Giấc mơ Fukuoka Việt
Hiện nay, đâu chỉ nhiều gia đình có thu nhập trung bình thấp không chịu nổi mức sinh hoạt đắt đỏ ở Sài Gòn phải quay về quê sinh sống, nhiều người có nhà cửa, công ăn việc làm ở đây vẫn tính đến chuyện về quê. Nhiều lần đến quán uống cà phê, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của các bạn trẻ nhân viên văn phòng và cả những doanh nhân... thao thao nói về ý tưởng tương lai của mình về một trang trại, một căn nhà vườn. Đó là trang trại dê cừu và “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” phiên bản Việt. Một đồn điền cà phê và ngôi nhà rông tựa lưng vào ngọn đồi. Một ngôi nhà kiến trúc Pháp nhiều hoa dại lãng mạn trong cái se lạnh, lộng gió cao nguyên. Hay đơn giản là ngôi nhà nhỏ ngoại thành với vườn rau sạch tự trồng, có thể ăn mạnh dạn mà... không phải sợ thuốc sâu.
Sài Gòn là nơi dễ kiếm việc, dễ làm ra tiền, nhưng ngay cả khi thành công bước đầu bằng việc kiếm được một mảnh đất cắm dùi, một căn hộ an cư, thị dân trẻ cũng bắt đầu suy nghĩ về chất lượng sống của mình. Đó là khi sáng sáng họ phải nhích từng chút một trong màn khói bụi dày đặc để đến công sở. Đó là những con đường ngập nước lênh láng mỗi chiều khi tan sở. Họ muốn tránh xa ô nhiễm âm thanh...
Các phương tiện giao thông ngày càng thuận tiện, đường xá mở rộng, công nghệ thông tin phát triển, dịch vụ chăm sóc y tế nông thôn đang cải thiện dần,... làm cho khoảng cách nông thôn và thành thị xích lại, là cơ sở cho những toan tính trở về.
Rồi cũng chính những người đã từng cao hứng vẽ ra những viễn cảnh cho một cuộc trở về lại rơi vào cuộc đấu tranh tư tưởng với những toan tính thiệt hơn, được gì và mất gì. Những cái được khi trở về nông thôn sống thì đã quá rõ. Nhưng cái “mất” lớn nhất mà những thị dân thường tiếc rẻ là cơ hội tiếp cận những trung tâm giáo dục tốt để rèn luyện ngoại ngữ, tiếp xúc với môi trường toàn cầu hóa,... của con cháu họ. Vì trong hoàn cảnh hiện nay, gia đình trẻ nào chẳng muốn con mình được trang bị đầy đủ kỹ năng? Ngay những gia đình khá giả ở quê vẫn cố gắng để có thể gửi con mình vào thành phố học kia mà? Vậy là kế hoạch trở về có thể gọi là một bước lùi hay một sự thất bại?
Và nhiều gia đình trẻ, sau khi đã tô vẽ nhiều viễn cảnh đẹp ở một vùng quê đáng sống nào đó, vẫn quyết định chọn ở lại thành phố. Hoặc họ “lùi thời hạn” trở về, chấp nhận “hy sinh” để ưu tiên cho việc đầu tư giáo dục con cái đến khi trưởng thành. Ước mơ xây dựng những ngôi nhà trên thảo nguyên trong lành, chăn nuôi trồng trọt, thực phẩm tự nhiên,... trở thành kế hoạch dưỡng già, dưỡng bệnh, khi lồng phổi đã tràn đầy bụi khí độc hại thành thị. Họ giải thích cho sự ở lại của mình là “sức hút của thành phố không nỡ rời xa”.
Masanobu Fukuoka, người Nhật, được xem là ông tổ của nông nghiệp thuận tự nhiên thời thanh niên cũng là một nghiên cứu sinh đam mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về bệnh học cây trồng. Chính cuộc sống tận hưởng vô chừng và làm việc quá độ đã khiến ông bị ngất trong phòng thí nghiệm do bị tràn khí màng phổi. Rồi một ngày, ông viết đơn xin nghỉ việc trong sự bất ngờ của tất cả đồng nghiệp. Mọi người bất ngờ khi chàng thanh niên Fukuoka không hề có biểu hiện chán công việc hay xích mích đồng nghiệp. Họ còn tỏ ra ái ngại, cho rằng việc nghỉ việc ở thành phố trở về làng thực hiện những lý tưởng sống là kỳ quặc, lập dị. Thế nhưng, cuối cùng, Fukuoka đã thành công trong việc thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên và được xem như là một nhà hiền triết của đời sống hạnh phúc.
Trong hoàn cảnh những thành phố lớn quá tải, xô bồ, chất lượng sống rất kém hiện tại, ước mơ trở thành Fukuoka phiên bản Việt đang thịnh hành. Nhưng chuyến “ngược dòng” không hề đơn giản. Không phải ai cũng là một anh chàng độc thân và dám làm một cuộc “lội ngược dòng”, đủ sức mạnh tách khỏi “thỏi nam châm” thị thành.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ