Giữ Rừng Cho Con Cháu Mai Sau
Gặp chúng tôi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thanh Nưa, ông Vi Văn Nhọt phấn khởi khoe về mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh. Tuy là tự phát nhưng được duy trì và phát triển hiệu quả là nhờ tinh thần lao động hăng say, ý thức trách nhiệm, lòng kiên trì không ngại vất vả của tất cả các hội viên trong chi hội. Điều đó mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho người dân Hạ Thanh và là tấm gương trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh thành lập tháng 5/1994, ban đầu chỉ có 12 người chủ yếu là công nhân viên chức về hưu. Ban đầu, chi hội trồng 12,7ha cây xoan. Do điều kiện ban đầu khó khăn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, phần lớn diện tích đất đã bạc màu, nhận thức của người dân còn hạn chế nên diện tích xoan còi cọc, không phát triển được. Sau khi nhà nước có chủ trương và chính sách hỗ trợ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, chi hội đã kiến nghị với chính quyền xã cấp đất để trồng rừng. Sau đó, chi hội đã được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, hỗ trợ cây giống. Đến nay, diện tích đất trồng rừng của chi hội là 42,7ha với các chủng loại cây rất đa dạng và phong phú: thồ lộ, dổi, keo và một số cây có giá trị kinh tế cao. Số hội viên đã tăng lên 58 người.
Mặc dù diện tích rừng quản lý khá lớn so với số hội viên nhưng bằng sự quyết tâm cao, chi hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ rừng và mô hình trồng rừng ở Hạ Thanh đã trở thành mô hình mẫu cho các địa phương khác học tập. Chi hội đã xây dựng đội ngũ quản lý gồm: Chi hội trưởng, chi hội phó, kế toán, thủ quỹ, ban quản lý bảo vệ rừng và văn hóa – văn nghệ. Công tác bảo vệ rừng được vận hành theo phương thức chia tổ bảo vệ. Mỗi tổ (có 10 – 12 người) bảo vệ trong một tháng. Trong các tổ lại chia thành các nhóm nhỏ (có 2 – 3 người) bảo vệ luân phiên. Giữa ca trước và ca sau có sự bàn giao rõ ràng nếu phát hiện mất mát không lý do thì ca trực phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ban quản lý bảo vệ rừng kiểm tra theo dõi thường xuyên (3 lần/tháng), nếu phát hiện sai phạm thì tổ bảo vệ tháng đấy phải chịu trách nhiệm.
Với phương châm “lấy rừng nuôi rừng”, chi hội đã tận thu giá trị của những sản phẩm trong rừng như: Khai thác chủng loại cây đã đến kỳ thu hoạch, bán củi (sau mùa mưa lũ), bán cây giang, cây sặt... Mỗi năm, chi hội thu về hàng chục triệu đồng từ việc kinh doanh sản phẩm của rừng. Nguồn lợi thu được bổ sung vào nguồn vốn của chi hội. Hằng năm, chi hội đều tổ chức đi tham quan, thăm hỏi hội viên khi ốm đau, bệnh tật, động viên các hội viên tích cực tham gia các hoạt động của hội. Cũng từ nguồn vốn này cho hội viên vay phát triển sản xuất, đến nay 100% hội viên thoát nghèo. Bên cạnh đó, khu rừng của chi hội người cao tuổi góp phần bảo vệ cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân khu vực Hạ Thanh.
Được đại diện cho các thành viên trong chi hội dự hội nghị điển hình tiên tiến làm theo lời bác do Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, ông Lò Văn Cu Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh, cho biết: Ý thức được những lợi ích to lớn mà rừng mang lại, tất cả thành viên chi hội người cao tuổi Hạ Thanh sẽ tiếp tục nêu cao quyết tâm duy trì và phát triển mô hình khoanh nuôi và bảo vệ rừng, tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức được lợi ích, trách nhiệm của công tác khoanh nuôi và bảo vệ rừng để giữ gìn môi trường sống cho con cháu mai sau.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ