Hướng mở cho sản phẩm cá cơm
Quỳnh Lập là xã ven biển có diện tích 2.208 ha, dân số 10.500 nhân khẩu với hơn 70% dân số sống bám biển.
Hiện toàn xã có 213 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó hơn 1/2 là phương tiện đánh bắt xa bờ.
Năm 2014, sản lượng khai thác thủy sản toàn xã đạt 25.450 tấn, giá trị 124,5 tỷ đồng.
Sản lượng khai thác cá cơm lớn, đã tạo điều kiện cho nghề chế biến cá cơm khô xuất khẩu trên địa bàn phát triển.
Một cơ sở sản xuất cá cơm khô trên địa bàn xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai).
Trước đây, người dân chế biến cá theo cách thủ công là phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Nghĩa là vào những tháng mưa, cá không phơi phong, bảo quản gì được.
Vì hạn chế đó, năm 2010, một số hộ dân đã đầu tư xây dựng lò hấp cá với dây chuyền khép kín.
Sau khi tàu cập bến, cá sẽ được chuyển thẳng đến các lò và chế biến theo quy trình công nghệ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm làm ra chủ yếu được xuất khẩu, giá trị được nâng cao, nên sản lượng cá cơm liên tục tăng trong những năm qua.
Ông Trần Ngọc Chủng là một trong những người tiên phong trong xây dựng cơ sở chế biến, hấp sấy cá cơm trên địa bàn xã, với công suất 7 - 10 tấn cá/ngày, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương ổn định trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Chủng cho biết: “Sản lượng cá lớn nhưng ngư dân phải vất vả mang đi Thanh Hóa, Hải Phòng tiêu thụ, nên lợi nhuận thấp.
Vì thế, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, hấp sấy cá cơm khô để giải quyết đầu ra”.
Từ khi các lò hấp sấy cá ra đời đã giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động nhàn rỗi ở Quỳnh Lập.
Trung bình, mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động, vào thời vụ lên đến 100 lao động.
Ông Lê Bá Vân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết: Những năm gần đây, nghề chế biến cá cơm xuất khẩu là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, hàng năm tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi, đặc biệt là phụ nữ với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
Mặc dù được đánh giá là nghề chủ lực trong phát triển kinh tế, nhưng hiện tại người dân Quỳnh Lập đang gặp không ít khó khăn.
Trên địa bàn xã có 7 cơ sở chế biến cá cơm khô xuất khẩu, song các cơ sở này còn nhỏ lẻ, phát triển mang tính tự phát, hạn chế trong huy động vốn và kho chứa.
Mặt khác, đầu ra cho sản phẩm hiện phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc nên thường được mùa cá thì rớt giá, ngư dân phải bán lỗ.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty CP thương mại - dịch vụ thủy sản Thái Bình Dương chia sẻ: Quỳnh Lập thuận lợi về nghề biển, nguồn nguyên liệu phong phú, nhất là cá cơm.
Tuy nhiên, do chưa xây dựng được thương hiệu vùng, miền, nhất là phấn đấu phát triển thành làng nghề, nên sản phẩm chỉ bán chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.
Cũng do chưa có hiệp hội, chưa có thương hiệu nên sản phẩm cá cơm khô của Quỳnh Lập thường bị thương lái ép giá.
Về tiêu thụ nội địa và các thị trường khác thì chưa được khai thác...
Theo ông Thái, điều cần nhất để sản phẩm cá cơm trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương là phải có sự đầu tư đúng mức.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ người dân trong xây dựng được thương hiệu cá cơm khô Quỳnh Lập; từ đó khuyến khích được ngư dân vươn khơi khai thác tốt tiềm năng biển.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ