Khi Thương Hiệu Bị Xem Nhẹ
Cái thiếu của Việt Nam hiện nay là thương hiệu, và xuất khẩu thô quá nhiều, điều đó làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản...
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa công bố một con số thống kê đáng “giật mình”: Trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, chỉ mới có khoảng 15% là của doanh nghiệp trong nước, và hơn 80% hàng nông sản Việt Nam được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Còn trong nước, cũng có hơn 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không hề có nhãn hiệu. Chính sự “vô danh” này đã khiến nông sản của ta có sức cạnh tranh rất kém tại những thị trường lớn, nhanh chóng bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, và thiệt thòi về giá cả.
Ví như ngành chè Việt Nam. Tuy được xếp hạng thứ 5 thế giới, nhưng chỉ vì chưa xây dựng được thương hiệu, nên giá chè xuất khẩu của ta chỉ đạt 1.698 USD/tấn, bằng một nửa giá chè bình quân của thế giới.
Một số doanh nghiệp của Anh, sau khi mua chè của Việt Nam về tinh chế, họ đã bán ra thị trường với giá 9.800 USD/tấn (gấp gần 5 lần giá chè xuất khẩu của ta), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Đoàn Anh Tuấn cho báo chí biết.
Và ông chỉ rõ, nguyên nhân chính do 98% lượng chè xuất khẩu của ta ở dạng thô, đóng bao 50 kg, trong khi thương hiệu thường chiếm từ 40 đến 60% giá trị, trên mỗi đơn vị sản phẩm.
“Cái thiếu của Việt Nam hiện nay là thương hiệu, và xuất khẩu thô quá nhiều, điều đó làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Ví dụ như cà phê, gạo, mặc dù các bạn đứng nhất nhì thế giới, nhưng các bạn vẫn để cho các nước khác thâu tóm về giá, bị động trong giao dịch…”.
Chuyên gia của Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển, thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, ông Reindert Dekker, đã thẳng thắn chỉ rõ điều đó, tại hội nghị quốc tế ngành Công nghiệp Thực phẩm, do Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương tổ chức mới đây.
Điều đó nói lên một thực trạng, là các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản của ta rất lơ là trong việc xây dựng thương hiệu. Xuất chỉ muốn xuất thô, lấy giá rẻ làm vũ khí cạnh tranh. Còn tiêu thụ trong nước cũng chẳng cần logo, nhãn mác.
Thương hiệu, chính là sự cam kết của người bán với người mua về xuất xứ hàng hóa, về độ tinh khiết và mức độ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của những hàng hóa mà mình bán ra.
Còn người mua, khi chọn mua hàng hóa mang một thương hiệu nào đó, là thể hiện lòng tin của mình với thứ hàng hóa mang thương hiệu đó. Và người mua không tiếc tiền chênh lệch giữa việc mua hàng có thương hiệu với việc mua cũng những loại hàng hóa đó nhưng “vô danh”.
Chính lòng tin của người mua mới tạo nên quan hệ bán - mua bền vững. Chính thương hiệu mới có sức tồn tại độc lập trên thị trường, tránh được việc bị các đối thủ thâu tóm về giá. Và cũng chính thương hiệu mới làm tăng giá trị sản phẩm trên thị trường.
Nhờ sự tăng giá trị này, mà doanh nghiệp xuất khẩu mới có điều kiện hỗ trợ người nông dân sản xuất ra nguyên liệu, bằng cách tăng giá mua, thay vì ép giá nông dân như hiện nay.
Chừng nào mà thương hiệu chưa được xem trọng, chưa được xây dựng một cách bài bản, thì chừng đó những sản phẩm nông sản của chúng ta còn bị chèn ép trên thị trường. Và nền kinh tế đất nước còn chịu thiệt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ