Mô hình kinh tế Kim Động (Hưng Yên) Khai Thác Tiềm Năng Vùng Bãi Để Phát Triển Đàn Bò

Kim Động (Hưng Yên) Khai Thác Tiềm Năng Vùng Bãi Để Phát Triển Đàn Bò

Ngày đăng 15/09/2014

Kim Động (Hưng Yên) Khai Thác Tiềm Năng Vùng Bãi Để Phát Triển Đàn Bò

Trên 10 km đê tả sông Hồng chạy qua địa bàn, trên 600 ha đất bãi… đây là những điều kiện thuận lợi để huyện Kim Động (Hưng Yên) đẩy mạnh khai thác tiềm năng chăn nuôi đại gia súc ở các xã ven đê.

Theo thống kê của huyện Kim Động, đầu tháng 4.2014 xã Mai Động mới nuôi gần 300 con bò thịt thì đến nay đàn bò thịt của xã đã trên 600 con, trong đó riêng “làng đảo” Vân Nghệ nuôi gần 500 con.

Tại “làng đảo” này, bình quân mỗi hộ gia đình nuôi 3 con bò thịt, hộ nuôi nhiều 8 - 9 con, nông dân lấy chăn nuôi bò thịt là hướng chủ yếu cho phát triển kinh tế hộ, làm giàu. Với các thôn ven đê, trong đồng cũng đang phát triển mạnh đàn bò thịt.

Anh Nguyễn Đình Thuân, thôn Hạnh Lâm cho biết: “Trước đây thân cây chuối chúng tôi bỏ đi nhưng nay được dùng để nuôi bò. Bởi thế, thức ăn cho nuôi bò thịt càng dồi dào, dễ kiếm. Hơn nữa bò ít dịch bệnh, chuồng nuôi đơn giản nên từ năm ngoái vợ chồng tôi chuyển sang đầu tư nuôi bò thịt, thường xuyên trong chuồng có 7 - 8 con. Bắt bò lúc khoảng 5 - 6 tháng tuổi, nuôi sau khoảng 1 năm bán lãi trung bình 10 – 12 triệu đồng/con.

Nuôi bò thịt hiệu quả tốt nên tới đây tôi bắt thêm chục con nữa về nuôi”. Cùng với Mai Động, thời gian gần đây các xã ven đê như Ngọc Thanh, Hùng An, Đức Hợp, Phú Thịnh và cả các xã trong đồng như Song Mai, Vĩnh Xá, thị trấn Lương Bằng… đều phát triển mạnh đàn bò thịt, nâng tổng đàn bò thịt trên 3,5 nghìn con, tăng gần 1 nghìn con so với đầu năm.

Nuôi bò sữa tuy chi phí đầu tư lớn, kỹ thuật chăn nuôi yêu cầu cao hơn nhiều so với nuôi bò thịt song vẫn có sức hút với nhiều nông hộ. Với “giá bán sữa bò chỉ có lên chứ chưa có xuống”, như nông dân ở đây nói, khiến người nuôi bò sữa yên tâm gắn bó với vật nuôi này.

Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện toàn huyện có gần 500 con bò đang cho khai thác sữa, trong đó xã Hùng An có trên 330 con, xã Phú Thịnh trên 125 con, Mai Động trên 20 con… tăng khoảng 100 con so với đầu năm. Trong khi đó, mục tiêu của huyện đến năm 2015 nuôi khoảng 500 con bò sữa (kế hoạch này bao gồm cả đàn bò sữa của hai xã Phú Cường và Hùng Cường, nay đã chuyển về thành phố Hưng Yên).

Gia đình ông Phạm Thế Dương (xã Hùng An) đang nuôi 47 con bò sữa, trong đó có 30 con đang cho khai thác sữa, là hộ nuôi bò sữa nhiều nhất xã, nhất huyện. Hàng ngày, mỗi con bò cho khai thác sữa nhiều nhất là 35 kg, ít nhất là 20 kg. Gia đình ông phải cần 6 lao động để chăm sóc đàn bò.

Ông bảo: “Với giá bán sữa hiện nay cho Công ty sữa Vinamilk gần 14 nghìn đồng/kg, người nuôi bò sữa có lãi ít nhất 50% giá sữa. Lúc khai thác sữa thấp nhất gia đình tôi cũng thu lãi trên 1 triệu đồng/ngày, thời gian cao điểm tiền lãi thu cao gấp 3 – 4 lần”. Cùng với gia đình ông Dương, nhiều hộ nuôi bò sữa trong xã Hùng An thu lãi xung quanh 1 triệu đồng/ngày.

Cá biệt, có những con bò sữa của gia đình các ông Phạm Ngọc Núi, Hoàng Văn Thêm… cho năng suất sữa 40 – 45 kg/con/ngày thì tiền lãi thu được trên mỗi con bò sữa còn cao hơn.

Cơ sở mua gom sữa của gia đình ông Phạm Thế Dương vừa đầu tư bồn chứa sữa bò dung tích 4000 m3 được sản xuất theo công nghệ tiên tiến, trị giá trên 700 triệu đồng

Ông Đặng Văn Bốt (xã Mai Động) đang nuôi 8 con bò sữa, trong đó 5 con đang cho khai thác trên 100 kg sữa/ngày nhận định rằng trong vòng 2 năm tới đàn bò sữa, bò thịt trong xã sẽ tăng rất mạnh. Những hộ có tiềm lực tài chính sẽ tập trung nuôi bò sữa, những hộ khác sẽ nuôi bò thịt.

Vấn đề đặt ra là diện tích đất cho trồng cỏ voi để nuôi bò sữa phải được chính quyền địa phương quy hoạch gọn vùng cho nhân dân trồng thuận lợi. Bò sữa phải ăn cỏ voi mới cho nhiều sữa, không như bò thịt chỉ tận dụng thân cây ngô, cây chuối là đủ.

Một trong những yếu tố tạo thuận lợi cho đàn bò sữa, bò thịt của huyện Kim Động phát triển mạnh thời gian qua là việc tỉnh, huyện quan tâm đầu tư hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò.

Thực hiện Đề án giống vật nuôi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 – 2015, hàng năm tỉnh đều tổ chức giám định, bình tuyển toàn bộ đàn bò sữa, kiên quyết loại thải cá thể không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế cho người nuôi bò sữa. Trên địa bàn huyện tổ chức 3 điểm thu mua sữa bò bảo đảm năng lực mua gom toàn bộ sữa bò của cả huyện và vùng lân cận.

Đối với đàn bò thịt, bên cạnh tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng bệnh cho bò, năm 2013 huyện được tỉnh hỗ trợ trên 230 con giống bò thịt lai 3 máu, góp phần làm đa dạng thêm giống bò thịt cũng như giúp nông dân tiếp cận được với nền giống bò thịt cho chất lượng thịt, hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo đà thúc đẩy chăn nuôi bò thịt tốt hơn.

Bà Ngô Thị Toan, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Từ năm 2013 trở về trước, hai xã Phú Cường, Hùng Cường chưa chuyển về thành phố

Hưng Yên thì chăn nuôi bò của huyện Kim Động tập trung chủ yếu ở hai xã này. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện, đến nay dù không còn sự đóng góp về chăn nuôi của hai xã trên song tỷ trọng chăn nuôi của huyện đã chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Huyện tiếp tục có những chính sách, cơ chế để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hơn nữa, ưu tiên khai thác tiềm năng vùng bãi cho phát triển chăn nuôi bò, phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 50%.

Quan tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở các xã vùng bãi, ven đê sông Hồng là hướng đi đúng đắn của huyện Kim Động nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, việc khai thác thế mạnh vùng bãi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò cần được đặt trong sự phát triển bền vững. Bởi bên cạnh những hiệu quả kinh tế mà chăn nuôi đem lại, vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường sẽ là thách thức không nhỏ khi đàn vật nuôi phát triển quá nhanh trong khi vấn đề xử lý chất thải chưa theo kịp.

Hiện nay, phần lớn các hộ nuôi lợn với quy mô từ 30 con trở lên, bò sữa, bò thịt với quy mô từ 6 - 7 con trở lên đã xử lý chất thải, nước thải qua hầm khí biogas song nếu hệ thống cống rãnh thoát nước ở các thôn, xóm không được đầu tư đồng bộ thì nước thải của hầm khí biogas sẽ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.


Trồng Thảo Dược Dưới Tán Rừng Trồng Thảo Dược Dưới Tán Rừng Bảy Ánh “Cá Chình” Bảy Ánh “Cá Chình”