Mô hình kinh tế Hợp tác xã là nền tảng phát triển sản xuất

Hợp tác xã là nền tảng phát triển sản xuất

Ngày đăng 24/11/2015

Hợp tác xã là nền tảng phát triển sản xuất

Để chia sẻ kinh nghiệm và thêm thông tin tham khảo cho bạn đọc, xin giới thiệu tóm tắt bài viết nghiên cứu của thạc sĩ Ngô Tất Thắng - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban điều hành OCOP Quảng Ninh.

Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (tiếng Anh là One Commune One Product, viết tắt là OCOP) là mô hình được Quảng Ninh học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm – OVOP” của Nhật Bản và OTOP của Thái Lan.

Phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ XX.

Đến nay đã có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ học tập và triển khai thành công.

Chương trình OCOP thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác.

Ba mục tiêu chính của OCOP

Chương trình OCOP của Quảng Ninh có 3 mục tiêu chính: Một là thực hiện phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác...) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Hai là, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ba là, thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn Quảng Ninh.

Trong chương trình này, Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: Đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ thực hiện các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá marketing sản phẩm, xây dựng các kênh phân phối sản phẩm…

Còn người dân đóng vai trò chính trong sân chơi này, họ là nhà sản xuất, tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm nào có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng nhất theo quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình.

Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của sản phẩm được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến và bảo quản đã được giám định kỹ lưỡng, mà phải làm thế nào tạo ra được ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong hành vi của mỗi hộ sản xuất.

Ngoài ra, nó còn thể hiện ở nghệ thuật bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng.

Để có sự thành công của sản phẩm, yếu tố quan trọng của người sản xuất sản phẩm nhất định là tổ chức kinh tế (vì tổ chức kinh tế là doanh nghiệp, HTX sẽ tổ chức sản xuất có hệ thống về quản lý, chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm).

Chính vì vậy, mục tiêu quan trọng thứ nhất của Chương trình OCOP chính là “Thực hiện phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác...)”.

Trên cơ sở đó, Chương trình OCOP xác định rõ vai trò của các chủ thể là các tổ chức kinh tế và tập trung vào phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và HTX.

HTX - nền tảng phát triển sản xuất sản phẩm OCOP

Ngày 26.5.2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 03/2014 hướng dẫn đăng ký HTX và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã.

Như vậy, cùng với Luật HTX ngày 20.11.2012; Nghị định 193/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật HTX, khung pháp lý cho HTX ra đời và hoạt động đã đầy đủ và rất thông thoáng.

Với khung pháp lý nêu trên, Chương trình OCOP tập trung vào khuyến khích phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP thông qua tổ chức HTX có vai trò và ý nghĩa về mặt thực tiễn hiện nay.

Thứ nhất, HTX là một tổ chức để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn bằng các mối quan hệ của các thành viên không hạn chế về địa bàn và pháp nhân.

Các thành viên là cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn dễ dàng mời gọi đối tác là họ hàng, bạn bè, pháp nhân ở ngoài xã, ngoài huyện, ngoài tỉnh góp vốn hợp tác sản xuất kinh doanh, đồng thời dễ thực hiện việc phân phối, lưu thông sản phẩm ra ngoài địa bàn nông thôn.

Thứ hai, HTX là chủ thể thực hiện phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, theo quy hoạch trên cơ sở khai thác tài nguyên đất đai có sẵn của các thành viên nằm trong vùng quy hoạch sản xuất tập trung hoặc trên địa bàn nông thôn.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã hoàn thành 100% quy hoạch nông thôn mới, trong đó có quy hoạch sản xuất của từng xã.

Một số HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP đã lập xong quy hoạch chi tiết vùng như HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (Đông Triều), HTX Dược liệu xanh Đông Triều, HTX Mật ong Thống Nhất (Hoành Bồ), HTX Song Lan (Móng Cái)...

Ngành y tế đang hoàn thiện quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2030; UBND các địa phương đã hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến 2020, định hướng đến 2030.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, về ứng dụng KHCN, về khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Các chính sách trên đang là động lực quan trọng cho sản xuất sản phẩm OCOP đáp ứng về số lượng và chất lượng.

Thực hiện tốt nội dung này, các địa phương sẽ giảm được công sức kêu gọi, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà tập trung thực hiện hỗ trợ các HTX ngay tại địa bàn.

Thứ ba, HTX tại các địa bàn sẽ thu hút và giải quyết được lực lượng lao động tại chỗ thông qua việc tổ chức sản xuất sản phẩm, dịch vụ OCOP cụ thể đã được Chương trình OCOP chấp thuận bằng sự hợp tác sản xuất của chính các thành viên trong HTX.

Thứ tư, HTX trở thành chủ nhân công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

Thứ năm, khi phát triển các HTX tham gia sản xuất sản phẩm, dịch vụ OCOP, việc thực hiện hỗ trợ của Nhà nước hình thành nên tài sản chung của HTX sẽ có lợi cho cả Nhà nước và HTX, từng bước giảm việc hỗ trợ trực tiếp đối với nông hộ - vốn gây nên sự ỷ lại của nông dân; HTX sẽ ràng buộc được các thành viên trong tổ chức sản xuất bởi quyền lợi của họ được hỗ trợ thông qua HTX.

Việc thực hiện thành lập và hỗ trợ HTX phát triển hết sức có ý nghĩa trong Chương trình OCOP nói riêng và phát triển kinh tế- xã hội nói chung, nhất là phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Với các bước đi theo chu trình OCOP đã đề ra, phát triển sản phẩm từ ý tưởng, đến hỗ trợ thành lập HTX và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho các HTX, Chương trình OCOP đã từng bước xây dựng, hình thành các HTX, các dự án và đang thực hiện sản xuất sản phẩm đưa Chương trình OCOP phát triển thành nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh.

Sau gần 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đã có 35 HTX/ 92 tổ chức kinh tế, tổ hợp tác tham gia, để sản xuất 70/120 sản phẩm, dịch vụ OCOP, trong đó có 25 HTX được thành lập mới.


Trồng nấm dễ học, nhanh có thu nhập Trồng nấm dễ học, nhanh có thu nhập Tăng giá thu mua, nhà máy đường vẫn lo thiếu mía Tăng giá thu mua, nhà máy đường vẫn…