Mô hình kinh tế Ia Grai Đầu Tư Nuôi Cá Nước Ngọt Ở Ia Bă

Ia Grai Đầu Tư Nuôi Cá Nước Ngọt Ở Ia Bă

Ngày đăng 15/12/2014

Ia Grai Đầu Tư Nuôi Cá Nước Ngọt Ở Ia Bă

Xã Ia Bă từ lâu được xem là mảnh đất có nhiều tiềm năng trong việc nuôi cá nước ngọt theo hình thức quảng canh của huyện Ia Grai. Thời gian gần đây, mô hình này đang được Hội Nông dân địa phương dành nhiều sự quan tâm, nhằm giúp bà con tiếp tục sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Ia Bă là một xã vùng hai nằm ở phía Bắc huyện Ia Grai với 11 thôn, làng (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,6% tổng số dân). Nền kinh tế của xã có sự phát triển ổn định với cà phê là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính cho người dân bên cạnh các loại cây trồng khác như: cao su, tiêu, điều…

Riêng mô hình thả cá nước ngọt, toàn xã có 23,5 ha diện tích nuôi trồng. Các giống cá gồm: rô phi (lai và địa phương), trắm, mè, cá chép, cá trôi… được bà con trên địa bàn nuôi theo hình thức quảng canh là chủ yếu.

Đầu năm 2013, dự án vay vốn không hoàn lại từ chương trình ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất đã được Hội Nông dân huyện Ia Grai dành ưu tiên cho người nuôi cá ở Ia Bă. Mục tiêu của dự án nhằm đưa nguồn vốn vào đầu tư sản xuất một cách có hiệu quả, giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế hàng năm.

Theo đó, 5 hộ có kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt lâu năm trong xã được chọn để thực hiện dự án với tổng số vốn 350 triệu đồng (trong đó, vốn vay khoa học-công nghệ 100 triệu đồng, còn lại 250 triệu đồng là vốn tự có của các hộ tham gia). Điều này có nghĩa là, mỗi hộ sẽ được vay 20 triệu đồng mà không phải hoàn trả lại.

Anh Trần Hoài Ngọc-chuyên viên Hội Nông dân huyện, người trực tiếp theo dõi dự án, cho hay: Các hộ tham gia có gần chục hecta ao hồ vừa nuôi cá, vừa đảm bảo nguồn nước thuận lợi cho việc tưới tiêu và chăm sóc cà phê. Với nguồn hỗ trợ từ chương trình cộng với vốn tự có của gia đình, các hộ đã tiến hành cải tạo hồ ao, mua cá giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh…

Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với chính quyền địa phương, Trạm Khuyến nông, phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia dự án nói riêng và người dân trên địa bàn xã nói chung. Cũng theo anh Ngọc, sau khi dự án kết thúc, các hộ này sẽ có ao cá kinh doanh bền vững, đảm bảo kinh tế ổn định.

Rời mảnh đất Nam Định vào Gia Lai sinh sống từ năm 1984, đến nay, gia đình ông Phạm Thanh Bình (làng Út 2, xã Ia Bă) đã có gần 30 năm kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt.

Cũng vì lẽ đó, biệt danh “Bình cá” từ lâu đã trở thành tên gọi quen thuộc mà dân làng gần xa dành cho ông. Gia đình có 3 ha hồ ao, được ông chia thành 4 ô. Tại mỗi ô, ông chọn 1 sào, đào sâu xuống khoảng 4-5 mét để nuôi cá con; phần đất còn lại, ông dành để trồng lúa nếp (giống nếp Thanh Hóa cao cây, khỏe mạnh, không phải phun thuốc vì ít sâu, bệnh).

Nói về bí quyết chăn nuôi, ông Bình chia sẻ: “Việc nuôi cá giờ như một thói quen rồi. Hàng năm, cứ tầm cuối tháng 3, tôi bắt đầu mua từ 3-4 tạ cá giống về thả. 2 tháng đầu, tôi cho ăn hoàn toàn cám công nghiệp; khi cá được 3-4 lạng thì dâng nước lên cho bơi ra khu vực trồng lúa để ăn lúa, đồng thời cho ăn thêm cỏ, cám gạo và bột mì sao cho tạo đủ nguồn dinh dưỡng”.

Với lượng cá giống đã thả, mỗi năm, ông Bình thu hoạch được 2-3 tấn cá thương phẩm. Trừ chi phí đầu tư, trung bình lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn gặt thêm được 3 tấn lúa nếp, tăng thêm 40 triệu đồng vào nguồn thu nhập của gia đình.

Tương tự, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy (thôn Phù Tiên, xã Ia Bă) cũng tận dụng 1 ha ao hồ để nuôi cá từ năm 1995. Từ quảng canh, ông Bảy đã chuyển sang nuôi thâm canh từ vài năm trở lại đây, chủ yếu là cá rô phi, trắm cỏ, chép. Lượng nước trong ao, ông tận dụng để tưới cà phê và một số cây trồng khác quanh vườn.

“Nuôi cá rất đơn giản và khỏe sức, mình không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc, lo toan. Trong khi đó, lợi nhuận thu về cũng khá ổn định. Gần đây, nhờ sự quan tâm của Hội Nông dân huyện, chúng tôi được vay vốn để mở rộng mô hình cũng như ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào nuôi cá sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao. Bản thân tôi rất phấn khởi”-ông Bảy vui vẻ cho hay.

Tiềm năng là thế, song trên thực tế, quá trình nuôi cá của người dân trên địa bàn xã cũng gặp một số khó khăn. Đa số ao hồ đều phụ thuộc vào nước trời nên mực nước thiếu ổn định, nhất là vào mùa khô. Chính vì thế, việc duy trì thường xuyên lượng nước để đảm bảo cho đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt là điều chẳng dễ dàng.

Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ vẫn còn khá trầm lắng hay thương lái ép giá càng khiến người chăn nuôi không khỏi lo lắng. “Hiện tại chúng tôi chỉ bán được cho thương lái ở chợ hoặc vài nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện; dân thì mua rải rác để ăn. Nhiều khi số cá kéo lên nhiều nhưng đẩy đi chẳng được bao nhiêu, chúng tôi buộc phải xây thêm hồ để chứa cá, chờ bán dần”- ông Bình bộc bạch.

Nguồn bài viết: http://baogialai.com.vn/channel/722/201412/ia-grai-dau-tu-nuoi-ca-nuoc-ngot-o-ia-ba-2357939/


Hiệu Quả Vốn Vay Hộ Nghèo Ở Hoàng Su Phì Hiệu Quả Vốn Vay Hộ Nghèo Ở Hoàng… Khởi Động Vụ Sản Xuất Đông Xuân 2014-2015 Khởi Động Vụ Sản Xuất Đông Xuân 2014-2015