Mô hình kinh tế Giải pháp nâng cao chất lượng giống thủy sản

Giải pháp nâng cao chất lượng giống thủy sản

Ngày đăng 14/08/2015

Giải pháp nâng cao chất lượng giống thủy sản

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đàn cá và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, ngành thủy sản tỉnh ta có những chuyển biến tích cực cả về sản lượng và giá trị sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất cá giống còn nhiều bất cập. Năng suất nuôi cá mới đạt bình quân là 2,2 tấn/ha/năm, còn rất thấp so với tiềm năng, chủ yếu do người chăn nuôi sử dụng giống cá truyền thống (Trắm, Trôi, Mè, Chép…) năng xuất đạt thấp; hình thức nuôi quảng canh là chủ yếu, nuôi bán thâm canh và thâm canh còn rất hạn chế. Đàn cá bố mẹ giống mới đưa vào nuôi số lượng không nhiều; công tác tuyển chọn, thay thế đàn cá bố mẹ truyền thống chưa làm thường xuyên để sản xuất ra con giống bảo đảm chất lượng; việc lai tạo các bố mẹ tạo ưu thế lai của giống chưa được áp dụng phổ biến dẫn tới con giống nuôi cá thịt sinh trưởng chậm, hệ số thức ăn cao, dẫn đến giá thành sản xuất cao, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công tác quản lý các giống gặp nhiều khó khăn do thiếu biên chế, tình trạng giống vận chuyển không rõ nguồn gốc, thiếu kiểm dịch còn phổ biến.

Qua khảo sát các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh, đàn cá bố mẹ phần lớn bị cận huyết, thoái hóa dẫn đến con giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi cá thịt. Việc thay thế, bổ sung đàn cá bố mẹ truyền thống kém chất lượng để phục vụ yêu cầu sản xuất giống, cung ứng đủ cá giống cả về chủng loại, số lượng, chất lượng tại các cơ sở giống trong tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh và cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 588/QĐ-UB của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó định hướng phát triển thủy sản trong thời gian tới cần tăng cường đầu tư thâm canh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước, ruộng trũng hiện có; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và giống mới trong nuôi trồng thủy sản, chuyển từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh đảm bảo tốc độ GDP toàn ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2010 - 2020 đạt 3,4%...

Năm 2014, Chi cục Thủy sản tỉnh đã xây dựng dự án “Hỗ trợ, thay thế, bổ sung giống cá bố mẹ truyền thống, các giống cá lai mới có giá trị kinh tế cao cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2015”.

Dự án hỗ trợ, thay thế, bổ sung giống cá bố mẹ truyền thống được triển khai tại các huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, trong đó có 2 cơ sở sản xuất giống do Nhà nước quản lý là: Chi cục Thủy sản, Trung tâm Giống thủy sản Vĩnh Phúc và 4 cơ sở sản xuất giống tư nhân đủ điều kiện đăng ký tham gia và cam kết thực hiện đúng nội dung dự án với tổng diện tích 15 ha. Số lượng đàn cá bố mẹ được thay thế, bổ sung các loài (Mè trắng, Mè hoa, Trắm cỏ, Trắm đen, Chép lai, Rô hu, Mrygan) với số lượng 4.332 con. Theo đó, các cơ sở sản xuất cá giống được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất cá giống, tham quan học tập kinh nghiệm. Mức hỗ trợ là 50% tổng đàn và hỗ trợ 100% giống cá bố mẹ đối với 2 cơ sở sản xuất giống do Nhà nước quản lý, hỗ trợ 70% giống cá bố mẹ đối với các cơ sở sản xuất giống do tư nhân quản lý và đóng góp 30% để thay thế, bổ sung đàn cá bố mẹ. Số lượng cá bố mẹ còn lại chiếm 50% tổng đàn các cơ sở tự bố trí đầu tư, thay thế.

Là 1 trong 4 cơ sở sản xuất giống tư nhân tham gia dự án, ông Bùi Văn Hòa (Yên Lập, Vĩnh Tường) cho biết: Với 2 ha nuôi cá, cuối tháng 7/2014, gia đình ông nhận 112 cá Trắm, 38 cá Chép và 50 cá Mè từ Chi cục Thủy sản để thay thế đàn cá bố mẹ truyền thống trước đây đã nuôi. Tính trung bình, 1 ha mỗi năm có thể cho thu lãi 300 triệu đồng từ việc bán cá bột, cá hương và cá giống. Việc sản xuất con giống có chất lượng cao góp phần tăng thu nhập hơn nữa cho các hộ nuôi cá như gia đình ông.

Ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc chia sẻ: Với quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ và các hộ tham gia dự án, hy vọng rằng, khi kết thúc, dự án sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh, phát huy tiềm năng sẵn có, tập trung khai thác triệt để mặt nước, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp về giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi trồng, phòng trị dịch bệnh, áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất. Mục tiêu trong năm 2015 cơ bản đáp ứng nhu cầu cá giống chất lượng cao, phục vụ sản xuất trong tỉnh và cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác lên 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, từng bước đưa sản xuất cá giống trở thành nghề có thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống cho người làm nghề nông; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giống, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần tạo cảnh quan môi trường, giảm đáng kể ảnh hưởng xấu của thuốc BVTV, các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.


Cá tra sang thị trường Trung Quốc tiềm năng và rủi ro Cá tra sang thị trường Trung Quốc tiềm… Ương cá giống cho lợi nhuận khá Ương cá giống cho lợi nhuận khá