Khai Thác Tận Diệt Nguồn Lợi Thủy Sản Ở Trà Vinh
Tình trạng này diễn ra phổ biến tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh hơn 10 năm qua.
Mấy năm trở lại đây, người dân dùng lưới có kích cỡ nhỏ làm lưới đáy bằng lưới mùng để khai thác thủy sản ven bờ ở nhiều tỉnh ĐBSCL. Tình trạng khai thác lưới mùng mang tính hủy diệt dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ tại địa phương.
Thực trạng dùng lưới mùng làm đáy để đánh thủy sản ven bờ trên địa bàn xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã diễn ra hơn 10 năm nay. Ngoài số đáy mùng đang đóng cố định ven bờ của người dân địa phương thì còn nhiều miệng đáy khai thác di động của nhiều hộ dân đến từ hai tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng.
Theo các ngư dân, chỉ cần số tiền 500.000 đồng là có thể trang bị một miệng đáy mùng để khai thác thủy sản. Trung bình mỗi hộ có từ 3 đến 6 miệng đáy, (mỗi miệng đáy có chiều rộng từ 5 đến 7 mét). Do vốn đầu tư thấp nên chỉ khai thác trong vài con nước đã thu hồi được vốn và có lãi.
Trước đây, người dân chỉ đóng đáy mùng ven bờ vào mùa Nam, còn nay thì đóng quanh năm; mùa Nam thì đóng bắt con ruốc, còn mùa Chướng thì bắt các loại con giống như: cua, cá kèo, cá chẽm để bán cho các hộ chăn nuôi.
Việc đóng đáy mùng trước đây diễn ra lén lút, nay thì gần như là đóng công khai. Loại đáy mùng này do mắt lưới nhỏ nên tất các loại tôm cá, ấu trùng của các loại thủy sinh đi vào miệng đáy đều bị kẹt trong các túi đáy này.
Anh Nguyễn Văn Minh, ấp Phước Thiên, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải bức xúc nói: “Dân Bến Tre nó qua đóng đáy bè không, ảnh hưởng dữ lắm, họ đánh bắt không còn gì. Rồi có khi họ đổ không hết, chở không hết họ xả bỏ. Họ có xả ra thì những con tôm, cá nhỏ cũng chết hết, đâu còn sống nổi. Chúng tôi mong địa phương, chính quyền các cấp ngăn chặn tình trạng này”.
Theo khảo sát của chính quyền địa phương, dọc theo bờ biển của xã Đông Hải, có gần 2 nghìn miệng đáy mùng được đóng suốt ngày đêm. Bình quân một miệng đáy đóng trong một con nước có thu nhập từ vài trăm ngàn đến khoảng ba triệu đồng, do vậy, nên họ bất chấp việc bị xử phạt. Ngoài ra, xử phạt các đối tượng vi phạm trong việc sử dụng lưới mùng khai thác thủy sản cũng rất khó khăn. Bởi vì, khi thấy lực lượng kiểm tra, các đối tượng vi phạm bỏ trốn hoặc không thừa nhận phương tiện khai thác là của mình, nên lực lượng chức năng không xử phạt được.
Việc khai thác nguồn lợi thủy sản bằng đáy mùng trên địa bàn xã Đông Hải, đã vượt ngoài khả năng quản lý và kiểm soát của chính quyền địa phương. Nguyên nhân do nguồn nhân lực và phương tiện của địa phương hạn chế. Mặt khác, do mức xử phạt vi phạm hành chính được qui định đối với UBND cấp xã tối đa là 2 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Để khắc phục tình trạng nầy, ông Đào Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, kiến nghị: “Cần có chính sách hỗ trợ vốn để cho hộ nghèo chuyển đổi nghề đóng đáy ven biển. Kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, nhất là những phương tiện từ nơi khác đến đóng đáy mùng ở ngoài sâu gây bức xúc cho người dân địa phương trong thời gian qua. Cần có cơ chế đủ mạnh để xử lý hành chính, tịch thu phương tiện, tài sản của những người tham gia đóng đáy mùng để xử lý triệt để không còn diễn ra tình trạng đóng đáy mùng tràn ngập như hiện nay nữa.”
Tình trạng đóng đáy bằng lưới mùng mang tính hủy diệt diễn ra ồ ạt và kéo dài nhiều năm dẫn đến hậu quả là nguồn lợi thủy sản của vùng biển xã Đông Hải nói riêng và huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh nói chung đã sụt giảm đáng kể, gây thất thu lớn cho hơn 1.400 khẩu đáy biển của gần 400 hộ dân hành nghề đóng đáy trong xã. Bên cạnh đó, sản lượng tôm, cá tự nhiên khai thác của người dân địa phương đã sụt giảm khoảng 6 – 7 lần.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ