Tin nông nghiệp Hạt gạo Việt ngon nhất thế giới

Hạt gạo Việt ngon nhất thế giới

Tác giả Hữu Đức, ngày đăng 29/02/2020

Hạt gạo Việt ngon nhất thế giới

Cường quốc từ nền văn minh lúa nước, khai thác "túi khôn” từ ngân hàng giống lúa bản địa, để làm ra Hạt Ngọc Việt - gạo thơm ST25, xác lập kỳ tích lịch sử năm 2019.

AHLĐ Hồ Quang Cua và sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25.

Gạo ngon nhất

Đêm Manila thao thức, tĩnh lặng. Cảm giác nôn nao, bồn chồn với sự tự tin của một người trải qua biết bao cuộc thi trong đời người, ông Cua ẩn nhẫn chờ đợi bình minh

Ba năm trước, ông Cua và GS.TS Võ Tòng Xuân từng tạo ấn tượng mạnh từ gạo ST24 - Top 3 trong cuộc thi “World's Best Rice” tại Macau. Đến World's Best Rice 2019, GS Xuân và ông Cua mang 2 loại gạo ngon nhất ST24 và ST25 sang Philippines tham gia cuộc thi.

GS.TS Võ Tòng Xuân, nhân chứng của một thời dạy sinh viên nông nghiệp căng dây cấy từng tép một, lúa cấy hai lần để nhân nhanh giống lúa trước nguy cơ đói kém trong những năm cuối thập niên 70, thế kỷ trước. Ông vẫn dõi theo, trợ lực cho ý tưởng tạo dấu ấn gạo Việt từ ông Hồ Quang Cua.

Từng khước từ cơ hội du học tại Mỹ, ông Cua chân lấm tay bùn lo tạo giống lúa ST trong 20 năm. Hay đúng hơn, đó là cố gắng cả đời người của một cựu sinh viên khóa 1 Khoa nông nghiệp Đại học Cần Thơ.

Festival 13 tại Long An vinh danh ST 24 “gạo ngon nhất Việt Nam” vẫn chưa phải là mục tiêu cuối cùng của một người sẵn sàng đối diện những cuộc thi đầy thách thức như “World's Best Rice” do The Rice Traders tổ chức.

Cuộc thi hội tụ giới thương gia kinh doanh lúa gạo toàn cầu với các vị giám khảo là những đầu bếp quốc tế danh tiếng, chuẩn mực trong cách thẩm định chất lượng gạo thơm, hương vị cơm ngon chi li đến từng hạt.

Cuộc thi nghiêm túc và chặt chẽ, qui mô hoành tráng, long trọng thậm chí khắt khe không chỉ để tạo hào quang nhân tạo mà thực sự là thông điệp toàn cầu cho gạo thơm được tạo ra từ tri thức, quyết tâm thúc đẩy thương mại hóa theo hướng nông nghiệp và dinh dưỡng. Đối với ông Cua, giá trị lớn hơn: Danh dự và hình ảnh quốc gia.

Như có một sức mạnh nào đó mầu nhiệm từ người đồng hương huyền thoại Lương Định Của, nhà di truyền chọn giống lúa nổi tiếng, ông Cua nói rằng nếu gạo Thai Hom Mali nổi tiếng về độ dẻo, thơm ngon bậc nhất Thái Lan, Basmati - loại gạo đặc sản thơm ngon nhất thế giới được trồng ở Ấn Độ và Pakistan bằng những kỹ thuật canh tác truyền thống hàng trăm năm qua hay Phka Romdoul nổi tiếng của Campuchia - từng đạt giải gạo ngon nhất thế giới… nhưng mỗi năm chỉ làm một vụ, phụ thuộc nước trời. Trong khi đó, ST 24, ST 25 có thể làm 2 vụ, có nghĩa là khả năng cung ứng liên tục trên thị trường và đó là nguồn lợi của người trồng lúa ở Việt Nam.

Ông Cua nói giá trị độc chiêu của dòng gạo ST là khả năng tự vệ trước sâu bệnh, nhờ đó không cần phải lụy phiền vì thuốc trừ sâu và cũng có nghĩa là món quà mầu nhiệm này đang mở ra khả năng chuyển đổi theo hướng an toàn sinh học, đúng xu hướng tiêu dùng toàn cầu.

Quốc gia lúa gạo

Gạo ST 24, ST25 lên đời, giá trị cao hơn nhờ các doanh nghiệp chọn đúng phân khúc, tách khỏi số đông có phẩm cấp trung bình, giá rẻ.

Các doanh nhân quan sát thị trường 3 năm gần đây nói rằng năm 2019 thị trường lúa gạo kết thúc ảm đạm. Gạo ST bán trong nước vẫn trên 1 USD/kg. Trong khi nhiều loại gạo Việt xuất khẩu giảm về giá trị (số lượng ước trên 6 triệu tấn) thì gạo ST đang trở thành một cơn sốt khi cung không đủ cầu.

Gạo Việt được xuất khẩu trong năm qua khoảng 2,57 tỉ USD. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan còn cho thấy giá gạo xuất khẩu năm 2019 dao động trong khoảng 400 - 460 USD/tấn, mức thấp trong 3 năm qua.

Từng giai đoạn, trên đồng trồng hàng trăm loại giống lúa, với nỗ lực tự chủ lương thực quốc gia, Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới, nhưng không phải là người giỏi mua bán và tạo dấu ấn thương hiệu.

Đã có lúc, KS Hồ Quang Cua, lúc đương chức Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, từng tới hội chợ, nấu cơm, phân tích ưu thế của gạo ST3, ST5 cho tới ST 20, ST 24, ST 25 khi người anh hùng thời kỳ đổi mới về hưu. Hình ảnh của một cựu sinh viên nông nghiệp, một công chức thực thi theo mệnh lệnh lúa gạo quốc gia, một nông dân chuyển hướng sang kinh doanh nông sản, vì khát vọng đóng góp kinh tế nông nghiệp… đã tạo ra lực hút thị trường chưa từng có của ST 24, ST 25.

Có thể đâu đó trên xứ sở có quá nhiều người giỏi nghề nông, vẫn có nhiều ý kiến phản bác, đưa ra lý lẽ và suy luận về nền tảng nghiên cứu khoa học, phương pháp chọn tạo giống lúa, ông Cua thầm lặng, dốc sức cùng nhóm cán bộ nông nghiệp Sóc Trăng chọn con đường đi riêng – bắt đầu từ đề tài nghiên cứu chọn lọc những giống lúa thơm ST 1, 2, 3 và đến nay nhóm nghiên cứu có trong tay cả ngàn tổ hợp lai, vật liệu di truyền mênh mông cho ý tưởng chinh phục thế giới tiêu dùng gạo.

Ông Cua dẫn giải: Mỗi năm lai tạo nhiều nhánh, ít nhất có thêm 500 tổ hợp/năm. Qua hơn 20 năm nhóm nghiên cứu bộ giống lúa ST đã tích lũy lưu trữ làm giàu thêm nguồn vật liệu di truyền. Trong danh mục dòng ST còn có rất nhiều giống lúa chưa đặt tên.

Thành quả AHLĐ Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự (TS Trần Tấn Phương và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương) là tác giả bộ giống lúa thơm ST làm rạng danh hạt gạo Việt, được Thủ tướng tặng bằng khen, Bộ NN-PTNT và tỉnh Sóc Trăng tổ chức khen thưởng, tri ân trọng thị. Lập tức hiệu ứng tên tuổi gạo ngon nhất thế giới tạo nên tiếng vang và sức hút tiêu dùng, đặc biệt khuấy động chợ gạo nội địa, đánh thức thị trường xuất khẩu vốn trầm lắng gần suốt một năm qua.

Ông Cua bận rộn sáng - trưa - chiều - tối. Điện thoại của ông cứ réo liên hồi. Từ các cuộc hội thảo, hội nghị, báo giới vây quanh khiến ông mệt nhừ như phát sốt. Ngoài chợ, làn sóng người tiêu dùng muốn mua loại gạo danh tiếng nhất thế giới về ăn cho bằng được hay đãi đằng người thân, bạn bè... Riêng hàng gạo nội địa dành cho 100 triệu người, từ nay nhu cầu gạo thơm cơm ngon không chỉ mặc định trong phân khúc tiêu dùng số ít.

Sau gạo nhất thế giới, còn gì nữa?

Hậu kỳ kết quả gạo ngon nhất thế giới 2019 khiến giới doanh nhân chuyên doanh hàng gạo Trung Quốc, Đài Loan, Hương Cảng… nhận diện ST25. Nguồn tin từ một số DN trong nước cho biết, dân buôn gạo Thái Lan xúc tiến sớm nhất, nhanh tay ký hợp đồng mua số lượng lớn với đối tác quen thuộc là một công ty lương thực chuyên cung cấp lúa thơm Việt Nam bán vào hệ thống siêu thị toàn cầu.

Công ty này đang mua và sử dụng giống xác nhận ST đưa vào sản xuất để đảm bảo danh tiếng gạo ngon ST. Trong khi công ty gạo Cỏ May (Đồng Tháp) cho biết, gạo Long Châu của Cỏ May chính là làm từ giống ST24 đã được đối tác Mỹ đặt hàng. Trong vụ ĐX 2019 - 2020, Cỏ May sản xuất lúa ST20 trên 150ha ở vùng lúa - tôm tỉnh Cà Mau.

Tiếp sau hạt gạo ST25 còn gì nữa? Một số chuyên gia thực phẩm dẫn ra loạt sản phẩm sau gạo giá trị gia tăng: Gạo hữu cơ đạt tiêu chuẩn USDA, gạo ST đỏ, ST tím than giàu dinh dưỡng, hỗ trợ điều trị bệnh, rơm sạch từ ruộng lúa hữu cơ sẽ cung cấp cho nhà trồng nấm rơm và có cả hương vị nồng nàn rượu gạo ST…

Câu chuyện ST 25 và triết lý nông nghiệp tái sinh (Regenrative Agriculture) đã nhen nhóm suy nghĩ liên kết, cung cấp giống xác nhận cho các doanh nghiệp Tấn Vương, Cỏ May và các DN giữ đúng cam kết với tác giả - nhà chọn tạo cung cấp giống từ gốc về tổ chức sản xuất gạo đóng bao xuất khẩu.

Phát triển mô hình nông nghiệp tái sinh gắn với dòng lúa ST xác định theo chuỗi liên kết hợp tác theo hướng kết nối, tuần hoàn và trải nghiệm. Những giống lúa thơm ST thực sự là nguồn tài nguyên có tiềm lực. Đây là cơ hội khơi dậy tổng thể nguồn lực, những giá trị, bản sắc và vị thế ST trong dòng chảy giống lúa có uy lực.

"So sánh kinh nghiệm của Thái Lan trong bảo vệ loại gạo ngon nhất thế giới của họ ví như giống Thai Hom Mali Rice là có tiêu chí rõ ràng, từ đặt tên, vô danh mục bộ giống xây dựng thương hiệu cho đến quy vùng chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn về độ thuần và họ kiểm soát thị trường giống thật nghiêm. Nếu đủ tiêu chuẩn mới đóng in dòng chữ “thương hiệu gạo quốc gia”. Còn nếu không đủ tiêu chuẩn mà mạo danh thì Nhà nước phải quyết liệt ngăn chặn hàng giả". KS Hồ Quang Cua


Vùng bưởi ngọt xứ Tuyên Vùng bưởi ngọt xứ Tuyên Thuận theo vòng tuần hoàn tự nhiên Thuận theo vòng tuần hoàn tự nhiên