Không đạt mục tiêu dồn điền đổi thửa
Hiệu quả thiết thực
Ông Trần Công Khoa – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước cho biết, thực hiện Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND (ngày 5.8.2011) của UBND tỉnh, hơn 4 năm qua địa phương đã triển khai DĐĐT được hơn 157ha đất sản xuất lúa trên địa bàn 3 thôn gồm Hạ Nông Tây, La Hòa, Hạ Nông Nam.
Theo tìm hiểu, nếu trước đây mỗi hộ có 6,3 thửa ruộng và diện tích 1 thửa chỉ chừng 448 mét vuông thì sau khi DĐĐT đã giảm xuống còn 2,2 thửa/hộ và diện tích tăng lên 1.296 mét vuông/thửa.
DĐĐT xong, cùng với số tiền hơn 753 triệu đồng do thị xã Điện Bàn hỗ trợ theo Quyết định số 23, lãnh đạo xã tích cực vận động nông dân đóng góp thêm công sức, tiền bạc để tập trung chỉnh trang lại đồng ruộng, thi công đồng bộ hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng nhằm hình thành các cánh đồng mẫu chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao.
Qua khảo sát cho thấy, bình quân hàng năm 1ha đất trên những cánh đồng mẫu này cho giá trị hơn 100 triệu đồng, tăng ít nhất 20 triệu đồng so với thời điểm chưa tiến hành khâu DĐĐT.
“Trước hiệu quả hết sức thiết thực đó, trong thời gian tới Điện Phước sẽ tiếp tục DĐĐT 45ha đất lúa ở 2 thôn Nông Sơn 1 và Hạ Nông Đông để xây dựng thêm một số cánh đồng mẫu” - ông Khoa nói.
Nhờ nỗ lực cải tạo đồng ruộng và tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ từ cơ chế 33 của UBND tỉnh nên 5 năm nay, nông dân Điện Phước có điều kiện đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê mới nhất, hiện giờ toàn xã có tổng cộng 13 máy gặt đập liên hợp, 7 máy sấy giống lúa, 35 máy cày loại vừa và lớn… đảm bảo cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch với tỷ lệ 100%.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, hiện mỗi vụ nông dân trên địa bàn thị xã sản xuất gần 5.700ha lúa.
Thực hiện Quyết định số 23 của UBND tỉnh, đầu năm 2012 đến nay địa phương tiếp tục triển khai công tác DĐĐT tại 12 thôn của 6 xã, phường gồm Điện Phước, Điện Quang, Điện Minh, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện An với diện tích hơn 424ha, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến đầu tháng 12.2015 này toàn thị xã Điện Bàn đã có tổng cộng 650ha đất canh tác lúa được DĐĐT.
Ông Chơi chia sẻ: “Ngay sau khi tiến hành xong khâu DĐĐT, ngành nông nghiệp thị xã và chính quyền các cấp đã tập trung mọi nỗ lực giúp nông dân cải tạo, chỉnh trang lại đồng ruộng.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng nhằm nhanh chóng hình thành những cánh đồng mẫu lớn.
Thực tế cho thấy, mấy năm gần đây, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, hàng trăm hộ dân tại những vùng đã DĐĐT đẩy mạnh liên doanh liên kết với các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa tập trung theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm.
Qua đánh giá tại một số địa phương thì giá trị kinh tế của việc liên kết sản xuất lúa giống trên các cánh đồng mẫu lớn tăng 25% so với khi chưa áp dụng mô hình này”.
Không đạt kế hoạch
Sẽ tiếp tục DĐĐT 1.540ha đất nông nghiệp trong 5 năm tới
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 thị xã sẽ tiếp tục triển khai thực hiện DĐĐT 1.540ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 75 thôn, khối phố của 14 xã, phường với tổng nguồn kinh phí dự kiến khoảng hơn 4,5 tỷ đồng.
Theo ông Chơi, muốn mục tiêu trên trở thành hiện thực thì thời gian tới ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải tập trung đẩy mạnh khâu tuyên truyền để nhân dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của công tác DĐĐT.
Đồng thời tổ chức cho cán bộ cùng một số hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại những “điểm sáng” về DĐĐT ở trong và ngoài thị xã để từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Đặc biệt, UBND cấp xã phải cử cán bộ địa chính và cán bộ nông nghiệp trực tiếp giúp cho ban dân chính thôn xây dựng cụ thể, bài bản phương án DĐĐT.
Ông Chơi nói: “Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào ban dân chính thôn nhiệt tình, trách nhiệm và cán bộ địa chính, nông nghiệp xã tận tâm, phối hợp tốt với thôn thì nơi đó công tác DĐĐT được triển khai nhanh chóng, thuận lợi”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, theo các phương án được phê duyệt ban đầu thì trong giai đoạn 2012-2015 Điện Bàn sẽ tổ chức DĐĐT hơn 883ha đất sản xuất nông nghiệp tại 27 thôn, khối phố của 6 xã, phường là Điện Quang, Điện Minh, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Phước, Điện An.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên hơn 4 năm nay chỉ thực hiện được hơn 424ha ở 11 thôn, khối phố của 6 xã, phường nêu trên.
Số diện tích này chỉ đạt 48% so với kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Đức Chơi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là ở một số nơi cấp ủy, chính quyền xã chưa thực sự tập trung cao độ cho công tác DĐĐT và còn tâm lý ngại khó.
Trong khi đó, khâu tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành và mặt trận, hội, đoàn thể chưa thường xuyên.
Không chỉ vậy, thời gian qua việc trích đo địa chính thửa đất, khu đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT chậm nên đã gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.
Từ đó, có một bộ phận không nhỏ người dân không nhiệt tình hưởng ứng, nói đúng hơn là bất hợp tác trong việc thực hiện DĐĐT.
Ông Chơi nói: “DĐĐT là công việc có liên quan đến nhiều hộ dân nên việc tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện là rất khó.
Có vùng, muốn triển khai DĐĐT thì chúng tôi và chính quyền địa phương phải tổ chức không dưới 20 cuộc họp để vận động dân.
Nói thật, trong khâu này, nếu cán bộ xã và thôn không kiên trì tuyên truyền, thiếu sự nhiệt tình thì e rằng khó thành công”.
Theo lãnh đạo một số xã, phường ở thị xã Điện Bàn thì việc thực hiện khâu DĐĐT trên đất sản xuất nông nghiệp trong mấy năm qua cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng, công tác DĐĐT phải đi đôi với việc quy hoạch xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi… nhưng thực tế cho thấy kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh rất ít, trong khi đó nguồn lực của cấp huyện, cấp xã và nhân dân đóng góp không nhiều.
Chính vì thế, nhiều nơi dù đã DĐĐT xong nhưng vẫn chưa thể hình thành được những cánh đồng mẫu lớn canh tác theo phương thức hàng hóa tập trung do thiếu vốn thi công hạ tầng phục vụ sản xuất một cách bài bản.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho khâu đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT còn ít nên cũng đã làm hạn chế việc triển khai công tác này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ