Hiệu Quả Kinh Tế Từ Cây Khoai Tây Trên Đất Cải Tạo Tái Canh Cà Phê
Hiện nay, đối với những diện tích cà phê già cỗi đang trong giai đoạn nhổ bỏ chuẩn bị tái canh, người sản xuất phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc ổn định đời sống vì thiếu hụt nguồn thu nếu không có giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Vì thế, việc phát triển sản xuất cây khoai tây giống Atlantic trên đất cải tạo tái canh cà phê là một biện pháp hữu hiệu đã và đang triển khai tại TP. Buôn Ma Thuột.
Thực hiện mục đích phát triển và xây dựng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến khoai tây lâu dài và ổn định trên đất tái canh cà phê, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân tại Dak Lak (từ 2014 - 2020, mỗi năm tỉnh ta có trên 3.800 ha cà phê già cỗi phải nhổ bỏ để tái canh), vụ đông xuân 2013 - 2014 tại xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam đã tiến hành trồng thí điểm thành công 4,5 ha khoai tây giống Atlantic có đặc tính sinh trưởng mạnh, hàm lượng chất khô trong củ cao, đường khử thấp, có khả năng kháng bệnh, kháng virus, có các đặc tính di truyền tốt với năng suất đạt 2,6 tấn/ha và hiệu quả kinh tế đạt hơn 100 triệu đồng/ha (thời gian sinh trưởng và phát triển từ 85 - 95 ngày).
Vụ đông xuân năm 2014 - 2015, Công ty PepsiCo Việt Nam đã tiếp tục ký hợp đồng với nông dân, đầu tư phát triển mở rộng diện tích khoai tây và bao tiêu sản phẩm (đầu tư giống, phân hóa học, kỹ thuật và thu mua với giá loại I là 8.100 đồng/kg, loại II giá 4.000 đồng/kg - loại I thường chiếm từ 85 - 90% sản lượng). Người nông dân đầu tư công lao động, những vật tư phát sinh và hưởng 100% giá trị sản phẩm.
Với 26 ha đất tái canh cà phê tại xã Hòa Thuận và Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đang trồng khoai tây giống Atlantic (hiện thời kỳ ra hoa rất tốt) sẽ giúp nông dân nơi đây có một nguồn thu đáng kể. Mặc dù nguồn gốc của khoai tây từ ôn đới, nhưng khoai tây giống Atlantic chẳng những thích nghi mà còn phát huy năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên vùng cao nguyên nhiệt đới.
Theo ước tính của Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, chỉ cần năng suất bình quân 22 tấn/ha (sau 90 ngày trồng), trừ tất cả các chi phí đầu tư và công lao động (công lao động tính 15 triệu đồng/ha) nông dân có thu nhập trung bình gần 95 triệu đồng/ha trong vụ đông xuân này.
Theo anh Trương Ngọc Sơn (thôn 6, xã Hòa Thuận), từ tháng 11-2014, gia đình anh đã làm hợp đồng với Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam trồng 0,5 ha khoai tây. Hiện khoai tây của gia đình anh đang trong giai đoạn ra hoa, hình thành quả non; anh dự kiến với đà sinh trưởng tốt như hiện tại, vụ mùa này anh sẽ thu hoạch năng suất ước tính 25 tấn/ha, sau khi trừ các khoản đầu tư, sẽ có thu nhập được khoảng từ 50 - 60 triệu đồng trên 0,5 ha.
So với các loại cây trồng ngắn ngày khác như: đậu, ngô, củ cải… mà nông dân thường sản xuất trước đây trên những diện tích đất tái canh cà phê, thì hiệu quả kinh tế từ cây khoai tây cao gấp từ 2 - 3 lần. Một điều thuận lợi nữa đối với nông dân là thời vụ thích hợp cho khoai tây tại TP. Buôn Ma Thuột (tháng 11 đến tháng 2 năm sau) cũng là lúc thời vụ không phù hợp đối với các loại cây trồng khác nên đất thường bỏ trống nếu không trồng khoai tây.
Có thể khẳng định, khoai tây là loại cây trồng ngắn ngày đang cho thu nhập cao trên đất cải tạo tái canh cà phê, vì thế nếu được phát triển mở rộng diện tích khoai tây trên vùng đất này trong những năm tới sẽ mở ra một xu hướng tốt về giải pháp “lấy ngắn nuôi dài” cho nông dân sản xuất cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và Dak Lak nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ