Hợp tác công - tư để phát triển cà phê bền vững
Một nông dân trồng cà phê nằm trong dự án Nestlé Plan được chọn làm điểm tham quan thực tế của Bộ NN&PTNT. Ảnh: NH
Việt Nam phải tái canh 120.000 ha cà phê trong những năm tới và làm sao vẫn giữ được sản lượng ổn định, để giá trị xuất khẩu không sút giảm đang là bài toán mà ngành nông nghiệp đang đi tìm và lời giải ở đây là áp dụng mô hình hợp tác công - tư giữa doanh nghiệp và nhà nước, nông dân.
Phải thay đổi cách làm để tăng giá trị xuất khẩu
Nhân sự kiện ngày cà phê Việt Nam (10-12) tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kết hợp với các bên liên quan đã tổ chức hai hội thảo là thời kỳ phát triển mới của ngành hàng cà phê và hội thảo mở rộng mô hình hợp tác hiệu quả, liên kết chuỗi và phát triển bền vững kinh nghiệm thực tiễn từ ngành hàng cà phê.
Mục đích của hai hội thảo này là phân tích một cách tổng quan những mặt mạnh, hạn chế của ngành cà phê Việt Nam và đưa ra một mô hình phát triển bền vững dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, Việt Nam sẽ không tăng diện tích, thậm chí là phải giảm diện tích trồng cà phê ở những nơi không phù hợp. Theo ông, giá trị xuất khẩu cà phê (nhân) của Việt Nam chỉ ở mức 3,4 tỉ đô la Mỹ/năm. Tuy nhiên, chỉ nếu dựa vào xuất khẩu cà phê nhân thì trong những năm tới lượng ngoại tệ thu về khó có thể tăng lên được, vì thế, phải đầu tư vào hướng phát triển giá trị gia tăng.
Ông Cường dẫn ra, thị trường cà phê thế giới có giá trị 500 tỉ đô la mỗi năm, nên Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng giá trị cho ngành hàng cà phê. Ngoài ra, với dân số 100 triệu người nên nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng là một cơ hội.
Thực ra, phát triển giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê là mục tiêu dài hạn mà ở đó doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ chính sách, nguồn vốn thì mới làm được. Song, vấn đề hiện nay mà ngành cà phê Việt Nam đang cần phải làm là phải thay đổi quy trình trồng, chăm sóc cà phê để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận để bù vào sự sụt giảm sản lượng từ diện tích cà phê phải tái canh.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong vài năm tới, Việt Nam cần tái canh khoảng 120.000 ha cà phê. Hiện năng suất trung bình vào khoảng 2,5 tấn/héc ta. Và khi tái canh, khoảng 3 năm tiếp theo vườn cà phê sẽ không cho thu hoạch. Như vậy, về lý thuyết, một héc ta khi tái canh trong ba năm sẽ mất đi 7,5 tấn cà phê. Tính ra, mỗi năm, sản lượng cà phê giảm do tái canh vào khoảng 300.000 tấn.
Với một nước đứng thứ hai thế giới về cà phê khi chiếm 17% sản lượng cà phê toàn cầu mà trong đó, hơn 90% là xuất khẩu thì việc giảm sản lượng, chắc chắn lượng ngoại tệ thu về sẽ giảm theo là không tránh khỏi. Do đó, vừa có thể thực hiện tái canh cà phê, vừa không giảm tổng sản lượng toàn ngành đang là bài toán của ngành nông nghiệp.
Giải quyết bài toán này, ông Cường cho rằng, còn đường để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững là đi theo hướng hợp tác công - tư (PPP). Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu ngành nông nghiệp phát biểu như vậy. Vì thực tế, những dự án PPP đang tiến hành lâu nay đã nâng cao thu nhập cho nông dân trồng cà phê mà còn đảm bảo môi trường cạnh tác bền vững do sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4C để xuất khẩu vào EU. Hiện EU đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Cần nhiều hơn các công ty tham gia
Hợp tác công tư trong lĩnh vực cà phê tính đến nay còn khá ít vì chỉ có Nestlé Việt Nam, còn gần như chưa có công ty FDI lẫn công ty trong nước nào áp dụng mô hình này.
Dự án Nestlé Plan được Công ty Nestlé Việt Nam triển khai ở các tỉnh Tây Nguyên từ 2011. Mục đích của dự án là nhằm mục tiêu phát triển cánh tác cà phê bền vững, không những nâng cao năng suất, chất lượng cũng như nâng cao thu nhập của nông dân.
Kết quả, dự án Nestlé Plan đã giúp nông dân tăng năng suất lên 17%, thu nhập bình quân của nông dân tăng 14% nhờ tiết kiệm nước tưới nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng nước cho cây cà phê. Lượng nước tiết kiệm là nhờ giảm lãng phí theo cách tưới nước lâu nay.
Trong 8 năm của dự án hợp tác công - tư, Nestlé Việt Nam đã tập huấn cho 200.000 nông dân, hỗ trợ 20 triệu cây giống để tái canh 20.000 ha cà phê già cỗi. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, dự án của Nestlé Việt Nam chỉ mới chỉ chiếm 17% diện tích cà phê cần tái canh. Như vậy, để ngành cà phê phát triển bền vững, không sụt giảm sản lượng thì cần nhiều hơn các dự án hợp tác công - tư.
Theo ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, hợp tác công - tư là một mô hình hợp tác khá phổ biến ở trên thế giới và không giới hạn số lượng công ty tham gia dù đó là công ty có quy mô lớn hay một công ty nhỏ. Do đó, trong bối cảnh ngành cà phê Việt Nam hiện nay, hợp tác công - tư cần nhiều hơn nữa các công ty tham gia.
Về phía mình, thông qua hai hội thảo nói trên, cùng với việc mời các doanh nghiệp trong ngành đi tham quan thực tế từ các hộ dân trong dự án của Nestlé Việt Nam, Bộ NN&PTNT kỳ vọng, thời gian tới, sẽ có nhiều hơn các công ty có dự án hợp tác công - tư để hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác mới nhằm tạo ra những sản phẩm có chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, nhất là EU.
Suy cho cùng, muốn tăng giá trị từ hạt cà phê, điều đầu tiên, Việt Nam phải tạo ra được những sản phẩm có chứng chỉ như 4C, Rainforest… Để có những chứng chỉ này thì cần doanh nghiệp tham gia vào để “tập huấn” kỹ thuật cho nông dân trồng, chăm sóc cà phê theo những tiêu chí nói trên thay vì để nông dân trồng và thu hái cà phê theo kinh nghiệm lâu nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ