Mô hình kinh tế Giám đốc tiên phong trồng điều sạch

Giám đốc tiên phong trồng điều sạch

Ngày đăng 13/08/2015

Giám đốc tiên phong trồng điều sạch

Người mà chúng tôi đang nhắc đến là ông Vũ Đức Bộ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Điều Phước Hưng, người được xem là tiên phong trong phong trào trồng điều sạch theo hướng bền vững tại Bình Phước nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung.

Liên kết trồng điều sạch

Sau nhiều lần hẹn, tôi cũng có dịp gặp ông Vũ Đức Bộ tại vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của cây điều ở Việt Nam. Lúc chúng tôi đến, ông cũng vừa đi công việc về. Áo đẫm mồ hôi còn chưa kịp thay, ông cho biết, mình ông phải trông coi vài ha điều, thêm một xưởng điều, rồi chạy tới chạy lui lo công việc của HTX. Gần đây, ông còn là thành viên Ban chỉ đạo phát triển điều Bình Phước nên ít có thời gian nghỉ ngơi.

Câu chuyện của chúng tôi với ông thường xuyên bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại gọi tới ông. Thấy tôi nhìn vào một số giấy chứng nhận điều sạch, bằng khen trong phòng, ông cười nói việc của ông chẳng khác gì “vác tù và hàng tổng”, nhưng giờ được an ủi phần nào vì đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự tin tưởng của bà con trong HTX. 

Rồi ông kể cho tôi nghe, ông vốn gắn bó với cây điều từ lâu nên hiểu nỗi khổ của người trồng điều. Họ cứ rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa thì mất giá, còn được giá thì lại mất mùa. Những năm trở lại đây nông dân chặt bỏ điều càng nhiều hơn. Riêng ông vẫn “yêu” nó bởi cho rằng đây là cây chủ lực của tỉnh nên không thể bỏ được, nhưng để tồn tại thì phải tìm hướng đi khác.

Thế rồi, trong một lần lên mạng ông biết đến mô hình trồng điều theo tiêu chuẩn FLO. Đó là mô hình sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại, không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, không sử dụng lao động là phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi. Lợi ích của việc trồng điều sạch này là thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất cao, có tiền phúc lợi khi xuất khẩu điều. 

Nhận thấy đây là hướng đi mang tính bền vững nên ông đã vận động người trồng điều trong xã tham gia. “Vận động người dân theo mô hình này không dễ, vì trước giờ không ai nghe tới cả. Mà nói miệng thì người ta đâu tin. Tôi phải photo tài liệu mang đến từng nhà vận động, giải thích cho họ biết những lợi ích khi tham gia. Có những nhà tôi phải vận động đến 5 lần họ mới đồng ý tham gia”- ông Bộ chia sẻ.

Khi đã có đủ số lượng người tham gia, một mình ông  chạy tới chạy lui mất gần 2 năm trời để đăng ký. Đó còn chưa kể ông phải bỏ tiền túi hàng trăm triệu đồng để làm hồ sơ cho các thành viên trong nhóm. Nhớ lại ngày đó, ông cho biết bản thân ông lúc bỏ tiền ra đăng ký vẫn còn sợ bị lừa đảo, nhưng cái lo lớn nhất của ông đó là sợ mất uy tín với bà con.

Cũng may, sự kiên trì của ông cuối cùng cũng được đền đáp khi năm 2009 Nhóm sản xuất điều bền vững Tiến Hưng (tiền thân của HTX Phước Hưng) thành lập với số lượng 49 thành viên và được cấp giấy chứng nhận sản xuất điều sạch theo tiêu chuẩn FLO. Cũng từ đây, nhóm của ông đã mở ra hướng đi hoàn toàn mới cho người trồng điều ở Bình Phước.

Xã viên yên tâm sản xuất

Tiếng lành đồn xa, số lượng thành viên trong nhóm ngày càng tăng nên năm 2014 ông đã chuyển đổi Nhóm sản xuất điều bền vững Tiến Hưng thành HTX Phước Hưng. Số lượng thành viên đã tăng lên hàng trăm hộ với diện tích hơn 500ha điều thuộc nhiều địa bàn trong tỉnh, trong đó có nhiều xã viên là đồng bào dân tộc thiểu số.

" Cứ đà này đến năm 2016 khi mở rộng phạm vi lên 1.000ha nữa thì số tiền phúc lợi  của HTX sẽ đạt từ 5 - 7 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương”.
Ông Vũ Đức Bộ 

Chia sẻ “bí quyết” thu hút xã viên, ông Bộ cho rằng cứ làm cho tốt, cho nông dân thấy hiệu quả thì tự động họ sẽ tham gia. Vào HTX, xã viên được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn nhân giống các vườn có hiệu quả cao, hỗ trợ cung cấp phân bón theo hình thức trả chậm… Nhờ vậy mà điều đạt năng suất trung bình 3 tấn/ha, có nhiều hộ còn đạt 4 tấn/ha.

Riêng nhà ông, với 5ha điều mỗi năm cho năng suất khoảng 15 tấn, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng. Ông Bộ cho biết: “Nếu đạt 3 tấn/ha, người trồng điều sống khỏe. Đặc biệt, điều làm ra được bao tiêu sản phẩm, bán lại có giá hơn điều trồng thông thường nên bà con trong HTX rất yên tâm”. 

Để minh chứng cho điều này, vị giám đốc HTX Phước Hưng giới thiệu cho tôi gặp ông Trương Minh Lương, một trong những người đầu tiên tham gia trồng điều theo tiêu chuẩn FLO. Ông Lương cho biết, từ khi trồng điều sạch vườn nhà ông chưa bao giờ cho năng suất thấp hơn 2,5 tấn/ha. “Điều trồng ít sâu bệnh, hạt đẹp nên bán ra thị trường giá cao hơn điều thông thường khoảng 2.000 đồng/kg. Vì vậy xã viên trong HTX rất yên tâm gắn bó với cây điều”.

Nói về đầu ra sản phẩm, ông Vũ Đức Bộ “khoe” với chúng tôi rằng điều của HTX cung không đủ cầu. Hiện có 2 công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, điều xã viên làm ra đều được thu mua hết. Dù điều của HTX mới xuất khẩu nhưng riêng khoản tiền phúc lợi cũng thu về hơn 200 triệu đồng.

Bình Phước là thủ phủ của cây điều, nhưng những năm gần đây nhiều người ngày càng chán nản với cây điều, bởi giá bán cứ ngày một đi xuống, người dân thường lại không kiên nhẫn, cứ thấy lỗ là chặt bỏ. Cũng bởi vậy nên cuộc sống người dân thường không ổn định, với cách làm của mình, ông Bộ cho rằng, chỉ cần có sự đầu tư, hướng đi đúng cây điều không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, mà có khi còn trở thành triệu phú, tỷ phú. 


Nan giải bài toán khống chế bệnh héo xanh trên cây cà chua Nan giải bài toán khống chế bệnh héo… Starbucks và nỗi buồn cà phê Việt Starbucks và nỗi buồn cà phê Việt