Giải Pháp Nào Cho Vùng Tôm Hải Lạng?
Tính đến thời điểm này, vùng tôm Hải Lạng (Tiên Yên - Quảng Ninh) đã có gần 300ha nuôi tôm sú của trên 100 hộ nuôi bị mắc bệnh và thiệt hại nặng. Như vậy đây là năm thứ 2 liên tiếp vùng nuôi tôm Hải Lạng “dính” dịch bệnh.
Căn nguyên tôm chết
Dịch bệnh dẫn đến tôm chết ở Hải Lạng vừa qua đã được cơ quan chức năng xác định cùng loại dịch bệnh của mùa tôm năm 2013, đó là bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan, tụy cấp tính. Đồng thời nguyên nhân xuất hiện hai dịch bệnh này chính là do thiếu hệ thống hạ tầng quản lý môi trường nuôi.
Thực tế toàn bộ vùng nuôi tôm Hải Lạng với diện tích trên 600ha hiện nay hoàn toàn “trắng” hệ thống hạ tầng để quản lý môi trường nuôi, kể cả hạ tầng dùng chung lẫn hạ tầng ở từng ô nuôi.
Đó là hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước xử lý môi trường, điện sản xuất, quy hoạch vùng… Đối với từng ô nuôi cũng không có hệ thống lát bờ và đáy, sục khí, hệ thống hút chất thải đáy; hệ thống xử lý môi trường nội bộ…
Trong khi đó địa thế khu vực này vốn trũng, xung quanh là đồi núi, thường xuyên dồn nước xuống nên dễ dẫn đến biến động môi trường nước. Chính bởi vậy nên vùng nuôi này có nguy cơ mắc dịch bệnh rất cao và khi đã bùng phát dịch thì khó có thể triển khai các biện pháp dập, cắt dịch được.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: Khi con tôm mắc bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là bóc tách, cách ly và tiêu huỷ toàn bộ số tôm trong khu vực bị bệnh, nhằm triệt tiêu mầm bệnh và chống lây lan. Thế nhưng với vùng nuôi tôm Hải Lạng có địa thế rộng, môi trường nước đều dùng chung, không có những ô, ao nuôi tách biệt thì việc phòng chống bệnh dịch là điều rất khó nếu không muốn nói là không thể.
Ngoài trắng về hạ tầng dẫn đến môi trường nuôi không đảm bảo thì còn có một nguyên nhân căn bản khác dẫn đến tình trạng bệnh dịch ở vùng tôm Hải Lạng, đó chính là việc người dân nuôi với mật độ quá dày và chất lượng con giống không đảm bảo.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ nuôi vừa qua, các hộ dân đã thả giống với mật độ 40-50 con/m2, cao gấp 2-3 lần quy định nuôi quảng canh; gần bằng mức nuôi bán thâm canh. Trong khi đó điều kiện cần và đủ để nuôi bán thâm canh là bắt buộc phải có hệ thống sục khí, xifong hút đáy để quản lý chất thải tôm và có hệ thống cấp thoát nước.
Như vậy có thể nói tình trạng tôm chết liên tiếp hai mùa nuôi gần đây ở vùng nuôi tôm Hải Lạng là hậu quả của sự cộng hưởng nhiều yếu tố không đảm bảo các điều kiện nuôi. Đó là thiếu hạ tầng; mật độ nuôi thả quá dày và một phần do chất lượng con giống không đảm đảo.
Cần thiết tính đến việc thay đối tượng nuôi
Có thể thấy yếu tố tiên quyết và có tính quyết định trong việc khống chế, phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên con tôm sú ở vùng nuôi tôm Hải Lạng chính là sự tập trung đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, theo tính toán tổng giá trị đầu tư các hạng mục hạ tầng dùng chung ước khoảng trên 150 tỷ đồng; giá trị đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong mỗi ao nuôi do người dân thực hiện cũng khoảng 500-700 triệu đồng/ha.
Trong khi đó hiện vùng nuôi tôm này mới đang nằm trong diện đề xuất đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển thuỷ sản của tỉnh giai đoạn 2015-2020; công tác quy hoạch vùng này thành vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung vẫn đang triển khai. Như vậy thời gian tới đây, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho vùng tôm Hải Lạng chắc chắn chưa thể một sớm một chiều làm được.
Và khi chưa có hạ tầng dùng chung thì người dân dù có muốn cũng không thể triển khai hạ tầng nội bộ. Bởi vậy trong khi vấn đề môi trường nuôi của vùng tôm Hải Lạng vẫn chưa được giải quyết thì đương nhiên mầm bệnh vẫn luôn thường trực, không đảm bảo an toàn cho con tôm.
Theo những người nuôi tôm lâu năm, trong trường hợp người nuôi vẫn theo đuổi con tôm thì nhất quyết phải tuân thủ quy định về mật độ nuôi thả phù hợp và chất lượng con giống tốt.
Cụ thể chỉ nên nuôi theo phương pháp quảng canh với mật độ 15-20 con/m2; còn con giống phải nhất quyết mua tại các cơ sở có uy tín, tốt nhất là những cơ sở nằm trong danh mục giới thiệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên biện pháp này cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn theo các chuyên gia trong ngành thì giải pháp tốt nhất là thay đổi đối tượng nuôi.
Cụ thể trong một vài vụ tới nên bỏ con tôm để nuôi các loại khác nhằm mục đích triệt tiêu mầm bệnh cũ. Nói về nội dung này, ông Vũ Công Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: Hiện nay đang có đối tượng nuôi rất phù hợp với các vùng môi trường nuôi đã và đang bị ô nhiễm, đó chính là con cá đối mục.
Do thức ăn của loại cá này là bùn bã hữu cơ, chất xả thải của các đối tượng nuôi trước, ngoài ra còn có sức sống, sức đề kháng tốt, dễ nuôi, lớn nhanh và giá trị kinh tế khá cao. Hiện cũng đã có một số mô hình nuôi thành công như ở Quảng Yên, Uông Bí. Ngay vùng Tiên Lãng của huyện Tiên Yên, sau vụ tôm chết năm ngoái cũng đã có nhiều hộ chuyển sang nuôi cá đối mục và đạt kết quả tốt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ