Tin nông nghiệp Hà Giang: Tìm hướng tiêu thụ cam sành cho người nông dân

Hà Giang: Tìm hướng tiêu thụ cam sành cho người nông dân

Tác giả Phạm Văn Phú, ngày đăng 01/03/2017

Hà Giang: Tìm hướng tiêu thụ cam sành cho người nông dân

Cam sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng diện tích cam sành của Hà Giang đạt 7.900 ha, trong đó có trên 1.543 ha được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; tổng sản lượng cam sành niên vụ 2016 - 2017 của Hà Giang ước đạt khoảng 17.238 tấn.

Trong ảnh: Do tiêu thụ chậm nên sản lượng cam sành của Hà Giang còn tồn đọng khá lớn

Theo khảo sát tại các nhà vườn của 3 huyện trồng cam, chỉ có duy nhất huyện Vị Xuyên là huyện tiêu thụ hết số lượng cam sành trong vụ cam vừa qua. Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết, trong vụ cam niên vụ 2016 – 2017 vừa qua, tổng sản lượng cam sành của toàn huyện Vị Xuyên do diện tích cam cho thu hoạch còn thấp nên sản lượng chỉ đạt từ 450 – 500 tấn và đã được tiêu thụ hết trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Riêng đối với 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình sản lượng cam sành còn tồn đọng khá lớn. Hiện nay đã là thời điểm cuối tháng 2 dương lịch, nhưng giá cam được cắt bán tại vườn chỉ dao động từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ những năm trước nên gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với những người trồng cam. Bên cạnh giá bán thấp thì mức độ tiêu thụ cũng chậm hơn do rất ít các thương lái đến vườn đặt mua.

Theo một số nhà vườn tại huyện Bắc Quang (huyện có diện tích cam sành lớn nhất tỉnh), mặc dù các cấp chính quyền của Hà Giang đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam sành nhưng do năm nay cam được mùa nên sản lượng cũng cao hơn; bên cạnh đó, cam của Trung Quốc tràn sang chiếm lĩnh thị trường nên mức tiêu thụ cam sành của Hà Giang cũng bị giảm đi đáng kể. Ngoài ra, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2016, một số loài cam lạ và cam sành của Trung Quốc được bày bán tràn lan tại các chợ và các trục đường quốc lộ tại các tỉnh dưới xuôi với giá từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg nhưng lại ghi mác "Cam sành Hà Giang" đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm cam sành của Hà Giang.

Ông Lê Xuân Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang cho biết: Cho tới thời điểm hiện nay, toàn huyện Bắc Quang còn tồn đọng khoảng 15 đến 16 nghìn tấn cam sành do chưa có người mua. Do cam chín vẫn phải để trên cây, ngoài ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của vụ cam tới, trọng lượng của quả cam đã bị hao hụt khoảng 20%.

Ông Lã Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang cho biết: Sản lượng cam sành của toàn xã Vĩnh Hảo niên vụ 2016 - 2017 ước đạt khoảng 6.000 tấn nhưng đến thời điểm hiện nay mới tiêu thụ được khoảng 1.300 tấn. Vì vậy, UBND xã cũng chỉ đạo người dân tập trung chăm sóc để cam giữ quả, hạn chế hiện tượng rụng quả để tìm thương lái tiêu thụ.

Bên cạnh huyện Bắc Quang, sản lượng cam sành của huyện Quang Bình cũng còn tồn đọng khá lớn. Ông Phùng Viết Vính, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Toàn huyện Quang Bình hiện có 2.332 ha cam sành, trong đó có 723 ha cho thu hoạch, sản lượng cam sành niên vụ 2016 – 2017 của toàn huyện ước đạt 5.500 tấn. Cho tới thời điểm hiện nay, toàn huyện Quang Bình vẫn còn tồn đọng khoảng 2.000 tấn cam chưa có người mua.

Thời điểm hiện nay, tại thành phố Hà Giang, giá bán cam sành cũng chỉ dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Do tiêu thụ chậm nên nhiều nhà vườn trồng cam tại Hà Giang chỉ cắt cam đóng túi bán lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện và dọc theo tuyến Quốc lộ 2 trên đường từ Hà Giang đi Hà Nội. Cũng do khả năng tiêu thụ chậm, nên các nhà vườn cũng không dám cắt để bảo quản do lo sợ người tiêu dùng nghi dùng thuốc mà vẫn phải để cam chín trên cây. Hiện tượng này được người trồng cam Hà Giang gọi là "cam treo cành". Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất cam sành của vụ tới. Bên cạnh đó, khi cam đã vào giai đoạn chín, nếu thời tiết thay đối đột ngột (nắng mưa xen kẽ, gió mạnh...) sẽ gây hiện tượng cam rụng hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng cam.

Để tìm hướng tiêu thụ nguồn cam sành cho người nông dân, UBND của 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức của huyện tăng cường công tác tìm kiếm và tiếp thị thị trường tại các tỉnh và các thành phố trong nước; ngoài ra, UBND của 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình cũng khuyến khích người dân tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam sành của gia đình mình.

Ông Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết, Bắc Quang là huyện có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh, vào khoảng 5.300 ha, trong đó có trên 2.600 cho thu hoạch. Do cam sành được mùa nên chỉ tính riêng sản lượng cam sành năm nay của huyện Bắc Quang đã đạt khoảng 30.000 tấn. Hiện nay, sản lượng cam sành của huyện còn tồn khá lớn. Vì vậy, UBND huyện cũng đang đẩy mạnh công tác xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ cam sành cho người nông dân.

Nguồn: Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang


Nghệ xuất khẩu được mùa Nghệ xuất khẩu được mùa Chăm sóc cà phê có mưa trái mùa tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên Chăm sóc cà phê có mưa trái mùa…