Mô hình kinh tế Kết thúc đàm phán TPP mừng và lo

Kết thúc đàm phán TPP mừng và lo

Ngày đăng 07/10/2015

Kết thúc đàm phán TPP mừng và lo

Việc thực hiện chỉ còn là vấn đề thời gian. Thế nhưng, bên cạnh niềm hân hoan, cũng còn nhiều lo ngại. Sau đây là một số ý kiến:

Ngành dệt may Việt Nam được đánh giá sẽ có nhiều lợi thế trong TPP.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT HÀ CÔNG TUẤN: Cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp

TPP là một thời cơ lớn cho xuất khẩu nông sản cũng như phát triển nông nghiệp - nông thôn của Việt Nam, nhưng đổi lại thì thách thức, khó khăn cũng không hề nhỏ.

Trong chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác những thị trường truyền thống, và TPP tạo cơ hội để các doanh nghiệp (DN) đưa nông sản Việt Nam vươn ra thị trường có tiềm năng của các nước tham gia hiệp định.

Hiện tại, hơn 90% các mặt hàng đã áp dụng lộ trình giảm thuế suất nhập khẩu, trong đó nhiều mặt hàng đã áp thuế bằng 0% và sắp tới còn thêm nhiều nữa. 

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về sản phẩm chăn nuôi.

Hiện nay, chúng ta hầu như chỉ duy trì mô hình chăn nuôi nông hộ (DN công nghệ cao còn rất ít) thì sản phẩm chăn nuôi sẽ khó cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Trong số hơn 3.500 DN hoạt động trong ngành nông nghiệp (chủ yếu là chăn nuôi) thì số DN có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65%.   

Ông NGUYỄN  HOÀNG  NGÂN, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh: Ngành nhựa cạnh tranh khốc liệt

Thực tế diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy, việc ký kết các hiệp định thương mại của Việt Nam đã thu hút mạnh  dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Riêng trong lĩnh vực ngành nhựa, chỉ tính riêng Tập đoàn SCG của Thái Lan đã đầu tư hơn 30 tỷ USD để đầu tư xây dựng hai nhà máy hóa dầu, chuyên sản xuất nguyên liệu hạt nhựa tại Việt Nam.

Đây cũng là hai dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu nhựa lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này.

Điều này đã khiến cho DN nội thay vì hưởng lợi từ hiệp định còn chưa thấy, đã vấp phải sức cạnh tranh khốc liệt ngay thị trường nội địa. Liệu có DN nội nào có thể cạnh tranh lại với DN Thái Lan sản xuất cùng loại sản phẩm nhựa, khi họ chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Bởi đến nay, toàn bộ nguyên liệu sản xuất ngành nhựa phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Chỉ cần tính chi phí vận chuyển, những biến động tăng giá ngoại tệ, xăng dầu thì giá thành sản phẩm nhựa Việt Nam không thể nào cạnh tranh lại sản phẩm của người Thái. 

Ông LÊ QUANG  HÙNG, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sài Gòn: Ngành dệt may chưa hẳn mừng

Tuy TPP mang lại lợi thế cho sản phẩm may mặc Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%, nhưng điều kiện đi kèm để được hưởng mức thuế suất này hết sức khắc nghiệt, đó là phải chứng minh được quy tắc xuất xứ nguyên liệu sản xuất nội địa.

Trong khi ngành dệt may lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, số ít nhà máy vừa được tập đoàn dệt may đầu tư nhưng so với nhu cầu cần của các DN không đáng kể.

Gần đây, nhiều dự án FDI đã tập trung đầu tư những nhà máy sản xuất sợi với quy mô rất lớn; thế nhưng, điều đáng nói là nguyên liệu sản xuất ra, các DN FDI không có sự chia sẻ với DN nội mà phục vụ khép kín trong hoạt động sản xuất của họ.

Như vậy, DN nội không những không được hưởng lợi từ giảm thuế xuất khẩu do không đảm bảo quy tắc xuất xứ mà còn phải cạnh tranh tại nước thứ 3 với các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam. 

Bà PHAN THANH XUÂN, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam: Cơ hội vàng cho ngành da giày

Khi Việt Nam tham gia TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5% - 57,4% để hưởng ưu đãi về mức 0%, từ đó giúp doanh nghiệp da giày tăng trưởng xuất khẩu.

Đây là cơ hội vàng cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, ngành da giày cũng phải đối diện với nhiều thách thức trong nội tại của ngành và bản thân từng doanh nghiệp như: nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực phát triển sản phẩm, quản trị doanh nghiệp…

Bà NGUYỄN THỊ THU TRANG, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức

Với việc các đối tác trong TPP cam kết mở cửa thương mại cho Việt Nam, TPP được kỳ vọng sẽ mang tới cho chúng ta những lợi ích to lớn.

Đó là cơ hội: xuất khẩu với thuế quan ưu đãi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng nguồn cung giá hợp lý cho sản xuất, chất lượng dịch vụ tốt hơn và giá rẻ hơn…

Tuy nhiên, điều đó chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có hành động thích hợp, đáp ứng được các điều kiện liên quan.

Thách thức xuất hiện từ đây, không phải là ở chỗ chúng ta sẽ bị mất những gì, mà là chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ những lợi ích gì mà lẽ ra có thể thu được từ TPP.

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh khác của TPP mà Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất.

Thứ nhất, đó là cơ hội về cải cách thể chế khi TPP bao gồm các cam kết cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, về doanh nghiệp nhà nước, về mua sắm Chính phủ...

Đây là những việc mà chúng ta đã và đang làm, các cam kết TPP sẽ cung cấp thêm một động lực to lớn để chúng ta thực hiện công việc này hiệu quả hơn. Thứ hai, là cơ hội về xã hội và phát triển bền vững khi TPP chứa đựng các cam kết tham vọng về tiêu chuẩn lao động, môi trường…

TPP với các cam kết hỗ trợ kỹ thuật có thể giúp chúng ta thực hiện được các mục tiêu này thuận lợi hơn, nhanh hơn.

Ông NGUYỄN  TỬ CƯƠNG, Trưởng ban phát triển thủy hải sản bền vững thuộc Hội Nghề cá Việt Nam: Ngành thủy sản đẩy mạnh  lợi thế xuất khẩu 

Sản phẩm thủy hải sản nước ta vốn là ngành  chủ lực xuất khẩu, đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Mặt khác, từ trước đến nay các DN thủy sản đã phải hoạt động trong một môi trường kinh doanh luôn chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và thường bị áp thuế chống bán phá giá.

Do đó, cùng với việc tham gia hiệp định thương mại, sản phẩm thủy hải sản Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh hơn về giá thành. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu.

Ông LÊ  QUỐC VINH, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Le Media: Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Chắc chắn, một trong những vấn đề sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam. Đó là tuân thủ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta đều thấy, riêng một vấn đề bảo hộ sáng chế sinh học đã là một rào cản rất lớn, tốn nhiều công sức đàm phán trong vòng cuối cùng.

Đối với các nước phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản…, họ rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, và đó sẽ là điều kiện tiên quyết phải đảm bảo nếu muốn chính phủ và quốc hội của họ thông qua TPP. 

Trong khi đó, thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ và quyền tác giả ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Đó cũng là điểm yếu lớn nhất khiến công nghiệp sáng tạo Việt Nam khó phát triển. 

Ông PHẠM  HỒNG HẢI, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: Sẽ tạo áp lực tích cực

TPP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép.

Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020.

Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này.

Tôi tin tưởng rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn.

Ông LƯƠNG HOÀI NAM, Tổng Giám đốc Hàng không Hải Âu: Kiên quyết đoạn tuyệt với cơ chế “xin - cho”

Không phải kết thúc đàm phán TPP thành công là mọi thứ tự nhiên tốt lên, mọi DN đều ăn nên làm ra, thu nhập người lao động tăng, kinh tế ầm ầm phát triển…

Tất cả đều phải rất nỗ lực, phải “cày”. Các cơ quan quản lý và cộng đồng DN cần phải thay đổi. Các DN nước ta phần lớn nhỏ và yếu hơn, kém hơn các đối thủ cạnh tranh trong TPP.

Ta mở cửa là họ vào thị trường Việt Nam dễ dàng, nhưng để ta vào được thị trường của họ không hề dễ.

Về mặt chính sách, cần kiên quyết đoạn tuyệt với cơ chế “xin - cho”, đảm bảo cho người dân, DN quyền tự do kinh doanh cao nhất (trên tinh thần thật sự được làm những gì luật pháp không cấm), giảm thiểu các thủ tục xin phép và chi phí hành chính.

Nếu nước ngoài mở cửa cho DN Việt Nam, nhưng các cơ quan trong nước lại “lập chốt thu vé qua cổng” thì DN Việt Nam vẫn thua. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có một môi trường đầu tư, kinh doanh sạch.

Đồng thời, DN phải thay đổi từ việc nghiêm túc với chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh, hiểu biết đủ về pháp luật, văn hóa, các hệ thống phân phối địa phương, có kỹ năng đàm phán quốc tế...


Triển vọng mới cho cây dừa Hoài Nhơn Triển vọng mới cho cây dừa Hoài Nhơn Chỉ thu 2 loại phí về kiểm dịch và kiểm soát giết mổ gia súc Chỉ thu 2 loại phí về kiểm dịch…