Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Trồng Cỏ Nuôi Bò Ở Thôn Bắc Bình

Hiệu Quả Từ Trồng Cỏ Nuôi Bò Ở Thôn Bắc Bình

Ngày đăng 06/11/2014

Hiệu Quả Từ Trồng Cỏ Nuôi Bò Ở Thôn Bắc Bình

Giới thiệu mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt tại thôn Bắc Bình, Cam Tuyền, Cam Lộ

Vùng đất trồng cỏ bây giờ vốn là vùng trồng màu trọng điểm của thôn Bắc Bình. Đất gần sông nên khá màu mỡ, vì vậy khi thầy trò Trường Đại học Nông lâm Huế về vận động người dân thí điểm dự án trồng cỏ nuôi bò trên vùng đất này thì dân ở đây không đồng tình.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất đã minh chứng thổ nhưỡng vùng Rào Lấp phù hợp trồng màu nhưng để canh tác hiệu quả đòi hỏi nông hộ phải có sức lao động và nhiều khi phải chấp nhận rủi ro vì giá cả hoa màu khá bấp bênh. Sau 2 năm tích cực tuyên truyền và thí điểm làm dần của thầy trò Trường Đại học Nông lâm Huế, hiện nay cánh đồng cỏ Rào Lấp trở thành nguồn thức ăn phục vụ khoảng 200 con bò thôn Bắc Bình.

Từ khi trồng được cỏ, người dân Bắc Bình chuyển sang nuôi bò nhốt thay cho hình thức chăn thả rông truyền thống. Thời gian chăn nuôi bò chỉ còn làm tranh thủ nhưng lợi nhuận thì tăng gấp 7 - 8 lần so với phương thức chăn nuôi trước.

Tính toán của người dân ở đây cho thấy, trung bình mỗi tháng chăn nuôi bò như hiện nay nông dân Bắc Bình lãi ròng 1 triệu đồng. Nếu tính trên diện tích, công lao động thì không cây, con gì đem lại lợi nhuận hơn nuôi bò. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn nên hiện toàn thôn Bắc Bình có 70 hộ chuyển sang chăn nuôi bò thâm canh.

Cỏ trồng được không chỉ là nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi bò nhốt trong thôn mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa. Đến thời điểm này, vùng cỏ Rào Lấp đã cung cấp cho thị trường 30 tấn cỏ giống bán cho các địa phương trong tỉnh với giá 4 triệu đồng/tấn.

Trồng cỏ nuôi bò không chỉ nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, người dân Bắc Bình đang hướng đến việc xây dựng vùng cỏ giống hàng hóa; cải tạo chất lượng đàn bò theo hướng lai sin để vươn lên làm giàu.

Từ khi chuyển đổi đất trồng màu sang trồng cỏ nuôi bò, người dân Bắc Bình đã thay đổi tập quán sản xuất. Nếu trước đây việc chăn nuôi bò thường theo kiểu lấy công làm lãi, không biết ngày nào bán và khi bán cũng không biết lời lãi bao nhiêu thì bây giờ ở Bắc Bình nhà nào nuôi bò cũng có hoạch toán lợi nhuận.

Tại hội trường thôn Bắc Bình, bảng ghi chép diễn biến tăng trọng bò đối chứng giữa các hộ được cập nhật hàng tuần, các công thức phối trộn thức ăn vỗ béo bò thâm canh, bò sinh sản, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... cũng được các hộ công khai dán tại hội trường thôn.

Ông Thái Ngọc Quế (84 tuổi), Trưởng làng Bắc Bình cho biết: “Trồng cỏ không chỉ cho bò ăn, lợi nhuận không chỉ ở con bò, nguồn phân xanh phục vụ sản xuất mà thời gian qua người trồng cỏ Bắc Bình đã thu về 120 triệu đồng từ việc bán giống cỏ. Nếu quy đổi số tiền này ra sản phẩm trồng màu thì với giá thị trường hiện nay số tiền ấy tương đương 6 tấn lạc.

Để làm ra khối lượng lạc này không dễ, tốn rất nhiều công sức, sản phẩm làm ra lại phụ thuộc thời tiết, giá cả thị trường như năm nay chẳng hạn người trồng lạc Cam Lộ đều mất mùa vì hạn hán nhưng trồng cỏ thì không cần chăm bón, vun trồng gì nhiều cỏ vẫn tốt. Người Bắc Bình đang hướng đến một vùng sản xuất cỏ giống chuyên canh.”.

Được sự hỗ trợ tích cực của thầy trò Trường Đại học Nông lâm Huế, việc chuyển đổi đất trồng màu sang trồng cỏ chăn nuôi bò thâm canh ở Bắc Bình không chỉ mang lại lợi nhuận về kinh tế mà còn tạo ra được đội ngũ những lão nông tri điền được đào tạo bài bản về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt theo hướng chuyên canh, hiệu quả cao.


Báo Chí Nga Viết Về Kinh Tế Việt Nam Báo Chí Nga Viết Về Kinh Tế Việt… Người Dân Phấn Khởi Vì Sắn Được Mùa, Được Giá Người Dân Phấn Khởi Vì Sắn Được Mùa,…