Mô hình kinh tế Hiệu Quả Của Việc Sử Dụng Máy Sục Khí Trong Ao Nuôi Tôm

Hiệu Quả Của Việc Sử Dụng Máy Sục Khí Trong Ao Nuôi Tôm

Ngày đăng 08/12/2011

Hiệu Quả Của Việc Sử Dụng Máy Sục Khí Trong Ao Nuôi Tôm

Kinh nghiệm của Ấn Ðộ trong việc dùng kết hợp hai hệ thống sục khí trong cùng một ao nuôi tôm đã làm tăng đều lượng ôxy trong toàn ao nuôi, giảm dịch bệnh và nâng cao sản lượng.

Do sản lượng khai thác tôm tự nhiên giảm quá lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ về tôm của thị trường thế giới ngày càng cao nên nghề nuôi tôm đã phát triển mạnh. Tôm nuôi đã trở nên hấp dẫn hơn vì giá cả hợp lý ở thị trường thế giới. ở ấn Ðộ, nuôi tôm đã được triển khai từ những năm 80 và phát triển mạnh thương mại vào năm 1990.

Nguyên nhân tăng sản lượng của nước này là do tận dụng mặt nước ở các vùng ruộng trũng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm một cách phù hợp. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh nuôi tôm vừa mang lại lợi nhuận nhưng cũng đem đến những hậu quả thảm hại khó tránh khỏi về môi trường.

Trước đòi hỏi phải bảo vệ nguồn nước, hạn chế những chất thải gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn sinh học, các nhà nuôi tôm ở nhiều nước cần phải phát triển nuôi bền vững. Ðể tránh sự lây lan khi trong khu vực nuôi đang có bệnh như bệnh đốm trắng, không được áp dụng các hình thức cấp thoát nước truyền thống.

Hệ thống cấp nước ao nuôi

Có hai hình thức hệ thống nuôi ít thay nước, một là Hệ thống khép kín hoàn toàn, trong đó, ao nuôi chỉ được cấp nước 1 lần và không thay nước trong quá trình nuôi. Số nước này, sau khi xử lý lọc sẽ được tái cung cấp cho ao nuôi. Với phương pháp này phải sục khí liên tục mới có thể đảm bảo năng suất thu hoạch. Sục khí sẽ làm khuấy động các vật thể vẩn và làm tăng lượng ôxy trong nước ao nuôi, duy trì chất lượng nước.

Dạng thứ hai là hệ thống tái tuần hoàn nước khép kín, hệ thống này thường có ao chứa nước (ao lắng). Tại đây, nước được xử lý bằng vôi bột và thuốc diệt khuẩn để tránh mầm bệnh trước khi đưa vào tái sử dụng trong ao nuôi.

Sục khí một tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thuỷ sản

áp dụng công nghệ xử lý nước có thể ngăn chặn được tình trạng các sinh vật mang mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi. Chất lượng nước kém đi do thiếu quản lý trong việc cho ăn, dùng kháng sinh thiếu khoa học và tình trạng tích tụ các thức ăn thừa và các chất thải trong ao nuôi.

Sục khí là một trong những công nghệ được sử dụng để làm tăng mức ôxy hoà tan trong nước ao tạo khả năng ngăn ngừa được dịch bệnh. Việc sử dụng máy sục khí cũng có khả năng làm tăng sản lượng nuôi, đặc biệt trong mùa đông. Khi nhiệt độ xuống thấp, mức độ chuyển hoá thức ăn của tôm thấp nên tôm kém ăn, ít hoạt động nên tôm thường chậm lớn và dễ nhạy cảm với bệnh.

Sục khí làm tăng hàm lượng ôxy hoà tan trong nước ao nên có thể thả giống mật độ dày hơn, tỷ lệ chuyển hoá thức ăn (FCR) cao hơn, tôm lớn nhanh hơn, tỷ lệ sống cao hơn, từ đó nâng cao được sản lượng có nghĩa là tăng thêm lợi nhuận và đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh.

Kết hợp hai dạng hệ thống sục khí mang lại lợi nhuận tối đa

Hiệu quả của hai dạng hệ thống sục khí trong ao nuôi tôm đã được nghiên cứu.

Một là dạng máy sục khí cánh quạt dài. Trục quay môtơ có nhiều cánh quạt nước. Khi bật máy sục khí, các cánh quạt chuyển động quay tròn, tạo luồng nước chuyển động và cho nước tung lên ngoài không khí. Ðồng thời các cánh quạt còn tạo ra sự chuyển động của nước trong ao, phân phối đều lượng ôxy.

Một hệ thống sục khí khác cũng đã được thử nghiệm gọi là "Hệ thống siêu nạp oxy" (super charge). Hệ thống này bao gồm 1 máy nén không khí, một đầu máy bơm khi đặt trên bờ ao, có thể bơm khí xuống nước ao thông qua ống thông khí E-Rô-Týp.

Người ta đã tiến hành thử nghiệm chỉ sử dụng loại sục khí cánh quạt và so sánh với dùng kết hợp cả hai loại máy sục khí trên. Kết quả cho thấy,trong cùng một ao nuôi, nếu dùng kết hợp cả hai loại sẽ có hiệu quả tốt hơn nhiều. Cụ thể là lượng ôxy đo được vào thời điểm tới hạn là 6 giờ sáng trong ngày có nhiều mây là 4,4 phần triệu (ppm) đối với ao sử dụng máy sục khí cánh quạt dài. Trong khi đối với ao đối chứng không dùng máy sục khí là 3,4 ppm.

Chi phí

Mỗi ao nuôi cỡ 1 ha, chi phí để đặt hệ thống sục khí dạng máy nén khí gồm 1 máy nén, 1 môtơ, 1 bộ khởi động, hệ thống ống dẫn, ống thông khí E-Rô-Týp, cọc và dây, các thiết bị phụ khác và công lao động là khoảng 21.700 rupi ấn Ðộ. Chi phí điện cho một chu trình nuôi trong vòng 120 ngày là 28.300 rupi.

Chi phí trang bị cho hệ thống sục khí loại cánh quạt dài gồm 1 guồng quay 12 cánh quạt, 1 môtơ, phao, trục bánh xe khoảng 53.700 rupi. Chi phí điện cho một chu trình nuôi là 79.200 rupi.

Tổng chi phí điện nếu chạy kết hợp cả hai loại máy trên là 107.500 rupi. Chi phí này có thể được bù đắp lại bằng sản lượng tăng cao hơn. (46 rupi xấp xỉ 1 USD).

Kết luận

Ấn Ðộ là một trong 3 nước nuôi tôm có sản lượng cao đứng đầu thế giới. Ngoại trừ giai đoạn 1995-1996, sản lượng tôm bị giảm nhẹ do tôm bị dịch bệnh, qua đó họ đã thu được những bài học kinh nghiệm để tăng cao sản lượng cho những năm sau này. Sản lượng tôm nuôi của ấn Ðộ luôn tăng trưởng vững chắc từ 35.000 tấn năm 1990-1991 lên 97.096 tấn 2000-2001.

Sự tăng trưởng này không chỉ do diện tích nuôi đã tăng từ 65.100 ha năm 1990-1991 đến 141.837 ha năm 2000-2001 mà còn do các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm được ứng dụng ở nhiều vùng trong cả nước. Hệ thống nuôi tôm bao gồm các vấn đề nâng cao quản lý nuôi, cân bằng dinh dưỡng, sử dụng thuốc chữa bệnh hợp lý và sục khí tốt. Trong đó, giải pháp sử dụng kết hợp cả hai loại hình sục khí trong cùng một ao đã có nhiều hứa hẹn đối với nghề nuôi thuỷ sản.


Vai Trò Oxy Trong Ao Nuôi Cá Vai Trò Oxy Trong Ao Nuôi Cá Giảm Giá Thành Thức Ăn Nuôi Thủy Sản Giảm Giá Thành Thức Ăn Nuôi Thủy Sản