Tin thủy sản Hàng rào kiên cố SIMP

Hàng rào kiên cố SIMP

Tác giả Tuấn Anh - Theo NOOA, ngày đăng 27/05/2017

Hàng rào kiên cố SIMP

Là chương trình kiểm soát nhập khẩu thủy sản, mục đích chính ngăn chặn thủy sản bất hợp pháp và sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau; nhưng SIMP đang trở thành mối lo ngại với nhiều nước xuất khẩu thủy sản vì cơ hội tiến vào thị trường Mỹ sẽ bị siết chặt hơn.

Cá ngừ nằm trong danh sách loài dễ bị tổn thương theo quy định của SIMP     Ảnh: WWF 

Vai trò quan trọng

Đi đầu thế giới về thủy sản bền vững và đồng thời cũng là một thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất (mắt xích quan trọng trong ngành thương mại thủy sản toàn cầu), Mỹ có trách nhiệm đấu tranh và tiễu trừ mọi hành vi khai thác, đánh bắt, kinh doanh thủy, hải sản trái phép bởi đây là những mối đe dọa đang dần phá vỡ bền vững nguồn lợi thủy hải sản.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOOA) và Chính phủ Mỹ đang nỗ lực chung tay với thế giới, củng cố luật lệ quản lý nguồn lợi thủy hải sản, đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhằm thiết lập một hệ thống sản phẩm thủy sản có khả năng truy xuất nguồn gốc. Do đó, ngày 6/12/2016, Cục Nghề cá biển quốc gia của NOOA đã ra phán quyết cuối cùng bằng văn bản - đó là SIMP (Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu).

SIMP được xây dựng riêng cho một số danh mục sản phẩm thủy sản nhập khẩu, báo cáo và ghi chép về sản phẩm nhằm mục đích ngăn chặn kinh doanh, tiêu thụ thủy sản bất hợp pháp, không khai báo (IUU) hoặc những thủy sản khai báo gian lận khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. SIMP không phải là một chương trình về quy định dán nhãn sản phẩm hay đối mặt với người tiêu dùng mà là một hàng rào bảo vệ nền kinh tế Mỹ vô cùng kiên cố, biện pháp ngăn chặn IUU rất cứng rắn và quyết liệt, nhằm củng cố an ninh lương thực toàn cầu và tính bền vững của nguồn lợi thủy, hải sản.

Quy định chặt chẽ

SIMP yêu cầu nhà nhập khẩu ghi chép và cung cấp thông tin từ điểm khai thác đến khi sản phẩm được đưa vào thị trường Mỹ, đặc biệt là những sản phẩm từ những loài dễ bị tổn thương bởi IUU và nạn khai thác trộm. Những báo cáo của nhà nhập khẩu sẽ được Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) thẩm định. Ghi chép thông tin của nhà nhập khẩu gồm Giấy phép thương mại thủy sản quốc tế (IFTP) từ Cục Nghề cá biển quốc gia của NOOA nhằm báo cáo thông tin chính xác về vụ khai thác và sự giám sát sản phẩm thủy sản từ lúc khai thác cho đến khi đưa vào thị trường Mỹ.

Thu thập tài liệu về sản lượng lúc mới đánh bắt và khi vào bờ cho những loài thủy sản ưu tiên sẽ được hoàn thành thông qua hệ thống Dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS) - cổng dữ liệu riêng báo cáo tất cả các hàng hóa xuất và nhập khẩu của Chính phủ Mỹ. Cùng với thẩm quyền của điều luật Magnusisn - Stevens và an ninh thông tin nghiêm ngặt của hệ thống ITDS, các thông tin nhận được trong khuôn khổ SIMP sẽ được bảo mật.

Tiêu chí nhận biết một sản phẩm thủy sản có thực hiện pha đầu tiên của SIMP hay không được căn cứ theo mã số biểu thuế nhập khẩu (HTS) chứa thông tin về quá trình đăng nhập điện tử của lô hàng đó. NOOA cung cấp cho CBP những dữ liệu yêu cầu cho từng loài thủy, hải sản theo mã số HTS.

Giải pháp ứng phó

Mọi báo cáo và ghi chép yêu cầu về sản phẩm theo quy định của SIMP với các loài ưu tiên (ngoài tôm và bào ngư) sẽ bắt buộc thực hiện từ 1/1/2018. Nhà nhập khẩu ở Mỹ sẽ làm việc với bên cung cấp sản phẩm nhằm thu thập đầy đủ thông tin về nhật ký khai thác/thu hoạch, chuỗi cung ứng. Ngày có hiệu lực của SIMP với tôm và bào ngư nhập khẩu khai thác tự nhiên và nuôi sẽ được lùi lại đến khi có báo cáo tương xứng hoặc yêu cầu lưu giữ hồ sơ đã được thiết lập cho ngành nuôi trồng thủy sản nội địa của Mỹ đối với sản phẩm tôm và bào ngư nuôi. Vào thời gian đó, NOOA sẽ thông báo ngày tuân thủ cho hai sản phẩm này.

Hiện, chính phủ tại nhiều quốc gia xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đang tỏ ra lo ngại về SIMP và kêu gọi tất cả các doanh nghiệp và tác nhân trong ngành thủy sản đặc biệt chú ý tới quy định mới này. Cơ chế của SIMP dựa vào các đề xuất của NOOA, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản. Do đó, việc rà soát lại danh mục sản phẩm thủy sản xuất khẩu để phân loại nhóm sản phẩm rủi ro cao nhằm lưu ý doanh nghiệp là điều nên làm. Những loại sản phẩm rủi ro cao chủ yếu là thủy sản khai thác từ những loài có nguy cơ bị đe dọa như cá ngừ vây xanh, cá tuyết cod, cua xanh, cua huỳnh đế… Không chỉ sản phẩm khai thác, các sản phẩm nuôi trồng cũng phải lưu ý đến các chứng nhận nuôi bền vững, và quy trình truy xuất nguồn gốc.

Indonesia là ví dụ rõ nét nhất cho thấy nỗ lực ứng phó với SIMP khi kiên quyết đấu tranh chống lại IUU bằng cách ban hành Biên bản ghi nhớ về cho phép khai thác; xây dựng lực lượng ngăn chặn khai thác trái phép và mạnh tay đánh chìm các tàu khai thác trái phép. Bộ Thương mại Indonesia cũng chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tuân thủ nguyên tắc truy xuất nguồn gốc và bền vững, đồng thời liên tục theo dõi, bám sát các chính sách do thị trường xuất khẩu ban hành.

SIMP sẽ siết chặt nhập khẩu cả thủy sản nuôi và khai thác tại thị trường Mỹ. Ngoài kiên quyết đấu tranh chống IUU, sản xuất theo chứng nhận bền vững và truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp cần phải xây dựng chuỗi cung ứng với đầy đủ thông tin minh bạch xuyên suốt tàu thuyền khai thác, địa bàn khai thác hoặc nuôi trồng, ngư cụ khai thác, quá trình vận chuyển, chế biến tới khi sản phẩm có mặt tại thị trường Mỹ.

>> SIMP quy định 13 loài thủy sản dễ bị tổn thương bởi IUU: Bào ngư, cá tuyết cod Atlantic, cua xanh Atlanttic, cá Mahi Mahi, cá mú, cua huỳnh đế đỏ, cá tuyết cod Pacific, cá hồng, hải sâm, cá mập, tôm, cá kiếm và cá ngừ (cá ngừ Albacore, mắt to, sọc dưa, vây vàng và vây xanh).


Hướng mở cho tôm quảng canh Hướng mở cho tôm quảng canh Đầm Hà sẽ là 'thủ phủ' tôm vùng Đông Bắc Đầm Hà sẽ là 'thủ phủ' tôm vùng…