Mô hình kinh tế Không Phát Hiện Chất Cấm Trong Cá Ở Đồng Nai
Mô hình kinh tế Không Phát Hiện Chất Cấm Trong Cá Ở Đồng Nai

Không Phát Hiện Chất Cấm Trong Cá Ở Đồng Nai

Ngày đăng 14/05/2012

Không Phát Hiện Chất Cấm Trong Cá Ở Đồng Nai
Thông tin về chất cấm Trifluralin trong cá điêu hồng đã được giới truyền thông đưa tin lại một cách đầy đủ để tránh thiệt hại cho nông dân. Song gần một tháng trôi qua, giá cá điêu hồng trong tỉnh vẫn không tăng, đầu ra khó khăn hơn.

Toàn tỉnh Đồng Nai có diện tích nuôi thủy sản trên 30 ngàn hécta, nằm ở hầu hết các huyện. Cá điêu hồng được nông dân nuôi ở các bè trên sông Đồng Nai, sông La Ngà và trong ao. Cá điêu hồng chủ yếu được nông dân nuôi theo dạng công nghiệp, bán công nghiệp, mỗi năm thu khoảng 2 vụ.

* Thiệt hại lớn

Chất cấm Trifluralin có trong cá điêu hồng vừa qua được các cơ quan thông tin đại chúng cảnh báo với người nuôi thủy sản, thực tế là loại thuốc dùng để xử lý nấm trong ao nuôi cá. Loại thuốc này Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa vào danh mục cấm sử dụng từ tháng 4-2010. Hiện nay, chỉ còn một số nông dân ở miền Tây không rõ thuốc bị cấm nên vẫn sử dụng. Sự việc trên được giới truyền thông cảnh báo là đúng, tuy nhiên việc thông tin không đầy đủ đã khiến người tiêu dùng hoang mang, quay lưng lại với cá điêu hồng gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi.

Ông Trần Đức Cần ở KP1, phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa) - một hộ nuôi cá bè trên sông Đồng Nai than: “Gần 1 tháng nay, giá cá điêu hồng xuống thấp hơn giá thành 3 ngàn đồng/kg nên mỗi tấn cá bán ra, tôi phải chịu lỗ 3 triệu đồng. Giá cá đã giảm sâu, đầu ra lại rất khó khăn. Hiện tôi vẫn còn trên 30 tấn cá quá lứa chưa bán được, mỗi ngày tốn thêm gần 1 triệu đồng tiền thức ăn”. Ông Nguyễn Ngọc Tám ở ấp 1, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cho biết: “Tôi nuôi cá điêu hồng giống. Trước đây, khi chưa có thông tin về chất cấm, giá cá giống là 35 ngàn đồng/kg, mỗi tháng tôi bán gần 6 tấn, trừ chi phí còn lời gần 20 triệu đồng. Nhưng gần một tháng nay, cá thịt giảm rất khó bán kéo theo cá giống giảm còn 27 ngàn đồng/kg, cứ 1 kg cá giống bán ra, tôi chịu lỗ 4 ngàn đồng. Cá giống đến thời điểm bán dù lỗ nhiều cũng phải bán, vì giữ lại không có ao để nuôi”.

Theo các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), khi chưa có thông tin về chất cấm Trifluralin, giá cá điêu hồng dao động từ 35 - 38 ngàn đồng/kg. Song gần một tháng nay giá cá chỉ còn 27 - 28 ngàn đồng/kg. Nhiều hộ thấy lỗ nhiều và đầu ra khó khăn đành phải giữ cá lại nuôi tiếp. Lượng cá điêu hồng đến thời điểm xuất bán, chưa bán được riêng ở Phú Ngọc lên đến hơn ngàn tấn.

* Không có chất cấm

Cá điêu hồng được nuôi ở Đồng Nai khá nhiều, nên giá cá giảm sâu, đầu ra hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Nhiều hộ nuôi cá bè lâu năm trên sông La Ngà, sông Đồng Nai khẳng định, cá bè đa số được nuôi theo dạng công nghiệp, bán công nghiệp với mật độ dày nên người chăn nuôi rất cẩn thận trong khâu chăm sóc, sử dụng các loại thuốc phòng và trị bệnh cho cá. Đối với các loại thuốc ngoài danh mục, họ tuyệt đối không dùng vì lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu và chất lượng, cá nuôi ra sẽ khó bán. Hiện toàn tỉnh có trên 1 ngàn hộ sống bằng nghề nuôi cá bè trên sông.

Thạc sĩ Phùng Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, cho biết: “Toàn tỉnh có gần 50 cơ sở sản xuất - kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản. Hàng năm, chi cục đều tiến hành nhiều đợt kiểm tra các cơ sở trên để kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp có sử dụng chất cấm, song chưa phát hiện trường hợp nào bán hoặc sử dụng chất cấm. Riêng các vùng nuôi thủy sản, chi cục có tiến hành kiểm tra nhưng cũng không phát hiện chất cấm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chất cấm Trifluralin chỉ dùng xử lý nấm ở các ao nuôi, song ở Đồng Nai, cá điêu hồng đa số nuôi trong bè trên sông nên nông dân không dùng loại thuốc này ngay từ khi chưa đưa vào danh mục cấm.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Đồng Nai, khẳng định: “Thủy sản nuôi tại Đồng Nai khá an toàn, chưa phát hiện được trường hợp nào có dùng chất cấm hoặc chất ngoài danh mục. Đặc biệt, tỉnh còn triển khai các hội thảo GAP trong nuôi tôm, xây dựng đề án hỗ chợ nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững cho nông dân. Qua đó, hướng đến truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm thủy sản”.

Người Nuôi Heo “Chết” Oan Vì Chất Tạo Nạc Người Nuôi Heo “Chết” Oan Vì Chất Tạo… Để Ngành Thủy Sản Bến Tre Vươn Xa Hơn Để Ngành Thủy Sản Bến Tre Vươn Xa…