Hướng Phát Triển Chăn Nuôi Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trong tỉnh Khánh Hòa đã tận dụng diện tích đất vườn để xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi heo rừng. Tuy nhiên, khác với cách nuôi heo thịt của những hộ đi trước đã làm, gia đình chị Lê Thị Nhịn ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã chọn hình thức nhân giống và cung cấp con giống cho những hộ nuôi xung quanh. Ít tốn chi phí chăm sóc nhưng lại thu về lợi nhuận tương đối cao, mô hình nhân giống heo rừng đang được xem là nghề chăn nuôi mới, mang lại nhiều triển vọng cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Trên diện tích đất triền đồi khoảng 1.000 mét vuông, đầu năm 2007, gia đình chị Lê Thị Nhịn ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh đã đầu tư gần 25 triệu đồng để mua một con đực heo giống Mã Lai. Do chú trọng vào việc nhân giống heo rừng nên theo chị Nhịn, việc đầu tư này là hoàn toàn hợp lý, bởi chỉ cần mua thêm vài con cái thuộc giống heo rừng địa phương là có thể cho sinh sản. Ban đầu chỉ với một heo nái và một con đực giống, nhưng đến nay, tổng đàn heo rừng của gia đình chị đã lên tới cả chục con; trong đó có khoảng 8 con heo nái cho sinh sản.
Thông thường đối với heo rừng, trong 2 năm cho sinh sản 5 lứa và bình quân mỗi lứa từ 8 – 10 heo con. Với giá bán khoảng 1 triệu đồng/con giống (7-8kg), mô hình nhân giống và cung cấp con giống heo rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện đời sống của gia đình chị.
Chị Lê Thị Nhịn cho biết: "Ở đây thứ nhất là đất rộng, thứ hai là tôi thích chăn nuôi. Cứ một lứa vậy khoảng 70 con heo con thì khoảng 70 triệu đồng, nhưng trong đó khoảng 20% heo nhỏ không đồng loạt nên thu nhập bình quân khoảng 50 triệu/lứa".
So với cách chăn nuôi theo kiểu thương phẩm để lấy thịt, việc nhân giống heo rừng ít tốn chi phí chăm sóc và người nuôi chỉ cần đầu tư xây dựng chuồng trại lúc ban đầu. Chuồng nuôi heo rừng được thiết kế rất đơn giản bằng cách xây tường xi măng cao khoảng 1 m, phía trên lợp tôn hoặc tàu dừa tạo độ thông thoáng để có chỗ cho heo tránh mưa tránh nắng. Heo rừng là loài động vật hoang dã, sinh trưởng ở môi trường tự nhiên nên phần diện tích làm chuồng nuôi cần rất ít, chủ yếu tạo không gian rộng rãi để heo dễ dàng thích nghi. Xung quanh nên bao bọc bằng lưới B40 và có cửa mở ra vào chắc chắn để hạn chế heo húc đổ ngã, thất thoát ra ngoài.
Là đối tượng dễ nuôi nên thức ăn của heo rừng cũng rất đơn giản, bà con có thể tận dụng các loại củ mì, bắp khô, thân cây chuối, cỏ hoặc cây trái trong vườn để cho heo ăn. Chị Lê Thị Nhịn chia sẻ: "Tôi thấy nhẹ nhàng hơn nuôi heo trắng nhiều. Nguồn thức ăn ở đây gia đình có thể tận dụng, với lại rau cỏ không tốn kém nhiều. Dịch bệnh thì không có, rất ít".
Vùng đất mà gia đình chị Nhịn tận dụng để nuôi heo rừng là đất đồi, tập trung nhiều khối đá lớn rất khó để canh tác các loại cây ăn trái. Tuy nhiên địa thế này lại phù hợp với việc nuôi heo rừng như điều kiện bên ngoài tự nhiên, giúp heo nhanh thích nghi và dễ dàng sinh trưởng.
Ông Nguyễn Văn Tạnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Phú, huyện Diên Khánh nhận xét: "Phải nói đây là một mô hình rất khả quan của gia đình cô Nhịn. Từ đầu năm 2007 thấy địa thế này thì gia đình cũng có ý tưởng nuôi heo rừng nên cũng nhờ Hội Nông dân giúp đỡ về con giống. Hội đứng ra tín chấp cho hộ vay 20 triệu để mua giống. Đến hôm nay phát triển rất tốt, rất khả quan. Nếu gia đình nào có điều kiện như thế này thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ để nhân rộng cho nông dân".
Hiện nay, xu hướng nuôi heo rừng nông hộ ngày càng phát triển mạnh nên đầu ra tiêu thụ con giống cũng khá thuận lợi. Đây chính là điều kiện tốt để mô hình nhân giống heo rừng tiếp tục được triển khai và nhân rộng ở những hộ gia đình có vườn nhà, vườn cây lâu năm và đặc biệt là vườn rừng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ