Mô hình kinh tế Không Có Chuyện Thương Lái Ép Giá Thanh Long Ở Bình Thuận

Không Có Chuyện Thương Lái Ép Giá Thanh Long Ở Bình Thuận

Ngày đăng 14/08/2014

Không Có Chuyện Thương Lái Ép Giá Thanh Long Ở Bình Thuận

Ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận: Những trái thanh long đổ dọc đường vừa qua là do bị bệnh nấm trắng (hay còn gọi là nấm tắc kè).

Nói về diễn biến giá cả của nông sản thanh long trong thời gian qua, ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho rằng đó là hiện tượng bình thường, phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường. Vào đầu vụ chính vừa qua, do sản lượng tăng đột biến kèm theo sâu bệnh làm cho trái thanh long kém chất lượng, nên xảy ra khủng hoảng.

Ông Hưng khẳng định: không có chuyện thương lái ép giá thanh long khi đến mua tại vườn. Giá mua bán thanh long phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiêu thụ. Do đó, chuyện “làm giá” chỉ có thể xảy ra ở các chợ cửa khẩu biên giới Trung Quốc, nơi tiêu thụ hầu hết loại nông sản này của tỉnh Bình Thuận theo đường tiểu ngạch.

PV:  Thưa ông, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, xin ông cho biết tình hình mua bán thanh long tại Bình Thuận đang diễn biến như thế nào?

Ông Bùi Đăng Hưng: Chúng tôi thấy, giá thanh long diễn biến bình thường như mọi năm. Vào mùa chính vụ, thanh long đơm hoa kết trái theo quy luật tự nhiên. Nếu bà con không biết tỉa bớt thì sẽ tạo ra sản lượng rất lớn.

Những trái thanh long đổ dọc đường vừa qua là do bị bệnh nấm trắng (hay còn gọi là nấm tắc kè). Loại nấm này thường phát triển nhanh vào mùa mưa nên khiến cho sản lượng thanh long bị giảm mạnh.

PV: Tính đến thời điểm này, giá thanh long đã có sự chuyển biến ra sao?

Ông Bùi Đăng Hưng: Tình trạng thanh long bị hư hỏng và đổ dọc đường như báo chí nêu thời gian qua không phải là hiện tượng đột biến. Đó là hiện tượng bình thường xảy ra ở một nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ của tỉnh Bình Thuận.

Bây giờ, bà con trồng thanh long đã biết cách chăm sóc nên giá cả cũng tăng lên. Hiện giá thanh long đã tăng lên từ 8.000 đến 10.000 đồng so với thời điểm trước đó (chỉ có giá từ 4.000 đến 5.000 đồng).

Tôi phải nhắc lại rằng, trong đợt cao điểm vừa qua, do mùa mưa cộng với dịch bệnh nên sinh ra thanh long dư thừa. Nếu chúng ta biết được quy luật đó, sang năm bà con cố gắng chăm sóc tốt sẽ không để xảy ra tình trạng như vậy nữa.

PV: Hiện nay, một số người cho rằng có hiện tượng làm giá trên thị trường thanh long Bình Thuận. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Bùi Đăng Hưng: Nếu ai nói thanh long có hiện tường làm giá thì tôi không đồng với quan điểm đó. Khi đã vận hành theo cơ chế thị trường, tất yếu nó phải bị chi phối bởi quy luật thị trường, tức là nói cung và cầu.

Việc làm giá chỉ có thể diễn ra ở chợ biên giới vì lúc đó có nhiều hàng hóa nên họ mới ép giá.

PV: Như vậy, cụ thể cung cầu đó là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc phải không, thưa ông?

Ông Bùi Đăng Hưng: Điều đó tuỳ thuộc vào thị trường chính. Thị trường nào tiêu thụ chính trái thanh long Bình Thuận, nơi đó chi phối giá. Thị trường nào ăn nhiều, số lượng nhiều, mua bán nhiều, thị trường đó chi phối các thị trường khác. Chẳng hạn, thời gian qua thị trường Trung Quốc chi phối giá hết tất cả thị trường thế giới. Những người mua xuất đi các nước khác cũng nhìn vào thị trường Trung Quốc người ta mua chứ không thể nào người ta tự tạo một giá riêng biệt để đi thị trường khác được.

PV: Theo kinh nghiệm của ông, thời gian tới đây, giá cả thanh long tại Bình Thuận có khả quan không?

Ông Bùi Đăng Hưng: Hiện tại chúng tôi không biết được, nói ra sẽ không có cơ sở. Nhưng tôi nghĩ rằng, thời gian tới, giá thanh long sẽ cao hơn trước đây. Nhưng giá cụ thể như thế nào thì tôi chưa biết được vì nó căn cứ vào nhiều lí lo.

PV: Xin cảm ơn ông!


Cho Phép Sử Dụng Ngô Biến Đổi Gen Làm Thực Phẩm Cho Phép Sử Dụng Ngô Biến Đổi Gen… Nga Dỡ Lệnh Đình Chỉ Nhập Khẩu Thủy Sản Việt Nam Nga Dỡ Lệnh Đình Chỉ Nhập Khẩu Thủy…