Mô hình kinh tế Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu diện tích vượt ngưỡng

Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu diện tích vượt ngưỡng

Ngày đăng 24/10/2015

Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu diện tích vượt ngưỡng

Sau khi được xuất ngũ, anh thương binh hạng 3/4 (mất sức 51%) Nguyễn Văn Khoa (còn gọi là Hai Khả) rời quê hương Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), lên lập nghiệp ở thôn Hòa An, xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê (nay thuộc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai).

Năm 1987, anh Hai Khả cùng một vài người cắm những dây tiêu đầu tiên trên vùng đất này.

Hồi đó, giống tiêu phải mua tận Đak Lak, thậm chí vào tận các tỉnh miền Đông Nam bộ, kỹ thuật trồng tiêu thì...tự lần mò.

Ngày đi làm thuê kiếm sống, tối đến, hai vợ chồng tự quay nước từ giếng đào sâu 30 - 40 mét, tưới cho từng gốc tiêu.

Ông nói: “Bây giờ làm ăn có điện, có phương tiện cơ giới nên lớp trẻ có thể trồng vài ngàn trụ tiêu mỗi năm, chứ ngày trước, hai vợ chồng chỉ dám trồng mỗi năm 100 - 200 trụ tiêu”.

“Tích tiểu thành đại” để đến bây giờ, anh Hai Khả là người nổi tiếng về trồng tiêu, được xem là “ông Vua” hồ tiêu trên “Vương quốc hồ tiêu” này.

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của cả nước đã vượt ngưỡng 85.000 ha-vượt quy hoạch hơn 30.000 ha và vẫn đang còn có xu hướng tăng nhanh.

Riêng tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, diện tích hồ tiêu chiếm trên 51% diện tích hồ tiêu toàn quốc, sản lượng chiếm trên 91% tổng sản lượng hồ tiêu toàn quốc.

Gia Lai là tỉnh có diện tích, năng suất và sản lượng hồ tiêu lớn so với cả nước.

Ngày 7-10-2010, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 681/QĐ-UBND, về việc quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.

Theo đó, diện tích hồ tiêu được quy hoạch của tỉnh đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định ở quy mô 6.000 ha.

Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai đã lên đến khoảng 12.000 ha (khoảng 8.000 ha kinh doanh, hơn 4.000 ha đang kiến thiết cơ bản).

Như vậy, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai - tính đến thời điểm này đã vượt khoảng 6.000 ha, gấp đôi so với quy hoạch.

Đak Nông là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Đak Song (tỉnh Đak Nông)-ông Đinh Xuân Thu, cho biết:

Chỉ tính riêng trong năm 2014, diện tích hồ tiêu trồng mới toàn huyện Đak Song là 1.200 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu toàn huyện lên gần 15.000 ha, vượt so với quy hoạch trên 20% (vượt cả diện tích hồ tiêu của toàn tỉnh Gia Lai).

Cùng với việc mở rộng diện tích sản xuất, người trồng tiêu ở Tây Nguyên cũng đã chú trọng đầu tư thâm canh, nhằm khai thác tối đa về năng suất.

Theo đánh giá, Gia Lai là tỉnh có năng suất hồ tiêu cao nhất cả nước với bình quân 43 - 45 tạ/ha.

Cá biệt có nhiều nơi (như vựa hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh), có những vườn hồ tiêu cho năng suất trên 70 tạ/ha...

Đánh giá về nguyên nhân diện tích hồ tiêu tăng nhanh trong những năm qua, nhiều chuyên gia cho biết:

Đó là do những năm gần đây, một số quốc gia xuất khẩu hồ tiêu bị mất mùa; thêm vào đó là tình trạng đầu cơ tích trữ của nhiều doanh nghiệp thu mua-xuất khẩu hồ tiêu, đã đẩy giá hồ tiêu trong nước tăng nhanh và duy trì ở mức cao trong suốt một thời gian dài.

Hồ tiêu đang ở giá 95.000 đồng/kg, lên 170.000 đồng - 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg hoặc cao hơn nữa...

Liên tục trong nhiều năm qua, nước ta luôn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, với giá trị đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Chỉ riêng trong năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 160.000 tấn, chiếm khoảng 58% thị phần hồ tiêu thế giới, giá trị thu về trên 1,2 tỷ USD...

Chỉ tính riêng ở 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), nhờ cây hồ tiêu mà đã có không ít những tỷ phú như anh Hai Khả ở Nhơn Hòa...

Giá cao, lợi nhuận mang về từ hồ tiêu quá lớn nên việc tự phát mở rộng diện tích hồ tiêu ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, dường như đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành, của địa phương.

Sự phát triển ồ ạt mang tính tự phát diện tích hồ tiêu nói trên, đã mang lại nhiều hệ lụy tất yếu.

Trước tiên nó đã phá vỡ quy hoạch về cơ cấu cây trồng của vùng.

Ngoài ra, quy trình chọn giống, chọn đất, trồng và chăm sóc không hợp lý đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong quá trình sản xuất.

Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, cho biết: Các giống tiêu được trồng mới trong thời gian gần đây, gần như không có nguồn gốc rõ ràng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chưa có đơn vị nào sản xuất giống tiêu để đáp ứng nhu cầu cho nông dân.

Nguồn giống phục vụ cho trồng mới, chủ yếu là do nông dân tự trao đổi với nhau hoặc do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cung ứng.

Theo đó, việc quản lý chất lượng giống gặp rất nhiều khó khăn, đồng nghĩa với việc khó có thể kiểm soát được nguồn bệnh…

Diện tích hồ tiêu tăng tự phát một cách chóng mặt, vượt ngưỡng quá lớn so với quy hoạch; dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát; chất lượng sản phẩm hạt tiêu chưa được chú trọng...

Thực trạng trên là một bài toán sớm cần lời giải của ngành Hồ tiêu Việt Nam.


Liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị giống lúa ST20 Sóc Trăng Liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá… Sử dụng rơm rạ hiệu quả Sử dụng rơm rạ hiệu quả