳ phát triển và đến năm 2012 bước vào tình trạng “dư thừa mạnh mẽ”.
Đến nay, kinh tế trang trại đã bị lỗ… 57.000 tỷ đồng! Ông Vang cũng khuyến cáo các nhà đầu tư không nên tiếp tục đầu tư mô hình kinh tế trang trại trong giai đoạn hiện nay.
Tại hội thảo, nhiều người đặt vấn đề Việt Nam cần tập trung vào sản phẩm chăn nuôi có lợi thế để hạn chế tác động từ TPP, đặc biệt là phát triển bò thịt và bò sữa. Cụ thể, năm 2012 Việt Nam sản xuất được 293.000 tấn thịt bò. Sự thiếu hụt nguồn cung khiến ngành nông nghiệp phải nhập 180.000 con bò.
Đến 2013 Việt Nam sản xuất được 285.000 tấn thịt bò, vẫn thiếu nên phải nhập của Úc 66.000 con với trị giá xấp xỉ 48 triệu USD. Ước tính một ký thịt bò về đến Việt Nam giá khoảng 2,4 USD, trong khi giá thịt bò trên thị trường khoảng 65-75.000 đồng/ký thịt hơi. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng thị trường chăn nuôi bò có vẻ hứa hẹn nhiều hấp dẫn!
Tuy nhiên, theo ông Tống Xuân Chinh - Cục phó Cục Chăn nuôi, nguyên tắc thương mại là phải chọn mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Trong chăn nuôi bò thịt cũng như bò sữa, những nước cạnh tranh trực tiếp với chúng ta là Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand… chưa kể Thái Lan, nước lân cận, có các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp.
Trong điều kiện thương mại này chúng ta phải hết sức bình tĩnh, giúp bà con nông dân gia tăng sản xuất, giảm giá thành sản xuất thịt bò nhưng phải khẳng định đây là lĩnh vực ít lợi thế. Trở thành thành viên TPP chúng ta sẽ có lợi thế trong việc xuất khẩu hàng nông sản có kế hoạch như gạo, điều, cà phê, cao su và thủy sản.
Ông Chinh cũng cho biết, điều đáng mừng tạo điều kiện tốt hơn cho ngành chăn nuôi trước ngưỡng cửa TPP là Chính phủ vừa có Nghị định 210/2013/NĐ-CP (ban hành ngày 29/6/2013). Nghị định này được cho là một bước ngoặt quan trọng thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Theo đó, các nhà đầu tư chăn nuôi sẽ được hỗ trợ bố trí mặt bằng đất, mặt bằng nước ở các khu vực doanh nghiệp đầu tư; hỗ trợ nguồn nhân lực phát triển công nghệ, khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực chăn nuôi; cùng với các quy định rõ các quyền lợi các doanh nghiệp được hưởng cũng như cụ thể hóa cách thức tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
ĐẦU TƯ CHO CHĂN NUÔI QUÁ ÍT!
Từ năm 2010, Nghị định 61/2010/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tuy nhiên nguồn đầu tư FDI vào nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2012 chỉ đạt 99,4 triệu USD (chiếm 0,61%) trong khi nguồn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo là 11.702 triệu USD (chiếm 71,58%).
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do đầu tư vào chăn nuôi gặp rất nhiều rủi ro như: sức cạnh tranh thấp, dịch bệnh liên tục, đầu ra thiếu ôn định; VSATTP chưa cao; bảo vệ môi trường chưa tốt… Vì thế, việc tiếp cận và thực hiện tốt Nghị định 210/2013/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi hội nhập tốt hơn khi gia nhập TPP.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ