Mô hình kinh tế Hậu quả của lạm dụng canh tác

Hậu quả của lạm dụng canh tác

Ngày đăng 17/07/2015

Hậu quả của lạm dụng canh tác

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết, hiện nay trên 150 ha của một số địa phương bị bệnh thối rễ, teo tóp cành. Trong đó, Hàm Thuận Bắc 120 ha, Hàm Thuận Nam 25 ha, Bắc Bình 3 ha và La Gi 3 ha. Triệu chứng, đầu tiên cành thanh long có biểu hiện dạng mất nước, sau đó héo và cụp xuống. Còn ở rễ là hiện tượng thối hỏng rễ,  ít rễ tơ, rễ ngắn, phần vỏ rễ bị thối, rất dễ tuột ra khỏi thân rễ. Do không hút được dinh dưỡng, cây mất nước, sinh trưởng kém, héo, khô cành rồi chết.

PGS - TS Nguyễn Hồng Sơn- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, nguyên nhân của bệnh nói trên có thể là hậu quả của quá trình lạm dụng canh tác. Đó là  khai thác liên tục nhiều lứa trái, cả chính vụ và vụ nghịch trong năm. Cây thanh long bị vắt kiệt sức. Nông dân bón vôi bột quá nhiều hoặc các loại phân có hàm lượng can xi cao, làm cho gốc thanh long quá nóng và bị tuột rễ... Còn theo lãnh đạo Cục BVTV, quá trình sản xuất thanh long, người dân đã sử dụng thuốc BVTV (hóa chất) nhiều, dẫn đến hệ sinh thái đất, vi khuẩn có lợi bị chết, từ đó phát sinh bệnh cho cây  trồng, nguồn rễ bị ngộ độc. Do đó,  lời khuyên là  nhà nông nên sử dụng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường sinh thái cho cây trồng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chi cục BVTV đang phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện các khảo nghiệm tại xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) và thị xã La Gi, với các công thức: Agrifos 400+ Humic, Eddy + Humic; Rhidoxanin + Humic và Insuran + Isacop + Humic... để phục hồi và ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng.

Điều đáng nói, hiện nay trong khi người dân trồng thanh long trong tỉnh đang rất lo lắng về bệnh đốm nâu và bệnh thối rễ, khô cành trên thanh long, thị trường buôn bán, quảng cáo thuốc BVTV lại đang diễn ra tràn lan, gây khó khăn cho người dân trong việc chọn lựa. Để tránh “tiền mất tật mang”, Chi cục BVTV đã khuyến cáo nông dân không cả tin và mua thuốc không rõ nguồn gốc hoặc những sản phẩm phân bón qua lá; những chế phẩm chưa được khảo nghiệm về phòng trừ bệnh... Đặc biệt, theo khuyến cáo của Chi cục BVTV, hiện nay vẫn còn tồn tại một số loại phân bón lá chứa đồng hàm lượng cao được bày bán trên thị trường. Mục đích được quảng cáo là sử dụng để tăng sức đề kháng  chống lại bệnh đốm nâu. Vì vậy,  nhà nông cần lưu ý, nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc cho trái và cành non, vừa gây thiệt hại kinh tế cho bà con, vừa ảnh hưởng đến cây trồng và môi trường sinh thái.


Đề nghị Bộ Công Thương lấp lỗ hổng nhập khẩu đường Đề nghị Bộ Công Thương lấp lỗ hổng… Lão nông làm máy chế biến nữ hoàng quả khô mắc ca Lão nông làm máy chế biến nữ hoàng…