Mô hình kinh tế Giàu lên nhờ nuôi hươu sao

Giàu lên nhờ nuôi hươu sao

Tác giả Kiều Hải, ngày đăng 06/08/2020

Giàu lên nhờ nuôi hươu sao

Sau khi xuất ngũ về địa phương nhiều cựu chiến binh của HTX Nuôi hươu Trọng Hùng Tân Hòa đã cùng nhau phát triển kinh tế từ nuôi hươu.

Ông Trọng hiện chỉ nuôi có 4 con hươu mang nhưng cũng đem về thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm cho gia đình. Ảnh: Kiều Hải.

Hợp tác xã nuôi hươu của Hội cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa có tất cả 12 thành viên trong đó hầu hết đều là những cựu chiến binh từng tham gia trong quân ngũ, có cả những người từng tham gia kháng chiến.

Thành viên lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX năm nay đã 64 tuổi. Ông Trọng từng là lính hậu cần kỹ thuật tham gia phục vụ chống Mỹ ở các chiến trường Miền Nam, Tây Nguyên rồi về công tác tại địa phương và nghỉ hưu năm 2005.

Năm 2017, khi HTX Nuôi hươu Hội cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa được thành lập tại xóm Tè, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, Thái Nguyên, ông Trọng là một trong những thành viên đầu tiên tham gia.

Ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX Nuôi hươu Hội cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hòa. Sau khi ra quân năm 1994, ông đi làm thầu xây dựng tại Hà Nội và một số nơi trên địa bàn Thái Nguyên. Nhưng sau một thời gian, ông quyết định quay về làm nông nghiệp với mong muốn phát triển kinh tế tại địa phương để ổn định cuộc sống.

Ông Hùng thấy sách báo, tivi thông tin có nhiều người trẻ thành công và trở thành tỷ phú trong lĩnh vực nuôi hươu, nên đã tự tìm tài liệu liên quan tới kỹ thuật chăn nuôi hươu. Đồng thời đi tham quan các mô hình nuôi hươu ở khắp nơi, thậm chí vào tận miền Trung để học hỏi kinh nghiệm rồi về áp dụng.

Thấy hiệu quả kinh tế, nên đã thành lập HTX và dần dần các hộ lần lượt tự nguyện xin gia nhập HTX. Nguồn giống hươu được mua chủ yếu từ Nghệ An, là giống hươu sao rất dễ nuôi và không mấy khi bị bệnh.

Lợi thế của việc nuôi hươu là chỉ mất tiền đầu tư con giống ban đầu, còn chuồng trại và thức ăn thì tương đối đơn giản nên không đòi hỏi quá phức tạp hay cầu kỳ. Thức ăn của hươu chủ yếu là cỏ vào khoảng 5 – 6kg/ngày, các loại hoa quả như chuối, ổi dưới 500g/ngày để đảm bảo đủ chất. Mỗi năm chỉ cần tiêm phòng 1 lần ký sinh trùng và tẩy giun sán 1 lần.

Mỗi còn hưu chỉ ăn 5 – 6 kg cỏ/ngày. Ảnh: Kiều Hải.

Vì hươu là loài động vật hoang dã nên sức đề kháng và thích với sự thay đổi thời tiết rất tốt. Thời điểm động dục của hươu thường từ tháng 6 đến tháng 8 và khi hươu động dục sẽ không lên nhung. Thời gian hươu cái chửa là từ 7 – 7,5 tháng, mỗi năm 1 con hươu mẹ sẽ đẻ ra 1 con. Khi bán sẽ thu lãi từ 10 – 12 triệu đồng/con, với những con giống đẹp có thể bán giá từ 17 – 18 triệu đồng/con.

Trung bình trọng lượng của mỗi con hươu cái đạt tối đa từ 35 – 40kg và hươu đực là từ 65 – 90kg. Ngoài nuôi hươu lấy thịt, HTX của ông Hùng còn bán con giống và nhung hươu với giá trị khá cao.

Thông thường thời gian nuôi hươu để lấy nhung tốt nhất là 5 năm, khi đó nhung hươu sẽ đạt trọng lượng tối đa khoảng 8 lạng, với giá bán khoảng 19 triệu đồng/cặp, có những cặp to có thể bán lên tới 24 triệu đồng/cặp. Nhung chủ yếu lên vào mùa xuân và được thu hoạch vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm.

Sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong của HTX có giá 7 triệu đồng/bình. 

Hiện nay sản phẩm cao hươu và huyết nhung hươu đang được HTX bán với giá 500.000đ/lạng, thịt hươu có giá 400.000đ/kg và sản phẩm giá trị nhất là nhung hươu với giá 2,2 triệu đồng/lạng.

Ngoài nuôi hươu, HTX Nuôi hươu Hội cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa còn có thêm nhiều sản phẩm đa dạng khác như mật ong, gà, chim bồ câu, nước ép dứa… với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.


Chinh phục đất cằn, trồng trọt kết hợp chăn nuôi thu tiền tỷ tại Nam Định Chinh phục đất cằn, trồng trọt kết hợp… 9X xứ Nghệ khởi nghiệp trồng dưa lưới 9X xứ Nghệ khởi nghiệp trồng dưa lưới