Hiệu Quả Từ Cây Tiêu Trên Đất Gò Đồi Hoài Tân (Bình Định)
Những năm qua, có trên trăm hộ dân ở xã Hoài Tân (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã đầu tư xây dựng những trang trại trồng tiêu khá quy mô, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực...
Theo ông Trần Giao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Tân, đến nay trên địa bàn xã có hơn 120 hộ trồng tiêu với tổng diện tích trên 26 ha; tập trung nhiều nhất là các vùng gò đồi ở thôn Giao Hội 1, Giao Hội 2 và Đệ Đức 1, trong đó có khoảng 65% diện tích tiêu từ 3 đến 10 năm tuổi.
Từ năm 2009 đến nay, cây tiêu đã giúp cho hàng chục hộ nông dân ở đây có mức thu nhập trung bình hàng năm từ 50 đến 80 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Chấp, ở xóm 3 thôn Đệ Đức 1 là người đầu tiên đưa các giống tiêu năng suất cao về trồng trên những vùng đất gò đồi cằn cỗi ở quê nhà. Nhờ sự quyết tâm và lòng kiên trì anh đã từng bước “buộc”giống cây vốn chỉ thích hợp với đất bazan này đơm hoa, kết trái.
Đến thăm nhà anh, nhìn hàng trăm cột tiêu thẳng tắp, xanh mơn mởn khó ai có thể hình dung được rằng, hơn mười năm trước, vùng gò đồi khô cằn này chỉ toàn là những cây gai dại.
Anh Chấp chia sẻ: Trước khi về quê lập nghiệp, tôi đã có một thời gian dài lên Tây Nguyên làm thuê, chủ yếu là làm công cho các trang trại cà phê và hồ tiêu. Theo anh Chấp, thời điểm vất vả nhất khi trồng tiêu là giai đoạn tiêu còn non.
Mặt khác, cái khó của việc trồng tiêu trên đất cằn là nước rất nhanh rút, nên phải tưới nước nhiều lần, thì mới đủ độ ẩm để kích thích cây tiêu bén rễ và bám vào trụ. Với vùng đất khô cằn đầy sỏi đá này, anh cũng như rất nhiều hộ dân trồng tiêu hiện nay ở Hoài Tân đều sử dụng trụ bằng gạch xây hình chóp tròn có đường kính đáy 60 cm, cao từ 2,5 đến 3 m.
Phần rỗng bên trong trụ được dồn bằng phân chuồng hoai mục trộn lẫn với xơ hoặc cám dừa; khi tưới, nước sẽ ngấm vào loại vật liệu này giúp giữ được độ ẩm lâu hơn.
Hiện gia đình anh Chấp sở hữu gần 600 gốc tiêu với nhiều độ tuổi, trong đó 300 gốc 10 năm tuổi cho thu hoạch thường xuyên hàng năm từ 600 đến 800 kg, còn lại 300 gốc từ 2 đến 5 năm tuổi đã cho thu hoạch từ 200 đến 300 kg/năm.
Anh Chấp cho biết: Từ năm 2005 đến 2013, giá tiêu luôn ổn định ở mức 120 - 130 ngàn đồng/kg, gia đình tôi có thu nhập bình quân hàng năm khoảng 80 triệu đồng. Riêng năm 2014 giá tiêu tăng đến 180 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lại hơn 100 triệu đồng.
Nằm sát Đệ Đức 1 là thôn Giao Hội 2 cũng có trên 30 hộ trồng tiêu, quy mô và hiệu quả nhất là gia đình anh Bùi Cường, anh cũng là một trong những điển hình về việc cải tạo đất trồng tiêu, vượt khó làm giàu. Sau nhiều năm trút hết vốn liếng, mồ hôi công sức vào vườn tiêu, đến nay anh đã có trên 1.000 gốc tiêu; từ năm 2010 đến nay, năm nào gia đình anh cũng có thu nhập từ 120 đến 140 triệu đồng từ bán tiêu hạt và tiêu giống.
Ngoài ra, ở Hoài Tân cũng còn hàng chục hộ có thu nhập thêm hàng năm từ 60 - 80 triệu đồng từ vườn tiêu, như hộ ông Nguyễn Tá ở Đệ Đức 1, Trần Chất, Trần Ngọc Lãnh ở Giao Hội 1; Bùi Văn Trai, Nguyễn Văn Bảy ở Giao Hội 2…
Ông Trần Giao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Tân, cho biết: Để cây tiêu trở thành loại cây trồng mũi nhọn, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, hạn chế những rủi ro khi chuyên canh loại cây này, Hội Nông dân xã Hoài Tân vừa thành lập câu lạc bộ trồng tiêu gồm 35 thành viên tham gia ban đầu.
Câu lạc bộ trồng tiêu có mục đích giúp những người trồng tiêu có cơ hội học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, đầu tư phát triển cây tiêu đạt năng suất, hiệu quả hơn.
Câu lạc bộ đã giới thiệu các thành viên tham gia lớp học trồng tiêu 3 tháng do Trung tâm dạy nghề Miền Trung hướng dẫn kỹ thuật. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cho một số nông dân điển hình đi tham quan các mô hình trồng tiêu ở Tây Nguyên để học hỏi kinh nghiệm, nhằm giúp nghề trồng tiêu ở địa phương phát triển bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ